Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Cuộc chiến” tiền mặt ở trận địa nông thôn
Hà Tâm - 01/10/2018 19:13
 
Mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10% vào năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thành công nếu công nghệ chiến thắng được thói quen ở trận địa nông thôn, vốn chiếm 70% dân số cả nước.

Sợ rủi ro, lười thay đổi…

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông rộng khắp, khá tiên tiến, với 124 triệu thuê bao di động, mạng 3G và 4G phủ khắp, 52% dân số sử dụng Internet... là điều kiện tốt để phát triển thanh toán phi tiền mặt ở nông thôn.

Có kinh nghiệm ở địa bàn nông thôn, song Agribank thừa nhận, việc thuyết phục người dân thanh toán phi tiền mặt là rất khó
Có kinh nghiệm ở địa bàn nông thôn, song Agribank thừa nhận, việc thuyết phục người dân thanh toán phi tiền mặt là rất khó

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHHN Lucavi (doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt tại Thuận Thành, Bắc Ninh), có nhiều lý do khiến thanh toán không dùng tiền mặt khó phát triển ở nông thôn. Ở Bắc Ninh, số nông dân dùng điện thoại thông minh rất nhiều, nhưng chủ yếu để nghe, gọi, lướt facebook, chát zalo, chứ chưa dùng cho các giao dịch thương mại. 

“Với đặc thù quê tôi, các ngân hàng không cần phải xây dựng quá nhiều cây ATM, chỉ cần xây dựng chính sách bảo mật tốt, đảm bảo an toàn khi giao dịch qua Internet, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để nông dân tăng cường giao dịch qua Internet. Chứ như hiện nay, đọc báo thấy nhiều trường hợp nửa đêm mất tiền, ngay cả ngân hàng cũng bị mất tiền thì chúng tôi lo lắm”, ông Cường chia sẻ.

Trên thực tế, hạ tầng viễn thông, Internet ở Việt Nam khá tốt, song hạ tầng phục vụ thanh toán ở nông thôn còn quá mỏng. Hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố. 

Hơn nữa, theo ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hàng loạt loại phí nảy sinh khi thanh toán không dùng tiền mặt như phí chuyển tiền, phí làm thẻ, phí thường niên… cũng làm nhiều người e ngại, chưa kể mối lo về an toàn bảo mật khi sử dụng hình thức này. 

Mặc dù vậy, rào cản lớn nhất cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn vẫn là thói quen. Các ngân hàng đã phát hành hàng trăm triệu chiếc thẻ, song 90% chi tiêu hàng ngày vẫn được người dân dùng tiền mặt. Gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Những con số này cho thấy, mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10% là đầy thách thức. 

Công nghệ có chiến thắng được thói quen?

Là ngân hàng đã có thâm niên 30 năm ở địa bàn nông thôn, Agribank có kinh nghiệm nhất trong phục vụ người dân nông thôn hiện nay. Thế nhưng, ngay cả ngân hàng này cũng thừa nhận, việc thuyết phục người dân thanh toán phi tiền mặt là rất khó.  

Ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ của Agribank cho hay, những khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ở nông thôn là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã ăn sâu bén rễ, hiểu biết về dịch vụ ngân hàng còn ít, mức độ tiếp cận công nghệ mới còn thấp. Việc đầu tư phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cũng đòi hỏi các ngân hàng phải bỏ ra chi phí rất lớn.

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN và các bộ, ngành có cơ chế liên quan đến phí để hạn chế các giao dịch tiền mặt (như phí rút tiền mặt tại ATM, quầy giao dịch ...). Bên cạnh đó, cần có chính sách định hướng, khuyến khích người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại, trên cơ sở đó tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh như mobile banking, internet banking.

Ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank

Được biết, hiện có hơn 50% người dân trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, song ở nông thôn, con số này chỉ chiếm hơn 20%. Đây là lý do khiến Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính ở mức thấp. 

Dù đã có nhiều ví điện tử, song các ví này vẫn phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Do đó, khả năng tiếp cận tài chính của người dân nông thôn nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. 

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, ông Phạm Tiến Nam đề xuất, ngoài tuyên truyền, cần phải phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ đi kèm; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao.

NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn như: sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, dịch vụ M_Service, dịch vụ Bankplus. Tuy nhiên, các mô hình này mới phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách hàng, gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng. Như vậy, hàng chục triệu khách hàng nông thôn vẫn còn xa lạ với dịch vụ ngân hàng.  

Trên thế giới, nhiều quốc gia kém phát triển như Nam Phi, Kenya, Ghana… đã thành công khi thực hiện chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt nhờ chọn đúng công cụ. Vấn đề của Việt Nam là lựa chọn giải pháp cho phù hợp với thói quen, tâm lý và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Cảnh báo rủi ro thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, một hệ thống tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư