Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đã giải ngân 61.000 tỷ đồng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nguyễn - 01/10/2022 09:06
 
Sau 9 tháng triển khai, khoảng 20% ngân khoản của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được giải ngân.

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 28/9/2022, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt 61.000 tỷ đồng.

Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 23/9/2022 đạt khoảng 3.545 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động, vượt mục tiêu ban đầu (04 triệu lao động).

.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên 147.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được giao cho các chương trình, dự án.

Cùng với đó, hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỷ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường là 39.422 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.

“Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, quá trình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động giải ngân không hết do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt.

Huy động vốn cho vay để thực hiện chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gặp nhiều khó khăn; giải ngân một số chương trình tín dụng thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

“Việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng còn hạn chế do sự ngần ngại của ngân hàng thương mại và tâm lý e ngại công tác kiểm tra, khó khăn trong xác định đối tượng kinh doanh đa ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, cũng chưa thông báo được số vốn dự kiến 2.500 tỷ đồng đầu tư Dự án Nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B.

“Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn của Chương trình còn chậm do một số bộ, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Riêng Bộ Y tế chưa báo cáo phương án phân bổ số vốn 802 tỷ đồng các dự án thuộc lĩnh vực y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Bộ trưởng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm giải ngân và chủ động các điều kiện cần thiết về nhân công, mặt bằng, mỏ nguyên vật liệu… để sẵn sàng thực hiện.

Trong quá trình triển khai, căn cứ yêu cầu và điều kiện thực tế, cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Trong khi đó, đối với danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại văn bản số 681/TTg-KTTH ngày 01/8/2022, danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch.

“Đối với các dự án còn lại chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, các bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chậm trễ trong triển khai”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát nhu cầu thực hiện các dự thuộc lĩnh vực y tế thuộc Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Bộ trưởng, thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của Chương trình chỉ trong 2 năm 2022-2023, tuy nhiên danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9 năm 2022, tạo sức ép về tiến độ thực hiện và giải ngân, đặc biệt đối với các dự án giao thông quy mô lớn. Do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương trong triển khai.

Kinh tế phục hồi tích cực, đồng đều trên cả 3 khu vực
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư