Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng rồi sẽ lại xinh đẹp, sớm thôi!
Hoàng Anh - 06/08/2020 14:16
 
Khi Đà Nẵng trở thành ổ dịch covid-19, có những người chấp nhận hy sinh để trở thành những người lính trên tuyến đầu chống dịch.
Ngành y tế Đà Nẵng đang căng mình phòng chống dịch.
Ngành y tế Đà Nẵng đang căng mình phòng chống dịch.

"Không thể ốm lúc này được!"

Tin nhắn của cô hàng xóm, làm việc trong Bệnh viện Đà Nẵng gửi ra, “Yên tâm, mọi người ở đây vẫn lạc quan và đang cố gắng khống chế dịch”. Sống trong cùng khu chung cư, lần đầu tiên tôi thấy chị Bùi Thị Huệ (Khoa mổ, Bệnh viện Đà Nẵng) phải xa nhà và hai đứa con nhỏ nhiều ngày như thế. 

Chồng chị Huệ công tác trong ngành công an, nên khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại, cùng lúc hai vợ chồng bước vào cuộc chiến. Ngày áp lệnh phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, chị Huệ chỉ kịp gọi điện nhờ người thân đưa hai con nhỏ về quê ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), còn mình phải túc trực trong bệnh viện.

“Gần 10 ngày rồi chưa được gặp con, nhớ lắm. Mà chừ ở huyện Thăng Bình cũng đã có mấy trường hợp nhiễm covid-19 rồi, nên rất lo cho con”, chị Huệ kể.

Đà Nẵng những ngày giãn cách, phố xá vắng lặng, mọi hoạt động đều ngưng đọng lại. Những con số thống kê ca nhiễm cứ lạnh lùng tăng từng ngày, đã có  trường hợp tử vong, nhiều khu dân cư và bệnh viện phải phong tỏa. Covid kéo mây đen ảm đạm đến che khuất bầu trời Đà Nẵng, nhiều người lo sợ phải vội vã rời đi. Nhưng có những đoàn quân với sắc áo blouse trắng lại ngược dòng người đi, lập tiền đồn ngăn giặc covid. 

Nhiều khu vực tại TP.Đà Nẵng phải phong tỏa do covid-19.
Nhiều khu vực tại TP.Đà Nẵng phải phong tỏa do covid-19.

Trái ngược với cảnh im lặng của Thành phố, phía sau cổng bệnh viện, cuộc chiến với kẻ thù “vô hình covid” đang diễn ra rất khốc liệt. Gần 10.000 nhân lực của ngành y tế Đà Nẵng đã được huy động để tham gia cuộc chiến ấy. Và giống như chị Huệ, họ phải tạm gác niềm riêng của gia đình để căng mình chống dịch bệnh.

Những y bác sỹ ở Đà Nẵng chấp nhận đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhiều nữ bác sỹ và điều dưỡng phải cắt đi mái tóc dài, làm việc liên tục trong ngày, mệt lả người nằm ngủ trên tấm cạc-tông … Những hình ảnh xúc động về những ngày căng mình chống dịch của y, bác sĩ tại Đà Nẵng được chia sẻ, khiến lòng người xúc động. 

Chị Đặng Thị Thu Hà, trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) làm việc nhiều ngày liền khi covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng, vì làm việc quá sức, chị bị ngất xỉu, phải dùng đến máy thở ôxy. Nhưng điều đó không thể khiến chị Hà  lo lắng, khi sức khỏe dần ổn định, chị lại tiếp tục chung sức cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh. “Bây giờ Đà Nẵng rất cần nhân lực y tế, mình không thể ốm lúc này được”, chị Hà tâm sự. 

Bác sĩ Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ, tThời khắc 0 giờ 00 ngày 28/7/2020 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại Thành phố. Bác sĩ Trí kể, trong khu cách ly, tất cả các y, bác sỹ đều làm việc liên tục 24/24 giờ, đến quên mất nhịp sinh học và thoáng quên cả thứ ngày trong tuần. 

“Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương. Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng nhau hoàn thành, bệnh diễn biến nặng lại cùng nhau hội chẩn để giải quyết, vẫn những tiếng gọi nhau í ới đó nhưng rất chân thành, sâu lắng. Tình đồng đội, đồng môn như gắn bó chúng tôi hơn. Và, như thế tất cả chúng tôi hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, để mỗi công việc của chúng tôi đều góp phần ngăn chặn sự lây lan và nhiễm chéo SARS-CoV-2, tiến tới dập dịch hoàn toàn. Tuổi thọ của Covid-19 chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi. Một ngày không xa, đội quân SARS-CoV-2 sẽ thất trận!”, bác sỹ Trí tin tưởng.

Chia lửa với Đà Nẵng 

“Đà Nẵng cố lên”, “Đà Nẵng ơi, cả nước ở bên cạnh” … Trong những ngày khó khăn này, cả nước đang hướng về Đà Nẵng với tình cảm thân thương nhất. Những chuyến hàng viện trợ vật tư y tế và thực phẩm liên tục được người Đà Nẵng và các tỉnh thành chuyển đến các bệnh viện, có những người ở Gia Lai chạy xe trong đêm để chở hàng tấn thực phẩm viện trợ cho các khu cách ly, nhiều người khác âm thầm nầu từng bữa ăn gửi vào bệnh viện. Tập đoàn Vingroup đã trao 100 máy trợ thở, một câu lạc bộ chơi lan ở Đà Nẵng cũng đã kêu gọi được số tiền lớn để mua 5 máy trợ thở để hỗ trợ ngành y tế Đà Nẵng … Các địa phương Hải Phòng, Bình Định và Hà Nội đã nhanh chóng viện trợ vật tư y tế, nhân lực y tế và kinh phí để góp sức cùng Đà Nẵng chống dịch… Cả nước đang hướng về Đà Nẵng.

Để hỗ trợ Đà Nẵng dập dịch, Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành của cả nước như bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng thành phố Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp phòng, chống, xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc covid-19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các chuyên gia ở các bệnh viện đầu ngành đến Đà Nẵng hỗ trợ địa phương này chống dịch. Bộ Y tế cũng thành lập Đội thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng. Trong cuộc chiến này, Đà Nẵng không đơn độc.

Nhận được sự tiếp sức của cả nước, Đà Nẵng đang triển khai đồng thời hàng loạt  biện pháp để khống chế dịch. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, chiến lược chống dịch của Đà Nẵng trong giai đoạn này là xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong toả, dập dịch. Những công việc này được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng.

Đà Nẵng cũng đã đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến Hoà Vang và Cung thể thao Tiên Sơn được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến thứ 2, công suất tối đa 700 giường. Năng lực xét nghiệm của thành phố Đà Nẵng hiện đạt công suất 6.000-7.000 mẫu một ngày, do ba đơn vị đảm nhận là CDC Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi, thành phố đang huy động thêm các cơ sở xét nghiệm của quân đội, công an để đảm bảo công suất 10.000 mẫu/ngày. 

Nhưng hiện Đà Nẵng vẫn đang thiếu nhân lực y tế để tham gia chống dịch, vì vậy, Thành phố đã kêu gọi các địa phương và Bộ Y tế cùng chia lửa. Đáp lại lời kêu gọi ấy, những đội quân blouse trắng của nhiều tỉnh thành đang trên đường đến Đà Nẵng để góp sức dập tắt ổ dịch tại đây. 

Cả nước đang hướng về Đà Nẵng, với sức mạnh đoàn kết ấy, tin chắc “giặc covid” sẽ sớm bị đánh bại. Đà Nẵng rồi sẽ lại xinh đẹp như trước. Sớm thôi!

Đà Nẵng: Hoàn thành bệnh viện dã chiến thứ 2 sau 72 giờ thực hiện
Sau 72 giờ thi công tốc hành, chiều nay (5/8) Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ được đơn vị thi công bàn giao cho TP Đà Nẵng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư