Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về nguyên nhân EVN lỗ lớn
Thế Hải - 21/08/2024 14:46
 
Nguyên nhân khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn hơn 47.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023 là do chênh lệch giá mua vào bán ra lên đến 208-216 đồng/kWh.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng điều hành giá điện còn nhiều bất cập gây thua lỗ cho EVN
ĐB Huỳnh Thanh Phương chất vấn Bộ trưởng Công thương về điều hành giá điện còn nhiều bất cập gây thua lỗ hơn 47.000 tỷ cho EVN.

Chất vấn Bộ trưởng Công thương về giá điện và điều hành, kinh doanh thua lỗ của EVN, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập.

"Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất thời gian tới", ĐB Phương nêu.

Trả lời câu hỏi này, ông Diên khẳng định “không có chuyện đó”. Bộ Công thương quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức cơ bản: Quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra.

"Chúng tôi tự thấy rằng trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua là thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật điện lực và luật giá. Theo đó, Điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước", ông Diên nói.

Hiện, EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc giá thì phải mua với cơ chế giá thị trường, nhưng đầu ra thì phải bình ổn giá, mà giá điện liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác.

Cho nên, có chênh lệch đầu vào và đầu ra. Theo Bộ trưởng: "Chênh lệch giá mua vào và bán ra của EVN vào khoảng 208-216 đồng/kwh”.

Đề cập giải pháp tiếp tiếp tục sửa đổi cơ chế điều hành như thế nào để EVN để không bị lỗ trong tương lại, Bộ trưởng nói: "Ngành Công thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi bổ sung hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi), sẽ trình trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 này".

Mục tiêu sửa đổi theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện, để bảo đảm khách quan.

Thêm nữa, Chính phủ đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm điều độ A0 về trực thuộc Bộ Công thương. Điều đó sẽ bảo đảm được sự minh bạch công bằng trong điều độ vận hành hệ thống điện, công bằng giữa các đối tượng phát điện, đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; và sắp ban hành nghị định về khuyến khích điện mặt trời áp mái, điều đó, từng bước làm cho thị trường điện sẽ hoàn hảo hơn.

Bộ trưởng Diên cho biết: “Hiện thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường mua buôn điện cạnh tranh đã thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì sẽ tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện trong Dự thảo Luật Điện lực và sửa đổi các quy định hiện hành”.

Liên quan đến điện mặt trời áp mái, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đồng Nai) chất vấn: "Thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn, nhưng hiện nay Nhà nước không còn chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình". Trong khi việc kinh doanh điện được quản lý bởi Bộ Công thương và chỉ có EVN là đơn vị duy nhất kinh doanh điện giữa điện lực Việt Nam và các hộ tiêu dùng.

Để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm được tiêu thụ của nguồn điện quốc gia, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng Công thương nêu hướng giải quyết để tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này.

Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng cho rằng: "Việc mua điện dư của các dự án điện mặt trời mái nhà, hệ thống điện muốn an toàn, ổn định thì cơ cấu các nguồn điện điện mặt trời và gió chỉ nên chiếm 20-25%, để phù hợp năng lực kỹ thuật, kinh tế. Bởi, nếu không có nguồn điện nền ổn định 75-80% sẽ khiến hệ thống điện gặp rủi ro.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng nguồn điện đến năm 2030 là 150.589 MW, trong đó điện tái tạo khoảng 27%, như vậy là mức cao.

Thời gian qua, nhiều địa phương muốn phát triển mạnh hơn điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà, nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Theo đó, Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt dự án điện mặt trời mái nhà, để khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm đầu tư Nhà nước.

Nhưng, đây cũng là thách thức, thậm chí có thể rủi ro cho an toàn hệ thống điện. Lý do là nguồn điện nền không thay đổi, việc nâng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống điện, lưới điện cơ sở.

Vì thế, Bộ trưởng Diên cho rằng: "Chính sách xây dựng để vừa đảm bảo đề xuất của địa phương, người dân nhưng cũng phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu đơn thuần. Ngay cả việc quy định trong Nghị định mua sản lượng điện dư tối đa 20% công suất lắp đặt. Bộ cũng đề xuất cơ chế, điều kiện ràng buộc để tránh tình trạng trục lợi chính sách, hay làm sập hệ thống điện".

"Hệ thống điện không cho phép sai sót, nếu sai một lần thì trả giá, do đó, kiến nghị của đại biểu chúng tôi tiếp thu nhưng cũng phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật, pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Gặp khó trong đàm phán giá, điện gió Hướng Linh 4 xin gia hạn tiến độ
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết đang đề xuất UBND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy điện gió...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư