Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cú bắt penalty của K+
Tú Ân - 10/03/2018 10:38
 
K+ hiện giống như một đội bóng lớn sau khi ghi bàn thắng bằng việc độc quyền phát sóng truyền hình 2 giải bóng đá UEFA Champions League và UEFA Europa League, thì lại phải đối mặt với cú penalty mang tên “vi phạm bản quyền”.

“Hàng độc” về tay K+

Sau 1 năm vắng bóng tại Việt Nam, K+ đã đàm phán thành công với UEFA để sở hữu độc quyền toàn bộ bản quyền phát sóng truyền hình 2 giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trên hạ tầng truyền hình trả tiền và Internet (OTT) tại Việt Nam. Thỏa thuận trên có hiệu lực ngay lập tức, từ thời điểm này của mùa giải 2017 - 2018 kéo dài đến hết 3 mùa giải tiếp theo.

Được biết, K+ đã vượt qua nhiều đối thủ khác và được chọn không chỉ vì yếu tố giá cả hay tài chính, mà yếu tố ghi điểm chính là uy tín nhiều năm qua với đối tác quốc tế và khả năng kiểm soát tốt bản quyền.

.
.

Bản quyền UCL và UEL là “hàng hot” cùng với Giải Ngoại hạng Anh (EPL) và La Liga mà gần như rất nhiều nhà đài ở Việt Nam mong muốn có được. Có nó trong tay đồng nghĩa với việc có thêm thuê bao, doanh thu trong bối cảnh đang cạnh tranh khốc liệt.

Bảo vệ bản quyền thế nào?

K+ sẽ phải đối mặt với vấn đề bản quyền để tránh vết xe đổ mà VTVcab đã vấp phải. Trước đó, ngày 9/5/2017, VTVcab đã buộc phải ngừng phát sóng UCL và UEL vì lý do bị các đơn vị khác xâm hại bản quyền trên Internet.

Giờ đây, K+ đã có trong tay bản quyền phát sóng UCL và UEL. Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), khi bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng thì còn phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào khác.

Như vậy, cũng giống như VTVcab, K+ phải đảm bảo không xảy ra vi phạm bản quyền. Nhưng trên thực tế, nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam rất “khó đỡ”.

Lãnh đạo K+ khẳng định, mối lo bị vi phạm bản quyền là mối lo chung của tất cả các đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình. “Tuy nhiên, K+ đã có nhiều kinh nghiệm gắn với việc kiểm soát rất tốt bản quyền Ngoại hạng Anh, La Liga… suốt thời gian qua. Thêm nữa, chúng tôi chỉ thuần túy thực hiện trong lĩnh vực số, nên việc kiểm soát cũng dễ hơn các đơn vị khác làm cả analog…Vậy nên, chắc chắn K+ sẽ kiểm soát tốt. Nếu có bị vi phạm thì cũng chỉ trong một số thời điểm của trận đấu, chứ không thể mất kiểm soát được”, ông ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc VSTV khẳng định.

Năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng, tăng 21,16% so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước 380 tỷ đồng, tăng 19,95% so với năm 2016.
Cả nước hiện có 67 đài phát thanh - truyền hình, trong đó có 2 đài trung ương, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và 64 đài địa phương.
Cả nước có 78 kênh chương trình phát thanh trong nước, 104 kênh truyền hình. Số kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình cáp trả tiền, Intenet, vệ tinh là 91 kênh; số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch là 55 kênh.

(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

K+ có thể tự tin với khả năng kiểm soát vi phạm bản quyền của mình, nhưng tại Việt Nam, kiểm soát vi phạm bản quyền rất khó khăn. Với sự bùng nổ của mạng xã hội và Internet, rất có thể, UCL và UEL sẽ tiếp tục bị vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Ví dụ đơn giản nhất là một tài khoản, fanpage rất dễ dàng có thể livestream các trận đấu mà rất khó kiểm soát, ngăn cản. Hoặc như một trang web có server, IP nước ngoài có thể sử dụng video để phát lại với mục đích thu phí quảng cáo mà cơ quan quản lý nhà nước khó bề ngăn chặn…

Theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực truyền hình đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ, tìm địa chỉ và liên lạc với những đối tượng xâm phạm bản quyền gặp không ít khó khăn.

Ông Cường cho biết, hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng và ngày càng tinh vi, như tải về từ trang chính thống rồi đưa lên Youtube, Facebook hoặc trên những trang mạng lậu; lấy tín hiệu trực tiếp các kênh truyền hình của nhà đài mà không xin phép, sau đó đóng gói dịch vụ và bán lại cho người xem, hoặc phát để thu hút quảng cáo; tạo Facebook giả mạo các nhà đài, đưa lên các chương trình vi phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính…

Tình thế của K+ hiện nay giống như một đội bóng lớn sau khi ghi bàn thắng bằng việc mua được bản quyền UCL và UEL, thì lại phải đối mặt với cú penalty mang tên “vi phạm bản quyền”. K+ có chặn được quả penalty đó hay phải vào lưới nhặt bóng như VTVcab, đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

K+ công bố kế hoạch phát sóng giải Ngoại hạng Anh 2017-2018
Ngày 8/8, K+ công bố kế hoạch phát sóng giải Ngoại hạng Anh (NHA) và Vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga) mùa giải 2017 – 2018, mang đến cho khán giả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư