Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Đà Nẵng ban hành nghị quyết về xây dựng Trung tâm tài chính
Linh Đan - 29/04/2025 08:36
 
Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng là dự án mang tính chiến lược, phục vụ lợi ích quốc gia và sự nghiệp phát triển Thành phố.
Cùng với Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá lớn về kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng
Cùng với Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá lớn về kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng. Ảnh: Linh Đan

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 26/4/2025 về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng là dự án mang tính chiến lược, phục vụ lợi ích quốc gia và sự nghiệp phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo Nghị quyết, Đà Nẵng sẽ khai thác tối đa nguồn lực của Trung ương, thành phố và xã hội, trong đó, nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Đây là nhiệm vụ mới với nhiều nội dung phức tạp và chưa có tiền lệ; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì với bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tận dụng triệt để thời cơ, lợi thế và các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội để quyết tâm xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng thực sự hiệu quả.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thu hút các đối tác chiến lược, định chế tài chính, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ pháp lý và đơn vị tư vấn luật, kế toán, kiểm toán… quốc tế và trong nước đầu tư và hoạt động tại Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm tài chính sẽ trở thành trung tâm đổi mới, xanh và đầu tư bền vững cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm khu vực về tài trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp; trung tâm thanh toán số và đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ trong lĩnh vực tài chính.

Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức và cá nhân không cư trú (như dịch vụ tài chính offshore), các hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với Khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp…

Thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số, thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị.

Về chức năng, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng sẽ là cầu nối đầu tư khu vực, cửa ngõ hội nhập tài chính, thúc đẩy các ngành kinh tế mới và công nghệ, kết nối các trung tâm tài chính lớn.

Về định hướng phát triển, Đà Nẵng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính cạnh tranh, theo thông lệ quốc tế, thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Cụ thể, áp dụng luật nước ngoài theo thỏa thuận (Luật thông lệ Anh) để điều chỉnh các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại trong Trung tâm tài chính quốc tế.

Các cơ chế hình thành, sử dụng, chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu thông suốt với các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới; sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong Trung tâm tài chính quốc tế; áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, tinh gọn theo mô hình một cửa tại chỗ; thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ trong trung tâm tài chính.

Miễn thị thực cho các trường hợp người nước ngoài hoạt động trong trung tâm tài chính quốc tế; có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan quản lý trong trung tâm tài chính (chuyên gia, nhà khoa học, thẩm phán…); hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong trung tâm tài chính quốc tế.

Giai đoạn 2025-2030, thành phố thu hút đối tác chiến lược, tập đoàn tài chính, định chế trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động tại Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng; thúc đẩy thành lập các trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế, công nghệ tài chính, chuỗi khối nhằm hỗ trợ về chuyên môn, kĩ thuật, tư vấn cơ chế, chính sách phát triển trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ tài chính.

Thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tại Trung tâm tài chính gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và các dự án động lực, trọng điểm của thành phố như đường sắt đô thị, không gian lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng…

Tham gia trung tâm tài chính quốc tế: Ngân hàng Việt đối mặt với áp lực cạnh tranh cực lớn
Một khi tham gia “cuộc chơi”, các ngân hàng Việt phải chấp nhận cạnh tranh ngang hàng với các định chế tài chính hàng đầu thế giới theo khung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư