Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đặc sản chuyển phát nhanh trên Facebook
- 25/06/2013 08:19
 
Không cần phải đến tận Nha Trang, Đà Nẵng, khách hàng vẫn có thể thưởng thức các món đặc sản tại đây sau 2 -3 ngày đặt hàng trên Facebook. Mạng xã hội này dần trở thành một khu chợ tấp nập với đa dạng các loại mặt hàng.
TIN LIÊN QUAN

421794-10150604422075892-943491256-n-137
Gần đây, nhiều món đặc sản được buôn bán nhộn nhịp qua mạng xã hội facebook. Ảnh: Nhật An

Trước đây, mỗi khi đồng nghiệp về quê ở Tây Nguyên, chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) thường gửi mua bơ sáp. Chợ gần nhà không thiếu thứ gì nhưng tâm lý người nội trợ bao giờ cũng thích mua tận gốc, ở nơi ngon nhất. Những quả bơ chị nhờ bạn mua có hạt nhỏ, đặc ruột, vàng ươm, thơm và béo ngậy, ăn cũng khác hẳn những loại mua ngoài chợ. Ngại phiền, mỗi lần chị cũng chỉ dám nhờ bạn cầm cho vài cân, mang ra đến nơi nhiều khi phải dùng tiết kiệm. Một năm chị đồng nghiệp cũng chỉ về quê 3-4 lần. Từ ngày tìm được mối buôn bơ sáp Đăk Lăk trên mạng, chị trở thành khách hàng quen thuộc, và lần nào cũng phải đăng ký cả chục kg, cả nhà được ăn thỏa thích.

Giá của những thứ quả "đặc sản" này từ 30.000 - 35.000 đồng tùy thuộc vào từng đợt hàng, số lượng khách đăng ký mua. Mức giá này chỉ chênh lệch 5.000 - 7.000 đồng mỗi kg so với những hàng bán ngoài chợ. Vì là bơ tươi, chính gốc, lại là đặc sản Đăk Lăk nên khách hàng không hề than phiền mà mua rất nhiệt tình. "Mua vài cân, thêm 20.000 - 30.000 đồng nhưng đảm bảo an tâm bơ ngon thế cũng đáng lắm". chị Hà cho biết.

Chị Liên, một chủ buôn quần áo trên đường Nguyễn Chí Thanh còn tận dụng số lượng khách hàng sẵn có của mình để buôn cả nem chua Quy Nhơn. Chị cho hay, mình có mối quan hệ, có địa điểm, có nguồn hàng và cả niềm tin của khách hàng tội gì không bán để kiếm thêm. Chị quảng cáo trên mạng xã hội, mời khách thưởng thức ngay tại cửa hàng, ưng ý rồi mới đặt hàng. Khởi điểm, chị "buôn" 3.000 chiếc nem chua mà hết sạch trong vòng 2 ngày. Những ngày sau mọi người giới thiệu nhau đặt hàng liên tục.

Đặc sản được mua bán trên Facebook cũng rất đa dạng. Từ đồ khô, đồ hộp đến hoa quả, hải sản tươi sống, thóc gạo hay thịt thú rừng, nào là nem chua Thanh Hóa, Quy Nhơn, chả cá, mực một nắng, mực rim me Nha Trang, gạo Yên Bái, Nam Định, Sầu riêng Mongthong, thanh long đỏ Đà Lạt, các món thịt thú rừng Tây Bắc...

404438-4090554481634-46687844-n-13720632
Các món thịt thú rừng cũng được nhiều khách đặt mua. Ảnh: Nhật An

Những người buôn đặc sản thường phải có người quen hoặc mối tin tưởng để chọn được nguồn hàng tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, giá cả phù hợp. Những người bản xứ buôn hàng tận gốc, mua trọn cả cây sau đó gửi về cho chủ buôn với số lượng đã đặt sẵn. Như vậy, chủ buôn sẽ phải trả tiền hàng, tiền môi giới mua hàng mà không phải bỏ chi phí, công sức đi lại nhiều.

Các chủ buôn hàng trên mạng xã hội này đều phải thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm với khách hàng. Họ phải thông báo, đăng quảng cáo tại các nhóm dành riêng cho mua bán, thanh lý... Kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội này, chủ buôn sẽ không mất nhiều chi phí quảng cáo, lượng người sử dụng và cập nhật thông tin lớn, hình ảnh sinh động. Đồng thời, họ cũng phải có những chiêu kích cầu hay giữ chân khách hàng, cạnh tranh: giá cả hợp lý, miễn phí giao hàng với những địa điểm trong vòng 2km, mua nhiều, mua chung số lượng lớn với các chị em cùng văn phòng...

Một chủ buôn cho biết, phải kinh doanh linh hoạt, mùa nào thức nấy để phục vụ khách hàng. Lượng khách đặt hàng tăng giảm thất thường, có vụ thì lãi kha khá nhưng ai biết cho những lúc kinh doanh ế ẩm. Có đợt trời mưa kéo dài 3 hôm, chị ế đến 50 kg bơ sáp. Những chỗ ấy chị phải bán giảm giá thậm chí phải mang ra chợ bán rẻ như các loại bơ khác. Hoặc có những lần người thu mua chọn lô hàng chưa chuẩn cũng phải "khai" trung thực với khách hàng và bán giá ưu đãi vì không thể chuyển hoàn.

Nhật An

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư