Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 08 năm 2024,
Đà Nẵng cần đào tạo 2.000 kỹ sư để cung ứng cho doanh nghiệp vi mạch bán dẫn
Hoàng Anh - 30/08/2024 17:08
 
Để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn, đến năm 2030, Đà Nẵng cần đào tạo được hơn 2.000 kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực này.

Chiều 30/8, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2023, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông của thành phố đạt 36.571 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD.

Tính đến tháng 8/2024, tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 26.174 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 108 triệu USD; tăng trưởng VA toàn ngành đạt 6,77% so với năm 2023, đóng góp 0,74 điểm % vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế của thành phố. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng năm 2024 là 14,76%.

Trong khi đó số lượng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ước tính đến cuối năm 2023 trên 52.000 người chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố.

Thành phố Đà Nẵng có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin, bình quân 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước.

Về doanh nghiệp, nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thống kê cho thấy Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư.  So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quang Thanh khẳng định, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cốt lõi và đóng vai trò quyết định trong thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn.

Vì vậy, thành phố Đà Nẵng đang tập trung để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cả số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, số lượng nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố là khoảng 600 kỹ sư thiết kế vi mạch.

Dự kiến đến năm 2030, TP.Đà Nẵng phấn đấu có khoảng 20 công ty thiết kế vi mạch với quy mô trung bình khoảng 100 - 130 người trên mỗi công ty; riêng Công ty Synopsys có quy mô trên 500 người.

Vì vậy, tổng số kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn làm việc trong các doanh nghiệp tại Đà nẵng tới năm 2030 là khoảng 2.000 - 2.600 nhân sự.

Mục tiêu 2.000 kỹ sư thiết kế được ước tính dựa trên giả định nhu cầu tuyển dụng từ các công ty thiết kế vi mạch đang hoạt động và công ty thiết kế vi mạch nước ngoài đặt văn phòng tại Đà Nẵng tăng trưởng khoảng 10-15%/năm.

 Thực tế nhu cầu tuyển dụng từ 10 công ty thiết kế vi mạch hiện đang hoạt động tại Đà Nẵng đạt khoảng 15- 20% hằng năm.

Ngoài ra, đến năm 2030 sẽ có thêm 1.500 kỹ sư thiết kế Việt Nam làm việc ở nước ngoài và Đà Nẵng có thể đặt mục tiêu tham gia cung cấp khoảng 100-150 nhân lực.

Trên cơ sở phân tích nhu cầu nhân lực, dự kiến đến năm 2030, Đà Nẵng cần đào tạo được 1.500-2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Trong đó, có 80%-90% kỹ sư chuyên môn hóa thiết kế về vi mạch số (Digital Design) và 10-20% kỹ sư tập trung vào vi mạch tương tự (Analog Design).

Ngoài ra, trong khâu kiểm thử, đóng gói và sản xuất đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút ít nhất 1 – 2 dự án, sẽ cần khoảng 2.000 – 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc tại thành phố và 200-300 kỹ sư làm việc tại nước ngoài trong các công đoạn kiểm thử, đóng gói và sản xuất vi mạch… 

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư