Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Cuộc "cách mạng" tại công ty gia đình: Thay đổi thế nào là đủ?
Thanh Huyền - 06/08/2016 09:17
 
Sau những thành công bước đầu của mô hình quản trị công ty gia đình, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giữa sự thay đổi toàn diện hay chỉ là sự cải tiến cho bước phát triển mới.

Những năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng trực tiếp tác động đến các doanh nghiệp nội vẫn còn đang loay hoay tìm cách trụ vững tại thị trường trong nước, chứ chưa nói đến việc lấn sân sang các thị trường khu vực.

Quay trở lại những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, những doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước mở ra thời bấy giờ chỉ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với sự tận dụng nguồn lực từ trong gia đình và hoạt động theo mô hình quản trị thuận tiện.

Bà Lưu Thị Châm, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Lưu (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Lưu Thị Châm, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Lưu (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Có những doanh nghiệp đã phát triển và thành công, để lại tên tuổi lớn, nhưng song song với đó là những doanh nghiệp mãi “không chịu lớn”. Sự thành công của Tập đoàn Kinh Đô (nay là KIDO) sau hơn 10 năm trở thành công ty đại chúng thông qua việc niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng vẫn giữ vững được mô hình quản trị gia đình với sự xuất hiện như hình với bóng của anh em ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên vừa là bài học thành công, vừa là khát khao của những công ty có xuất phát điểm tương tự.

Tình huống tại một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực khá tương đồng với KIDO trước đây là thực phẩm đã có thương hiệu và kinh nghiệm trên thị trường ra đời cách đây 15 năm, nhờ vốn góp của CEO và hai cổ đông khác là các anh, em họ của nhau. Trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, sự tham gia hết mình và đầy tin tưởng lẫn nhau của những người thân trong gia đình của CEO và các cổ đông đã giúp công ty ngày một phát triển và đạt được nhiều thành quả.

Tuy nhiên, trong tiến trình chuẩn bị hội nhập cũng như tìm những cơ hội kinh doanh nhằm đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới, việc điều hành theo mô hình gia đình đang khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức. Các đối tác mà doanh nghiệp có ý định hợp tác kinh doanh đều tỏ ra e ngại khi nhận thấy yếu tố gia đình quá nặng nề trong bộ máy điều hành của doanh nghiệp. Thêm vào đó, do hệ thống nhân sự hầu hết là người thân trong gia đình nên sự cạnh tranh, học hỏi, áp dụng kiến thức, kỹ năng mới ngày càng sụt giảm và khiến cho bộ máy có dấu hiệu trì trệ. Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho doanh nghiệp.

Các cổ đông cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần phải thay đổi và tiến hành tái cấu trúc lại bộ máy bằng cách tập trung thay đổi hệ thống quản trị, lề lối làm việc và thuê những người có năng lực, có chuyên môn để điều hành công ty theo hướng chuyên nghiệp. Thậm chí có thể thay CEO và những vị trí quan trọng nếu cần thiết để tạo nên sự thay đổi.

Tuy nhiên, CEO lại cho rằng, doanh nghiệp có được ngày hôm nay chính là nhờ sự điều hành và quản lý theo mô hình kinh doanh gia đình. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, điều này càng cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp đứng vững. Do đó, CEO cho rằng, không cần phải thay đổi mô hình mà chỉ cần bỏ tiền để đào tạo, thuê tư vấn nhằm nâng cấp bộ máy là được.

Thực chất, mô hình công ty gia đình không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà là mô hình kinh doanh lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới, đưa những thương hiệu như Toyota, Honda, Samsung, Hyundai… trở thành những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam mới chỉ mở cửa và xây dựng kinh tế thị trường trong hơn 20 năm trở lại đây, việc duy trì công ty gia đình nhưng sử dụng mô hình quản trị phù hợp với bối cảnh hội nhập để có được thành công như KIDO là bài toán khó với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có tham vọng lớn.

Bởi theo bạn Shoulder To Shoulder (Quảng Ninh), sẽ rất khó quy trách nhiệm cho các thành viên nếu công ty gia đình gặp các vấn đề không như ý muốn.

Đồng quan điểm này, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc khẳng định, mô hình quản trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp doanh nghiệp thành công và tiếp tục phát triển.

Ông Việt cho rằng, CEO cần xác định được mục tiêu mong muốn và hiện trạng của doanh nghiệp đề đề ra mức độ thay đổi đối với mô hình quản trị của công ty sao cho phù hợp.

Với quyết tâm thay đổi để đưa doanh nghiệp phát triển trong thời hội nhập, CEO cần làm những gì để xác định đúng tình hình công ty cũng như các bước thực hiện cuộc cách mạng này? Những “chìa khóa” giải quyết vấn đề đó sẽ được ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc và ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Quỹ Đầu tư IDG Ventures Vietnam tư vấn cho CEO trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Chương trình phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (ngày 7/8) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (ngày 8/8).

Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube. Quý doanh nghiệp, doanh nhân tham gia ý kiến trên fanpage của chương trình: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Chọn đối tác M&A nội hay ngoại
Kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam đang trở thành đích ngắm của nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư, nhưng việc chọn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư