Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cuộc chơi hội nhập làm thay đổi vận mệnh TNG
Anh Hoa - 08/01/2017 15:08
 
Cùng với tác động làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, Tổ chức WTO cũng đã mang đến những làn gió mới, hơi thở mới, dù bài toán được - mất trong cuộc chơi này vẫn luôn là nỗi lo của doanh nghiệp.

Thoát bóng doanh nghiệp tỉnh lẻ

Từ số vốn điều lệ 18 tỷ đồng năm 2006, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã nâng vốn điều lệ lên 342 tỷ đồng. Vốn đầu tư vào TNG không chỉ đến từ các nhà đầu tư trong nước, mà TNG còn thu hút được vốn từ các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) vào năm 2007.

Nhờ việc thu hút được các nguồn vốn đầu tư, từ năm 2007, TNG đã mở rộng cơ sở vật chất của mình. Đến nay, TNG có 11 nhà máy may với 217 chuyền may, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động tại tỉnh Thái Nguyên. Minh chứng rõ nhất về tác động của việc Việt Nam tham gia WTO  tới TNG phải kể đến doanh thu xuất khẩu hàng dệt may, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ lực của TNG từ những ngày đầu thành lập. Năm 2006, doanh thu xuất khẩu của TNG chỉ đạt khoảng 184 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016, đã tăng lên hơn 10 lần, đạt gần 2.000 tỷ đồng.

.
TNG sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới

Việc gia nhập WTO, ngành dệt may Việt Nam đã được dỡ bỏ hạn ngạch và bước vào giai đoạn phát triển mới với khả năng tiếp cận thị trường dệt may thế giới bình đẳng với các quốc gia xuất khẩu khác. Việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên WTO đã mang đến nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, nhiều thị trường xuất khẩu mới cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và TNG nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, ngay từ thời điểm gia nhập WTO, TNG cũng đã định hướng thị trường xuất khẩu chủ lực của mình là Hoa Kỳ và sẽ dần dần mở rộng đến thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á.

Sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, TNG đã trở thành cái tên quen thuộc của các nhãn hàng thời trang nước ngoài như Columbia, Decathlon, The Children’s Place, Tomtailor, C&A, Comtextile, Ashcity… Đặc biệt, TNG cũng đã tận dụng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  theo làn sóng WTO đổ vào Việt Nam.

Không đi theo hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào một dự án cụ thể nào, TNG chọn cho mình hướng thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu TNG của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21% trên vốn chủ sở hữu của TNG. TNG cũng đã thông qua chủ trương nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tận dụng hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ các nước thành viên WTO nói chung và các quốc gia thành viên tham gia các Hiệp định tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán. Ngoài ra, TNG cũng đã tận dụng được những cơ hội tiếp cận với nền công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.

“TNG đã nâng tầm của mình từ một doanh nghiệp địa phương trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp, một doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác nước ngoài”, ông Thời chia sẻ.

Bài toán được - mất

Trong bất cứ một cuộc chơi nào cũng phải cân nhắc đến vấn đề được và mất. TNG bên cạnh những cái “được”, không thể không kể đến những cái mất.

Ngay khi Việt Nam mở cửa thị trường gia nhập WTO, nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới. Đơn hàng dệt may giảm mạnh cả về số lượng và đơn giá, giá cả nguyên phụ liệu, chi phí tiền lương, sản xuất tạo cho TNG những sức ép không hề nhỏ. Lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động trên địa bàn không còn là ưu thế, là lực đẩy phát triển cho TNG.


Tôi tin rằng gia nhập WTO là một thách thức, nhưng cũng mang đến những cơ hội mà doanh nghiệp cần phải nhạy bén hơn nữa để nắm bắt, tạo ra những bước chuyển mình cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việc gia nhập WTO cũng đặt ông Thời và TNG vào tư thế cần phải làm gì để tồn tại và phát triển, khi đặt mình vào vị trí với các doanh nghiệp dệt may của các quốc gia khác, cũng như chính những doanh nghiệp dệt may khác trong lãnh thổ Việt Nam. Hơn thế nữa, rất nhiều các cơ hội hợp tác về đơn hàng đã không đạt được khi ngành dệt may Việt Nam bộc lộ các điểm yếu về quy trình dệt – nhuộm – hoàn tất, công nghiệp phụ trợ yếu kém, năng lực thiết kế, nhân lực còn thiếu. Giờ đây, bài toán về hội nhập vẫn còn nan giải, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị đón nhận làn sóng các FTA thế hệ mới.

“Nhìn vào những cái được và mất của TNG, cũng như của toàn ngành dệt may, tôi có thể khẳng định rằng, chúng ta được nhiều hơn mất”, ông Thời khẳng định. Theo phân tích của ông Thời, về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển và có sự tăng trưởng, hạ tầng đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng, GDP bình quân đầu người đạt ở mức khả quan, mức sống của người dân đã được cải thiện. Cơ cấu kinh tế cũng đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp yêu cầu của sự phát triển và hội nhập. Môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh từng bước cải thiện.

Bản thân các doanh nghiệp đã có những bước tiếp cận với thị trường thế giới, hiện đại hơn, văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn, hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Chính sức ép từ thị trường đã thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam  sáng tạo, đổi mới, bước những bước vững chắc, thành công vào thị trường quốc tế.

TNG chuẩn bị khởi công Dự án Trung tâm thiết kế thời trang tại Thái Nguyên
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) đang tìm kiếm Nhà thầu có đủ kinh nghiệm và năng lực để đấu thầu thi công Dự án Trung tâm thiết kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư