Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Cuộc đua không có người thua cuộc
Thủy Linh - 18/07/2015 08:02
 
Cuộc cạnh tranh về cải cách thủ tục hành chính của 7 tỉnh, thành phố có tên trong Hệ thống quy định điện tử Việt Nam (E-regulations Việt Nam) đang bắt đầu ở từng vị trí công chức cụ thể. Song sẽ không có địa phương nào thua cuộc trong cuộc đua khắc nghiệt này.

Bà Đặng Minh Hằng, Quản lý Hệ thống E-regulations tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương vừa góp mặt vào Hệ thống E-regulations Việt Nam trong giai đoạn III của Dự án đang đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi tích cực của môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể là tạo dựng chính quyền Vĩnh Phúc minh bạch, lành mạnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây không phải là đích ngắm của riêng Vĩnh Phúc. 7 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống E-regulations Việt Nam đều tự đặt cho mình những mục tiêu tương tự. Có nhiều lý do để các địa phương không ngần ngại đặt niềm tin vào những thay đổi tích cực này.

 Hiện đã có 7 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống E-regulations Việt Nam
Hiện đã có 7 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống E-regulations Việt Nam

 

“Trước khi tham gia xây dựng hệ thống này, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn niêm yết các thủ tục hành chính trên các trang thông tin điện tử của tỉnh. Tuy nhiên, so với những gì chúng tôi đã làm trên E-regulations Vĩnh Phúc, thì cách niêm yết các thủ tục hành chính trước đây rời rạc, thiếu liên kết trong chuỗi quy trình thực hiện đầu tư”, bà Hằng nói.

Hơn nữa, nếu nhìn vào nhiều thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực khác đang được công khai, nội dung niêm yết chủ yếu căn cứ trên luật định một cách cứng nhắc. “Cách niêm yết này không thể hiện được sự vận dụng trong thực tiễn thực hiện các thủ tục hành chính ở từng địa phương cụ thể”, bà Hằng nói.

Với Hệ thống E-regulations, các khúc mắc trên được tháo gỡ. Thứ nhất là vì các thông tin, dữ liệu trên Hệ thống đã qua điều tra, khảo sát thực tiễn áp dụng pháp luật tại từng địa phương. Các thông tin đã mô tả chi tiết, trình tự theo từng bước trong chuỗi thủ tục hành chính về đầu tư, từ bước đầu là chuẩn bị hồ sơ dự án, đến bước cuối là xin giấy phép xây dựng tại 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Yên và Bình Định.

Ngoài các biểu mẫu theo quy định của pháp luật, Hệ thống E-regulations của các tỉnh còn đăng tải các mẫu tham khảo, bản chụp của tất cả thành phần hồ sơ để nhà đầu tư tham khảo trong quá trình soạn thảo giấy tờ, chuẩn bị hồ sơ.

Với cách công khai thông tin này, nhà đầu tư sẽ hoàn toàn chủ động được thời gian, chi phí của mình khi đến làm việc tại các địa phương trên. Đặc biệt, tình trạng yêu sách, đòi hỏi các loại giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ quy định, hoặc các yêu cầu vô lý về hình thức văn bản sẽ không có “đất diễn”.

Nhưng đúng như bà Hằng nói, cán bộ công chức làm việc trực tiếp đang gánh trách nhiệm lớn. Vì Hệ thống ghi thông tin cụ thể của người tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cả tên tuổi, chức vụ, số điện thoại, email và ảnh chân dung… Việc thoái thác nhiệm vụ hoặc làm không hết trách nhiệm trong trường hợp này là rất khó.

Đó là chưa kể, họ sẽ đương nhiên bị so sánh với những người ở vị trí tương tự tại 6 địa phương còn lại, từ cả phía nhà đầu tư và chính quyền địa phương, các lãnh đạo cấp trên và các địa phương chưa có tên trong Hệ thống.

Ông Nguyễn Phước, Quản lý Hệ thống E-regulations Bình Định cho biết, đi làm cụ thể mới thấy, cũng là thủ tục liên quan đến đầu tư, nhưng mỗi sở lại theo một quy trình riêng, không dễ thống nhất. Cộng với việc các quy định lại có tần xuất thay đổi khá nhanh, nên công việc của những người được phân công quản lý Hệ thống rất nhiều áp lực.

Bà Mai Phong Lan (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cũng than phiền, nhiều cơ quan vẫn chưa biết đến Hệ thống này. “Khi chúng tôi đề nghị cung cấp hay xác nhận thông tin để đảm bảo các thủ tục hành chính công bố trên Hệ thống đang được áp dụng, một số cơ quan vẫn đòi hỏi có công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi mong có sự tham gia của nhiều bộ, ngành để việc vận hành Hệ thống đảm bảo đúng mục tiêu”, bà Lan nói.

Hiện tại, một số địa phương đã có sự chủ động trong cơ chế phối hợp. Bà Bùi Thu Phương, Phó trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương) đang được giao thực hiện một số chương trình để giới thiệu Hệ thống E-regulations Hải Dương với các nhà đầu tư, đồng thời hợp tác với các sở, ngành của tỉnh và các địa phương khác. “Chúng tôi đang tìm các giải pháp để có thể đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư vào Hải Dương”, bà Phương cho biết.

Vào thời điểm này, Hệ thống E-regulations của 7 tỉnh, thành phố đang được cập nhật thông tin mới từ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, với sự hỗ trợ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Dự án Tạo thuận lợi cho đầu tư của UNCTAD. Nhưng về lâu dài, đây là phần việc của từng địa phương…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư