Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Đá tặc” lộng hành tại Đồng Nai
Gia Huy - 14/08/2015 14:22
 
Tiếng máy xúc, máy cưa đá gầm rú, những thửa ruộng, vườn cây lâu năm của người dân bị cày xới để khai thác những tảng đá lớn, đường sá bị những chiếc xe tải chở đá phá nát… là thực trạng tại khu vực núi đá Mồ Côi thuộc hai xã Sông Trầu và Sông Thao, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).
 Xe tải, máy xúc vẫn ngày đêm khai thác đá trái phép tại núi đá Mồ Côi.
Xe tải, máy xúc vẫn ngày đêm khai thác đá trái phép tại núi đá Mồ Côi

Đột nhập đại công trường “đá tặc”

Núi đá Mồ Côi chỉ cách UBND xã Sông Trầu khoảng 3 km, nhưng để vào được bãi đá này là điều vô cùng khó, vì con đường vào bãi được các chủ đá thuê nhiều thanh niên cảnh giới, nếu thấy người lạ vào họ sẽ đuổi ra ngay.

Để đột nhập vào bãi đá, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn được một người dân địa phương dẫn đường vòng phía rừng tràm sau núi đá 5 km, trong vai người dân địa phương đi bẫy chim mới được những người “bảo vệ” tại đây cho vào vùng khai thác đá.

Bãi đá có diện tích khoảng 10 ha, được chia thành nhiều khu khai thác của các chủ khác nhau. Người dân địa phương cho biết, bãi đá này hình thành cách đây hơn 10 năm, do một người phụ nữ tên là Tĩnh mở ra. Bà này lấy chồng người Hàn Quốc nên mọi người gọi là “bà Hàn Quốc”. Sau đó những người dân tại các nơi về đây thuê hoặc mua đất để khai thác đá bằng hình thức thỏa thuận giấy viết tay không thông qua chính quyền địa phương.

Giá mỗi thửa đất tuỳ vào độ dày của lớp đá bên dưới, hoặc ở những vị trí thuận tiện đi chuyển. Thông thường, giá bán 1.000 m2 đất để khai thác đá lên đến hàng trăm triệu đồng, giá thuê đất “mềm hơn”, dao động từ 10 - 20 triệu đồng/1.000 m2. “Đá ở đây khai thác dùng chủ yếu trong xây dựng”, một người dân địa phương cho biết.

Càng đi sâu vào trong bãi khai thác càng thấy giống như một công trường lớn với hàng chục chiếc máy xúc múc những tảng đá lớn, nhỏ lên xe tải. Trên con đường gồ ghề vụn đá, từng đoàn xe tải liên tục vào ra lấy đá rồi chở ra ngoài, để lại những đám bụi mịt mù và con đường bị băm nát.

Trong bãi đá luôn có hàng trăm công nhân làm công việc nhặt đá và dùng búa, máy cưa xẻ những cục đá nhỏ thành đá viên hình vuông. Một người đàn ông cắt xẻ đá cho mỏ của ông chủ người Hoa tên là Châu A Mến cho biết, mỗi ngày anh cắt được khoảng 300 viên đá thành phẩm, được trả công 1.800 đồng/viên. Tính ra thu nhập mỗi ngày của một người khoảng 400.000 dđồng, một mức thu nhập khá cao ở địa phương.

Trò chuyện với một tài xế xe tải chuyên vận chuyển đá từ bãi đá ra xưởng, anh cho biết: “Mỗi chuyến vận chuyển đá thế này phải đóng tới tiền triệu cho chính quyền nên mới được vận chuyển thỏa mái, chứ không họ bắt lâu rồi”(?).

Bà Thương, một người dân nơi đây bức xúc, từ ngày có những xưởng khai thác đá, môi trường khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bụi phủ kín khắp các nhà dân ở khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Đoạn đường nội bộ của ấp bị xới tung, bụi mù vào mùa khô và lầy lội trong mùa mưa. Xe chở đá chạy rầm rập suốt ngày, đây lại là đoạn đường gần trường học nên rất nguy hiểm cho các cháu học sinh.

Chính quyền bó tay?

Trước tình trạng ngang nhiên khai thác đá trái phép tại bãi đá Mồ Côi, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn tìm gặp bà Đỗ Thị Hồng Châu, Chủ tịch UBND xã Sông Trầu để tìm hiểu. Bà Châu cho biết, tình trạng khai thác đá tại xã Sông Trầu đã diễn ra khoảng 20 năm nay, trên địa bàn xã hiện có gần 20 cơ sở đang khai thác đá và không cơ sở nào có giấy phép. Xã đã cố gắng xử lý việc này, nhưng lực lượng có hạn và thẩm quyền không đủ. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay, xã đã kết hợp với huyện xử phạt 7 doanh nghiệp khai thác đá trái phép với số tiền 50 triệu đồng.

Về các vấn đề như có sự “bảo kê” của một số quan chức địa phương cho những xe chở đá lậu hay không, bà Châu khẳng định không có việc này.

Ông Ngô Đức Vượng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom lại cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do ngay từ đầu chính quyền 2 xã Sông Trầu và Sông Thao đã không cương quyết. Nếu ban đầu, khi việc khai thác đá còn manh mún mà xã xử lý triệt để ngay thì đã không loang rộng như hiện nay.

Cũng theo ông Vượng, nhiều lần nhận được phản ánh của người dân địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp với công an huyện đột kích vào xưởng đá, nhưng tới nơi thì chủ các mỏ đá rút hết người, chỉ để lại mấy máy xúc và xe tải, do đó không xử phạt được.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu thì cho biết: “Huyện đã nắm rõ về vấn nạn khai thác đá khoáng sản tại hai địa phương nói trên. Quan điểm của huyện là sẽ xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức đang khai thác đá trái phép tại khu vực núi đá Mồ Côi. Ngoài ra, huyện sẽ xử lý những người thực thi công vụ xem đã làm hết và đúng hay chưa, tại sao để tình trạng này diễn ra ngang nhiên nhiều năm”.

Mặt khác, nếu xét thấy hoạt động khai thác đá đem lại việc làm, thu nhập cho nhiều người dân, nhưng không xâm phạm vào đất nông nghiệp và rừng phòng hộ, thì chính quyền cũng nên tạo điều kiện để các chủ mỏ hoạt động. Lẽ tất nhiên, đi kèm với hoạt động khác thác, các chủ mỏ phải tuân thủ các quy định của pháp luật và buộc phải cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường khi tiến hành khai thác tài nguyên. Nếu làm được như vậy thì người khai thác không phải lén lút hoạt động phi pháp, mà chính quyền và người lao động cũng được hưởng lợi.

Khai thác cát và thuỷ điện là "thủ phạm" chính gây sạt lở bờ sông
Đó là kết quả nghiên cứu của ông Marc Goichot và Nhóm chuyên gia của Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) vừa công bố.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư