Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đã vớt được bộ khung kính của 1 tiêm kích Su-22 lâm nạn
Nhóm Phóng viên (Vnexpress) - 18/04/2015 21:02
 
Chiều 18/4, bộ đội đặc công nước vớt được phần khung kính máy bay Su-22 và một đoạn thép bị gãy. Dự kiến, việc trục vớt đuôi máy bay sẽ tiến hành vào ngày mai.
 Vết dầu loang tại hiện trường hai máy bay mất tích. Ảnh: Hoàng Trường
Vết dầu loang tại hiện trường hai máy bay mất tích. Ảnh: Hoàng Trường

 

Trao đổi với PV, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, chỉ huy hiện trường tìm kiếm hai tiêm kích Su-22 và phi công mất tích - cho hay, các chiến sĩ đặc công nước đã vớt được khung kính buồng lái của một trong hai máy bay.

"Sư đoàn Không Quân 370 đang tập trung phân tích, xử lý thông tin bộ phận này để lập phương án tiếp tục tìm kiếm, xác định rõ hơn vị trí máy bay rơi", ông Tuấn nói và cho biết lực lượng đặc công cũng phát hiện thêm một số thiết bị buồng lái và mảnh vỡ từ thân máy bay.

Ngày mai, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ đưa thiết bị dò đặc chủng đến hiện trường để rà tìm dưới đáy biển, xung quanh vị trí đã phát hiện phần đuôi Su-22 chiều qua; đồng thời dự kiến sẽ điều động thêm 3 tàu Hải quân.

“Sau khi máy dò xác định chuẩn vị trí máy bay rơi, chúng tôi sẽ huy động các lực lượng cũng như phương tiện cẩu hiện đại trục vớt đưa lên boong tàu.  Hy vọng với thiết bị này, cuộc tìm kiếm máy bay cũng như hai phi công mất tích sẽ thuận lợi hơn”, ông Tuấn nói.

Do vị trí phát hiện đuôi máy bay tương đối sâu, phức tạp nên lực lượng cứu hộ đã đánh dấu và điều phương tiện đến để kiểm tra, lên phương án. Khu vực tìm kiếm cũng được mở rộng để tìm chiếc máy bay thứ hai nhưng vẫn chưa thấy tung tích.

Đại tá Đỗ Hồng Đó - Chính ủy Vùng 3 cảnh sát biển (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết, theo kế hoạch, ngày 19/4, phần đuôi này sẽ được đưa lên. "Cuộc trục vớt này sẽ được trực tiếp phát hình ảnh về Sở chỉ huy để các chuyên gia theo dõi phân tích, xử lý, tiếp tục có phương án tìm kiếm hiệu quả", vị Chính ủy cho hay.

Tham gia công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường gồm lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, hàng trăm tàu cá ngư dân... Trong đó, gần 60 cảnh sát biển cùng tàu tuần tra 2009 và tàu cứu nạn cứu hộ 9002 đã được điều động từ Cảnh sát biển Vùng 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến đảo Phú Qúy.

"Lực lượng cảnh sát biển chia làm nhiều nhóm thay phiên lặn, tìm kiếm xung quanh khu vực biển - nơi phát hiện mảnh vỡ đuôi máy bay vào chiều 17/4, cách phía tây nam đảo Đá Bé một hải lý", Trưởng phòng tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho hay. 

Song hành cùng hai tàu tuần tra, cứu hộ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng điều động máy bay tuần thám CASA212 từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) tham gia. Đây là loại máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và được mệnh danh là "mắt thần biển Đông".

Trong bờ, hai tàu tuần tra cảnh sát biển cùng hàng chục chiến sĩ trong tư thế sẵn sàng xuất phát đến Phú Qúy. Phạm vi tìm kiếm các phi công được mở rộng ra phía Bắc đảo Phú Quý, nơi Su-22 được cho là mất mục tiêu, cách đảo này từ 10 đến 20 km.

Ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Qúy (Bình Thuận) - cho biết, công tác tìm kiếm hai máy bay rơi và các phi công, trong ngày thứ ba, đã được Bộ Quốc phòng triển khai từ sáng sớm 18/4. Song song với việc trục vớt phần đuôi tiêm kích Su-22, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh công tác tìm kiếm tung tích của hai phi công.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, phạm vi tìm kiếm các phi công sẽ không khoanh vùng mà được mở rộng. Trong hai ngày qua, rất nhiều khả năng đã được tính đến. Trong đó, không loại trừ khả năng các phi công đã thoát khỏi máy bay khi gặp nạn, dù đã kịp bung ra và bị gió thổi ra xa, nằm ngoài khu vực tìm kiếm. "Với những trang bị hiện đại của các tàu và hàng trăm tàu cá ngư dân tại hiện trường, việc này không quá khó khăn", ông này nói.

Mặt khác, lực lượng chức năng cũng xác định có một dòng hoàn lưu chảy từ Lý Sơn xuống đảo Hòn Hải rồi chạy ra ngoài. Vì vậy, vùng quan sát và tìm kiếm phi công sẽ được mở rộng hơn. "Có hai phần quan trọng hy vọng sẽ tìm thấy là đầu máy bay và ghế phi công. Tìm được đầu máy bay thì sẽ có hộp đen để tìm được nguyên nhân vụ tai nạn. Còn ghế máy bay sẽ cho biết tình trạng phi công lúc bấy giờ", lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nói.

Hai ngày qua, căn nhà nhỏ trong con hẻm ở phường Bình Thuận (quận 7, TP HCM) có rất đông đồng đội, bạn bè đến chia sẻ với vợ và hai con trung tá Lê Văn Nghĩa - phi công lái máy bay Su-22 gặp nạn ở vùng biển Phú Qúy (Bình Thuận). Gia đình, họ hàng của anh Nghĩa cũng đã từ Hà Nội vào TP HCM trông ngóng tin tức.

Người thân cho biết, anh Nghĩa là sĩ quan chỉ huy, đóng quân ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận, nên ít có dịp về thăm nhà. Mọi việc chăm sóc con cái đều do người vợ là giáo viên của anh đảm nhiệm. "Từ khi nghe tin chồng mất tích, vợ và hai con thằng Nghĩa rất buồn nhưng vẫn không tắt hy vọng. Gia đình đang ngóng tin từ Bình Thuận", một người chú của anh Nghĩa nói

Trung tá phi công Lê Văn Nghĩa đang giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, sư đoàn 370, đạt trình độ phi công cấp 1 với hơn 1.000 giờ bay. Một số đồng đội cho biết, không chỉ là sĩ quan chỉ huy, anh còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trẻ Su 22M4 của Trung đoàn.

Trước đó, ngày 16/4, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11h35. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.

Hai phi công gặp nạn gồm trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.

Có thể đưa máy bay CASA212 tìm kiếm 2 máy bay Su-22 gặp nạn trên biển
Chiều 17/4, Ban chỉ huy cứu hộ có thể đề xuất đưa máy bay CASA212, phi cơ chuyên thực hiện tuần thám hải quân tham gia tìm kiếm để nâng cao hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư