Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cựu Chủ tịch Cienco 1: Mong sớm về với gia đình, đóng góp cho ngành giao thông
Huệ Nguyễn - 09/06/2023 11:32
 
Nói lời sau cùng tại tòa, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1 Phạm Dũng mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt, mong sớm được về với gia đình, đóng góp thêm cho ngành giao thông.

Sau phần tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát, cùng các luật sư và các bị cáo liên quan, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho các bị cáo được nói lời sau cùng, trước khi bước vào phần nghị án.

Bị cáo Cấn Hồng Lai, cựu Tổng giám đốc Cienco 1 cho biết: “Là người gắn bó nhiều năm với Bộ Giao thông - Vận tải, tới thời điểm này bị cáo cảm thấy nhiều điều đã làm được, nhưng cũng có nhiều thiếu sót. Qua phần luận tội và đối đáp của Viện Kiểm sát, cùng các luật sư, bị cáo nhận thấy mình ít hiểu biết về pháp luật trong công việc điều hành. Sự cố này là bài học với bị cáo và nhiều người.

Cựu Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai tại phiên tòa xét xử liên quan tới sai phạm trong cổ phần hóa đơn vị này.

Bị cáo cảm thấy áy náy đối với gia đình, vợ con, bạn bè, người thân. Hy vọng cuối đời có chút thời gian để đáp lại, nhưng cuối cùng thành gánh nặng cho gia đình”.

Nói về việc cổ phần hóa, bị cáo này cho rằng, trong quá trình vận hành, luôn nghĩ làm sao có thể tốt nhất cho doanh nghiệp, cho Nhà nước. Bộ Giao thông - Vận tải xung phong đi mở đường và giao cho Cienco 1 đi đầu cầm cờ, nhưng cuối cùng do thiếu hiểu biết về pháp luật, năng lực chuyên môn về tài chính, lựa chọn tư vấn năng lực kém, nên với tiến độ, yêu cầu cấp bách như vậy đã vấp phải sai sót.

“Bị cáo và các bị cáo khác không có vụ lợi gì, chỉ vì mục đích chuyên môn, do đó mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho chúng tôi có cơ hội được nhìn thấy tương lai, hy vọng”, bị cáo Lai trình bày.

Với vai trò là cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa, bị cáo Phạm Dũng cũng mong Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét mức độ phạm tội, giảm nhẹ hình phạt cho bản thân và các bị cáo khác.

“Xuất phát là kỹ sư cầu đường, đến khi được nghỉ hưu, luôn phấn đấu làm được các công trình cầu đường tốt nhất, hiệu quả nhất. Bị cáo luôn nghĩ để Cienco 1 có thương hiệu trong nước và quốc tế, bởi từ những năm 1990, đây là doanh nghiệp duy nhất thực hiện các công trình tại Lào, Campuchia. Mục tiêu của tập thể ban lãnh đạo cũng luôn mong muốn Cienco 1 thi công được các công trình trọng điểm, không phải thuê nước ngoài”, bị cáo Dũng trình bày.

Bị cáo cũng cho rằng, tuy đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Cienco 1, luôn phấn đấu học hỏi, nhưng cũng chỉ làm tốt về kỹ thuật, chưa đáp ứng được các chuyên môn về quản lý, chưa bao giờ là chủ tài khoản nên không có chuyên môn về quản lý tài chính, do đó đã có vi phạm, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa.

“Việc làm của tôi trong quá trình ở công ty và trong quá trình cổ phần hóa không có vụ lợi một xu nào của tập thể, của Nhà nước, không có động cơ, mục đích xấu nào để làm ảnh hưởng tới các hoạt động chung, nhưng đây là do vấn đề về trình độ, hiểu biết, dẫn đến sai phạm mà tôi phải gắn trách nhiệm. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt để tôi về với gia đình, có thể có những đóng góp thêm với ngành giao thông và đất nước.

Do tính chất phức tạp của vụ án nên Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án kéo dài, và sẽ tuyên án vào sáng 16/6 tới.

Bị cáo Phạm Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1 và các đồng phạm.

Trước đó, trong quá trình phiên tòa diễn ra, các bị cáo Cấn Hồng Lai; Phạm Dũng; Lê Văn Long; Nguyễn Thị Bích Hạnh; Nguyễn Mạnh Tiến; Nguyễn Ngọc Tuyến đều thừa nhận tội danh. Trong đó bị cáo Dũng, Lai mong muốn được xem xét, làm rõ thêm trách nhiệm của cá nhân trong vụ việc, và xin giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó trưởng Phòng Kiểm toán 3, Thẩm định viên Công ty Kiểm toán A&C Chi nhánh Hà Nội trong quá trình tranh tụng luôn kêu oan. Luật sư của bị cáo này cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Theo bị cáo Tuấn, vai trò của mình chỉ là Thẩm định viên, là người làm thuê, chỉ thực hiện việc thẩm định giá rồi trình lãnh đạo công ty phê duyệt, nên không có quyền quyết định trong vụ việc.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, theo quy định, Thẩm định viên thực hiện công tác thẩm định và ký các báo cáo thẩm định, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã được nêu rất rõ trong cáo trạng và được thẩm vấn, đấu tranh công khai tại phiên tòa, cùng với các bị cáo khác.

Theo Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo Tuấn chưa thực sự thành khẩn khai báo, không nhận tội, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trước đó đã đưa ra. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và cân nhắc mức hình phạt đối với bị cáo Tuấn phải cao hơn mức từ 24-30 tháng tù, như vậy mới đảm bảo tính khách quan và công bằng trong xét xử.

Trước đó, trong bản luận tội và đề nghị án, sau khi nhìn nhận thấu đáo và đặt bị cáo trong tổng thể của vụ án, phân hóa rõ vị trí và vai trò, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo này từ 24-30 tháng tù.

Đề nghị tuyên cựu lãnh đạo Cienco 1 từ 9-10 năm tù
Bị cáo buộc gây thất thoát 240 tỷ đồng khi cổ phần hóa, Phạm Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên và Cấn Hồng Lai, cựu Tổng giám đốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư