Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín hầu tòa
Lê Toàn - Việt Dũng - 26/12/2019 09:51
 
Phiên xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đối với cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm diễn ra đúng dự kiến. Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM xuất hiện với vẻ mặt mệt mỏi. Theo luật sư của ông Tín thì ông bị sụt cân, mắc bệnh tiểu đường, suy thận… nên suy sụp hơn nhiều.
Ngày 26/12, Tòa án nhân dân TP.HCM bắt đầu ngày xét xử đầu tiên vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đối với cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm.
Các đồng phạm của ông Nguyễn Hữu Tín gồm Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM); Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM); Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TP HCM).
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM được 2 chiến sĩ áp tải vào phòng xử án
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM được 2 chiến sĩ áp tải vào phòng xử án

Trong ngày làm việc đầu tiên, các bị cáo được đưa đến tòa từ rất sớm. Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín xuất hiện với vẻ mặt mệt mỏi.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín khá tiều tụy
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín khá tiều tụy

Theo luật sư của ông Tín thì ông bị sụt cân, mắc bệnh tiểu đường, suy thận… nên đã tiều tụy đi nhiều. Tuy nhiên, tâm lý vẫn khá tốt nên vẫn có thể tham dự phiên tòa.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM
Bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM

Công tác kiểm tra an ninh trong phiên xét xử hôm nay cũng được siết chặt. Những người tham gia phiên tòa đều phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của lực lượng công an. Phóng viên báo đài chỉ được tác nghiệp 15 phút đầu trong phòng xử, sau đó theo dõi qua màn hình tivi tại một khu vực riêng.
Mở đầu phiên xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) kiểm tra thông tin các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín là người được HĐXX xét hỏi đầu tiên, sau đó là các bị cáo Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương. Sau khi kiểm tra thông tin các bị cáo xong, HĐXX tiếp tục kiểm tra lý lịch các người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa.
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và  2 đồng phạm ngồi cùng hàng.

Liên quan đến vụ án, TAND TP.HCM đã ra quyết định triệu tập 18 cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên xử ông Tín. 
Cụ thể, tòa án triệu tập 15 tổ chức gồm: UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo 09 - TP.HCM, Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng, Công ty CPXD Bắc Nam 79, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM, Ban vật giá - Sở Tài chính TP.HCM, giám định viên Bộ Tài chính, Sở Xây dựng TP.HCM, Trung tâm thông tin và dịch vụ xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM, Chi cục thuế quận 1, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM và 3 cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, trong ngày xét xử đầu tiên, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, và Công ty CPXD Bắc Nam 79 đều vắng mặt.
Theo cáo trạng, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty CPXD Bắc Nam 79, lợi dụng danh nghĩa “Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an”, đã ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM, để đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM. Mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên, khi được UBND TP.HCM quyết định cho thuê, giao nhà đất số 15 Thi Sách, Vũ “nhôm” và Công ty CPXD Bắc Nam 79 đã không sử dụng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an, mà đã hợp tác triển khai thực hiện dự án xây dựng trên khu đất 15 Thi Sách nhằm mục đích thu lợi cá nhân.
Hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và bốn đồng phạm nguyên là cán bộ Công an đã bị xử lý trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 17/9/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án nhà đất số 15 Thi Sách liên quan đến hành vi vi phạm của một số cán bộ thuộc UBND TP.HCM và một số Sở, ngành.
Kết quả điều tra đã xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, các đối tượng thuộc UBND TP.HCM và một số Sở, ngành thực hiện các thủ tục bán nhà và cho thuê đất, sau đó cho chuyển mục đích sử dụng đất tại khu Nhà đất số 15 Thi Sách, cho Công ty công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 không thông qua đấu giá; vi phạm quy định về sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, và Luật Đất đai năm 2013.
Với tư cách là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bị can Nguyễn Hữu Tín đã cùng bị can Đào Anh Kiệt và các bị can khác thực hiện các hành vi trái pháp luật, tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở thành phố Hồ Chí Minh với giá rẻ, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Hậu quả nhà nước thất thoát số tiền 6,7 tỉ đồng do Công ty CPXD Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất nhà nước chưa thu hồi được.
Đồng thời, hành vi vi phạm của các bị can tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng, bán và cho thuê cho 114 khách hàng trong và ngoài nước thu hơn 1.033 tỷ đồng.  
Đến nay, việc xử lý hậu quả nêu trên là rất khó khăn, phức tạp và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước về tiền bạc, thời gian và công sức của những người giải quyết hậu quả mà hành vi phạm tội của các bị can gây ra.
Hành vi phạm tội của các bị can còn gây thiệt hại cho những người thứ 3 khi giao dịch, mua bán tại Nhà đất số 15 Thi Sách, mà không hề biết nguồn gốc của dự án, cũng như nội tình vụ việc; điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào các cơ quan quản lý Nhà nước, do đó cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 30/12.
Được biết, bị cáo Nguyễn Hữu Tín có 2 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang và luật sư Trần Minh Hải. Bị cáo Đào Anh Kiệt có 1 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Thành Công. Các bị cáo Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương có luật sư bào chữa là Huỳnh Văn Nông. Riêng bị cáo Trương Văn Út có 3 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Sa Linh, Nguyễn Thị Thanh Tú, Nguyễn Thị Minh Châu.
Xét xử vụ AVG: Các bị cáo nói lời sau cùng
Sáng 24/12, kết thúc phần tranh luận, các bị cáo đã nói lời sau cùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư