Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cuộc chiến ghế nóng tại Eximbank
Thùy Vinh - 09/05/2019 07:17
 
Ngân hàng Eximbank sẽ họp Đại hội đồng cổ đông lần 2 trong vòng 30 ngày sau khi thất bại lần đầu vào ngày 26/4 và tỷ lệ cổ đông tham dự bắt buộc để được khai mạc chỉ còn 51%, thay vì 65% như lần đầu. Vấn đề mấu chốt ở Eximbank vẫn là chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông lớn.
Sự bất đồng của các nhóm cổ đông lớn đã làm hiệu quả hoạt động của Eximbank giảm sút nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh
Sự bất đồng của các nhóm cổ đông lớn đã làm hiệu quả hoạt động của Eximbank giảm sút nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Ghế nóng nhân sự

Thực tế, Đại hội đồng cổ đông Eximbank đã nhiều lần thất bại trong 2 năm trước, thậm chí ngân hàng này phải tổ chức họp lần 3 mới đủ tỷ lệ cổ đông và tiến hành thành công.

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sáp nhập với Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Trước đó, việc đầu tư vào Eximbank của Nam A Bank diễn ra vào cuối năm 2014, khi một nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam A Bank đã đầu tư cổ phiếu EIB của Eximbank, sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank. Số lượng cổ phần Nam A Bank nắm giữ lúc bấy giờ được cho là hơn 10%, nhưng trên thị trường xuất hiện thông tin rằng, Nam A Bank đã thâu tóm hơn 30% cổ phần EIB và sáp nhập hai nhà băng với nhau.

Sau khi mua lại cổ phiếu từ ông Trầm Bê, nhóm này đã có kế hoạch đưa người vào Hội đồng Quản trị Eximbank giai đoạn 2015 - 2016, nhưng bất thành. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2015, Nam A Bank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên Hội đồng Quản trị của Eximbank, gồm ông: Trần Ngô Phúc Vũ, khi đó là thành viên Hội đồng Quản trị Nam A Bank, hiện giữ vị trí Phó chủ tịch Nam A Bank; ông Trần Ngọc Tâm, khi đó là Phó tổng giám đốc Nam A Bank và hiện là Tổng giám đốc Nam A Bank.

Cũng kể từ Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của Eximbank, khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn trở nên nóng bỏng. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn thêm người vào Hội đồng Quản trị.

Sau khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng rút lui, Eximbank hoạt động khó khăn và nảy sinh nhiều mâu thuẫn nội bộ. Từ một ngân hàng trong tốp đầu, thuộc “câu lạc bộ ngàn tỷ” về lợi nhuận, Eximbank chứng kiến lợi nhuận tụt giảm, thậm chí thua lỗ.

Trong đó, 2016 là năm khó khăn nhất, khi lợi nhuận chỉ hoàn thành khoảng 40% kế hoạch năm. Đồng thời, lợi nhuận năm 2014 và 2015 của Eximbank bị điều chỉnh từ lãi xuống lỗ hơn 800 tỷ đồng, nên cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2016.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông cũng ngày một “nóng” hơn khi có sự tham gia của Nam A Bank.

Tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trước đó, rất nhiều nhân sự ứng cử bổ sung vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhưng đã không thành công. Điển hình là nhóm Nam A Bank liên tục ứng cử vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ trên, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Câu chuyện tranh giành ghế vào Hội đồng Quản trị Eximbank thực sự lan rộng sau khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2016 bất thành, cũng bởi những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Tình hình dịu đi khá bất ngờ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 khi đa số các tờ trình được thông qua, nhưng trong kỳ đại hội này không có sự thay đổi nào về nhân sự cấp cao trong Hội đồng Quản trị của Eximbank. Bước sang đại hội năm 2018, “người cũ” của Nam A Bank là bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank - người duy nhất trong danh sách bổ sung, được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia Hội đồng Quản trị Eximbank, với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị.

Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, nhân sự cấp cao tại Eximbank vẫn có nhiều thay đổi dưới sự điều hành của ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank. Trong khoảng thời gian này, bộ máy lãnh đạo của Eximbank đã giảm 8 phó tổng giám đốc. Ban điều hành chỉ còn 7 người, thay vì 15 thành viên như trước đây. Tổng cộng 4 cá nhân đã rời vị trí lãnh đạo Eximbank gồm: ông Nguyễn Quốc Hương, ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quang Triết, bà Bùi Đỗ Bích Vân và nhân sự tiếp tục có sự biến động lớn.

Cuộc chiến quyền lực ghế “nóng” Chủ tịch Hội đồng Quản trị giữa bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc và sự rút lui của nhóm cổ đông đang thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính. Đồng thời, giữa “tâm bão” nhân sự cấp cao, các tờ trình của Hội đồng Quản trị trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Eximbank bất ngờ bỏ ngỏ tên tổng giám đốc trên Tờ trình của Ban điều hành là ông Lê Văn Quyết. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Quyết đã có nguyện vọng từ nhiệm, nhưng chưa được giải quyết và tiếp tục ngồi lại vị trí Tổng giám đốc Eximbank đến nay.

Lịch sử lặp lại?

Vấn đề tồn tại ở Eximbank trong vài năm qua là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn, dẫn đến hoạt động kinh doanh yếu kém. Trong những năm gần đây, lợi nhuận ngân hàng làm ra phải dành hơn nửa để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng còn chưa tới ngàn tỷ đồng. Đáng chú là, trong năm 2018 và đầu năm 2019, nhà băng này đã phải đền bù tổng cộng 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm gốc và 115,4 tỷ đồng tiền lãi phạt cho khách hàng Chu Thị Bình theo phán quyết của tòa phúc thẩm. Nguyên nhân là cựu Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM đã biển thủ và bỏ trốn, theo đó, Ngân hàng cũng cũng phải điều chỉnh giảm mạnh lợi nhuận.

Qua đó, có thể thấy, nhân sự cao cấp vẫn đang là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là câu chuyện lùm xùm đầy bí ẩn tại ngân hàng một thời đình đám này.

Tình hình tài chính của Eximbank hiện khá lành mạnh, nhưng không phát triển được bởi thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông. Những tồn tại từ năm 2016 trở về trước đã được Eximbank xử lý, như đã phát mãi tài sản, đã trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, Eximbank vẫn chưa được xác định rõ ràng khi cổ đông thật còn chưa có mặt.

Trong 2 tháng qua, vấn đề nhân sự cao cấp tại Eximbank lại nóng lên, liên quan việc bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank đối với bà Lương Thị Cẩm Tú. Nhưng ngay sau đó, “lùm xùm” trong câu chuyện nhân sự cấp cao ở Hội đồng Quản trị Eximbank bắt đầu bùng nổ, khi ông Lê Minh Quốc có “tâm thư” gửi truyền thông và sau đó gửi lên tòa án. “Tâm thư” của ông Quốc được phát đi sau khi Eximbank họp vào ngày 22/3, ra Nghị quyết 112/2019 với nội dung miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay. Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là cựu Tổng giám đốc của Nam A Bank.

Toà án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” buộc các đồng bị đơn phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019 ngày 22/3/2019 của Hội đồng Quản trị Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Ngay sau đó, Eximbank đã có đơn kiến nghị phản hồi, khẳng định cuộc họp của Hội đồng Quản trị ngày 22/3 và việc ban hành Nghị quyết số 112/2019 bầu Chủ tịch mới là đúng quy định và điều lệ của Ngân hàng. Eximbank yêu cầu Tòa thu hồi quyết định trên. Tuy nhiên, đến nay, các thông tin cụ thể vẫn chưa “ngã ngũ” và ông Quốc vẫn ngồi ghế Chủ tịch.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, kể từ khi nhóm Nam A Bank đầu tư vào cổ phiếu EIB của Eximbank, ngoài nhóm này, trong cơ cấu cổ đông Eximbank còn có Vietcombank (sở hữu 8% và năm 2018 thoái vốn còn 4,82%), Quỹ VOF do VinaCapital quản lý (nắm giữ 4,97%), SMBC (sở hữu 15% cổ phần EIB). Room ngoại tại Eximbank luôn xấp xỉ 30% (hiện tại, nước ngoài sở hữu 29,93% cổ phiếu EIB).

Trong khi câu chuyện về nhân sự cấp cao còn chưa ngã ngũ và đang chờ thông báo chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý, cũng như cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần hai sắp tới của Eximbank, thì một diễn biến khác ở Eximbank cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán. Đó là, các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB của Eximbank có khối lượng rất lớn trên thị trường chứng khoán.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có tổng cộng gần 30% số cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank, tương ứng hơn 350 triệu cổ phiếu EIB, đã được trao tay với giá trị trên 5.600 tỷ đồng.

Theo một nguồn tin, nhóm cổ đông lớn đến từ Nam A Bank đang làm thủ tục để hoàn tất việc chuyển nhượng 15% số cổ phần tại Eximbank. Việc Nam A Bank quyết định thoái bớt sổ cổ phần đang sở hữu tại Eximbank cho thấy cục diện và tương lai Eximbank sẽ còn thay đổi…

Được biết, Nam A Bank rút vốn khỏi Eximbank và coi số cổ phần tại Eximbank như khoản đầu tư. Trước mắt, Nam A Bank chuyển nhượng 8%, sau đó sẽ bán nốt 7% còn lại.

Hiện thông tin ai sẽ là cổ đông mới của Eximbank với số vốn đại diện từ phần chuyển nhượng từ Nam A Bank vẫn là dấu hỏi. Nếu thương vụ chuyển nhượng thành công, Eximbank sẽ có thêm chủ mới.

Cuộc chiến giữa các cổ đông nội bộ của Eximbank đã kéo dài gần 5 năm qua, với sự “đấu đá” giữa các phe nhóm. Điều này đã trực tiếp khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này rơi vào tình trạng trì trệ, kém hiệu quả. Mặc dù vậy, trong năm 2019, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trước trích bổ sung theo dự phòng trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 2.000 tỷ đồng, tăng tới 49%; lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Eximbank lên tiếng về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào ghế nóng Chủ tịch
Eximbank vừa lên tiếng về việc trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc bổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư