Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Cuộc chiến điện toán đám mây mới thực sự bắt đầu
Lê Hoàng (Theo GenK) - 30/03/2016 06:37
 
Một dự đoán "sai bét" của nhà sáng lập IBM giờ đây lại là lời tiên đoán rất chính xác về đám mây điện toán.

Thomas Watson, nhà sáng lập của IBM đã từng có lần dự đoán một cách đầy bi quan: "Tôi nghĩ thị trường toàn cầu sẽ chỉ cần khoảng 5 chiếc máy tính". Trong khi dự đoán này đã tỏ ra hoàn toàn sai lầm và giờ đây con người đã có tới hàng trăm triệu chiếc máy tính cá nhân, lời tiên đoán của Watson có vẻ sẽ sớm trở thành hiện thực, nhưng chiếc "máy tính" trong câu nói của ông khổng lồ hơn rất nhiều so với những chiếc máy mainframe của thập niên 80.

Sau hàng năm trời đầu tư vào các server farm, software stack, middleware, hệ thống phục hồi sau thảm họa, các giải pháp an ninh và giải pháp mạng, các công ty công nghệ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đều đã nhận ra rằng sự đầu tư thời gian và tiền của vào đám mây riêng đã không giúp đem lại sự khác biệt được họ đặt ra làm mục tiêu ban đầu.

Gần như tất cả các doanh nghiệp trên toàn cầu, từ General Electrics, Coca Cola cho tới những công ty nhỏ lẻ đều đang sử dụng những chiếc máy tính giống nhau để thực hiện những tác vụ tương đương nhau. Rất ít công ty có đủ khả năng kỹ thuật và hiểu biết quy trình để thực hiện các tác vụ này một cách hiệu quả, và số lượng các công ty có thể đạt tới tầm quy mô đủ lớn để tối ưu hiệu quả kinh tế từ các khoản đầu tư vào hệ thống máy tính thậm chí còn ít hơn nữa.

Ngày nay, giống như Watson đã chỉ ra, chỉ có khoảng 5 đến 10 "máy tính" (hay nói chính xác hơn là "đám mây") có thể hoạt động ở quy mô đủ rộng lớn nhằm cạnh tranh về giá cả và hiệu năng. Dĩ nhiên, những công ty đủ lớn để đứng sau một trong số các đám mây này cũng sẽ là những công ty hùng mạnh nhất thế giới.

Dù mô hình SaaS đã liên tục bùng nổ trong những năm vừa qua, điện toán đám mây vẫn còn là một lĩnh vực quá non trẻ. Bạn có thể hình dung về chiếc PC của năm 1983, chiếc smartphone của năm 2003 hay thị trường dịch vụ tìm kiếm của năm 1998.

Ông hoàng của đám mây – Amazon Web Services, với tuổi đời vừa tròn 10 năm, hiện cũng chỉ thu về khoảng 10 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Khi so sánh con số này với mức hàng… nghìn tỷ đô la đang được các công ty đầu tư vào hạ tầng IT doanh nghiệp, bạn có thể nhận thấy rằng đám mây vẫn còn tiềm năng rất lớn.

Amazon, Microsoft và Google có thể đều đã sứt đầu mẻ trán, nhưng tất cả mới chỉ là những trận đánh khởi đầu cho một chiến có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.

Cũng giống như những tên tuổi đã từng đi đầu khai phá các lĩnh vực mới, Amazon mang tới nhiều tính năng hơn ở mức giá thấp hơn, đồng thời mở rộng khu vực kinh doanh để gia tăng thị phần. Nhưng, khi chúng ta chú ý quá nhiều tới sự chậm trễ của Google và Microsoft khi các hãng này cố gắng tạo ra đám mây của riêng mình, chúng ta cũng sẽ quên mất một sự thật rằng cuộc chiến đám mây sẽ không kết thúc trong một sớm một chiều. Chúng ta vẫn được chứng kiến đầy đủ năng lực của các đối thủ chính.

Ví dụ, vào tháng 11 vừa rồi, Google đã bất ngờ chiêu mộ được CEO kiêm nhà sáng lập của VMware để lãnh đạo mảng đám mây của hãng. Chỉ trong vòng một ngày, Google đã tìm được chìa khóa để mở ra tiềm lực khổng lồ của công ty – vốn đã được chứng minh qua Search, Gmail, YouTube và Maps: Diane Greene, một trong những nhà lãnh đạo được kính nể nhất của Thung lũng Silicon ngày nay và cũng là người đã tiên phong cho công nghệ ảo hóa trong gần 20 năm.

Khi đã tìm được tướng tài để lãnh đạo đoàn quân của mình, Google có thể giải quyết những vấn đề còn tồn tại của Google Cloud Platform: tìm ra những lời mời chào công nghệ hấp dẫn hơn, xây dựng một hệ sinh thái nhà phát triển tốt hơn và đặc biệt là tìm thấy sự kiên nhẫn để thuyết phục những khách hàng bảo thủ nhất.

Chỉ trong vòng vài tuần, sự thay đổi này đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Spotify, dịch vụ stream nhạc hàng đầu thế giới với lượng người dùng trả phí cao gấp nhiều lần Apple, đã từ bỏ đám mây của Amazon để đến với Google. Quan trọng hơn, các tin đồn cho biết Apple đang âm thầm chuyển iCloud từ AWS sang GCP.

Bắt đầu từ năm 2016, sân chơi đám mây sẽ được san phẳng. Cuộc chiến giữa các ông lớn sẽ thực sự khởi đầu.

Giai đoạn đầu của cuộc chiến đám mây đã và đang được thực hiện trên 2 lĩnh vực duy nhất: giá cả và hiệu năng. Trong nhiều năm qua, Amazon đã giảm giá tới 44 lần để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ mới dò dẫm bước chân lên mây. Vào năm ngoái, Google khẳng định phí sử dụng GCP sẽ tiếp tục giảm theo định luật Moore, ngay cả khi định luật này đã tiến rất gần tới điểm giới hạn. Trong tương lai, chắc chắn cả 3 ông lớn sẽ còn tiếp tục giảm giá để thực sự thuyết phục các doanh nghiệp chuyển hoạt động kinh doanh của mình từ các máy tính nội bộ lên đám mây.

Nhưng phải đến giai đoạn tiếp theo thì đám mây doanh nghiệp mới trở nên thực sự thú vị.

Cạnh tranh về giá là một cuộc chơi mà bất cứ một nhà chiến lược nào cũng sẽ tìm cách trốn tránh ngay khi có thể, và ngay cả các tập đoàn có tiềm lực khổng lồ như Amazon, Microsoft và Google cũng không phải là ngoại lệ. Sớm hay muộn, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ phải tìm cách tạo ra sự khác biệt rõ rệt với các đối thủ - họ không thể mãi "đại hạ giá" dịch vụ được nữa. Đây là thời điểm các thế mạnh đặc trưng của các ông lớn trở thành chìa khóa tới chiến thắng.

Với Microsoft, lợi nhuận sẽ đến từ các phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp đã trở thành tiêu chuẩn cũng như sự kết hợp nhuần nhuyễn các sản phẩm của gã khổng lồ này như Azure, Office 365 và OneDrive for Business. Với IBM, các doanh nghiệp sẽ nhận được giá trị bền vững từ các giải pháp chuyên sâu cho từng lĩnh vực của "gã khổng lồ xanh". Với Google, các công nghệ ưu việt từng làm nên thành công cho các dịch vụ số của hãng sẽ là vũ khí chính để chiến thắng.

Đang ở vị trí dẫn đầu, mảng đám mây của Amazon sẽ rơi vào tình cảnh không quá khác biệt so với mảng thương mại điện tử hiện nay: các đối thủ giá rẻ hơn và có nhiều dịch vụ hơn sẽ nổi lên để đe dọa đáng kể tới gã khổng lồ đứng đầu. Nhưng AWS đơn giản là vẫn đứng đầu cả về quy mô lẫn chất lượng, và Amazon sẽ không để cho thiện cảm từ giới lập trình viên sớm phai nhạt.

Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy những bước đi kiên quyết hơn từ những tay chơi có tiềm năng lớn như Oracle hoặc thậm chí là những tên tuổi đầy bất ngờ như Facebook. Các đối tượng này đã có thành công nhất định trên các mảng làm ăn có dính dáng nhiều nhưng vẫn độc lập với đám mây, và nếu thực sự bước chân vào tranh đấu với Google và Amazon, chắc chắn Oracle và Facebook sẽ tìm ra cách để "mở" thế mạnh của riêng mình thành công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cuộc chiến đám mây sẽ không diễn ra theo kiểu "kẻ chiến thắng giành tất cả", nhưng chắc chắn các đối thủ sẽ tung ra tất cả những gì mình có để thu phục các nhà phát triển phần mềm và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của thế giới. Chúng ta khó có thể dự đoán đám mây sẽ được đón nhận đột phá nào trong tương lai, nhưng chi phí điện toán chắc chắn sẽ tiếp tục suy giảm và các vấn đề IT sẽ được giải quyết ngày một triệt để hơn.

Cuộc chiến đám mây đã thực sự bắt đầu.

Điện toán đám mây cải thiện hoạt động kinh doanh thời đại số
Bên cạnh Big Data, Cloud là những xu thế công nghệ đang thịnh hành và có ảnh hưởng tích cực rõ rệt lên các hoạt động kinh doanh trong kỷ nguyên số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư