Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đại biểu Dương Trung Quốc trải lòng sau 20 năm tham gia Quốc hội
An Nguyên - 26/03/2021 16:04
 
Đến tuổi phải được nghỉ, vì chắc chắn tuổi tác đi ngược lại sức khỏe và sự sáng suốt, vị đại biểu 75 tuổi bày tỏ.
.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội.

"Chúng ta phải coi Quốc hội là một tinh túy, một tinh hoa, chứ đừng coi Quốc hội chỉ là một sức vóc thuần túy", đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm trong phát biểu, mà theo ông, có lẽ là lần phát biểu cuối cùng tại Quốc hội sau 20 năm tham gia nghị trường.

Đăng đàn gần cuối phiên thảo luận sáng 26/3 về công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc bộc bạch, năm nay, ông đã 75 tuổi, nên dù nhận được đề nghị tiếp tục ứng cử ông vẫn từ chối.

"Đến tuổi phải được nghỉ. Vì chắc chắn tuổi tác đi ngược lại sức khỏe và sự sáng suốt", vị đại biểu cao niên bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Quốc cho biết rất mong muốn đừng biến Quốc hội thành một cơ quan hành chính, đặc biệt với đại biểu Quốc hội chuyên trách, những người dành toàn vẹn công việc cho Quốc hội.

"Họ đã có tích lũy về mặt kinh nghiệm, về mặt tri thức, về mặt kỹ năng và đặc biệt là tích lũy uy tín, tích lũy uy tín thì phải có thời gian. Vì vậy, tôi lấy làm tiếc là nhiều vị phải dừng lại chỉ vì vấn đề tuổi tác. Chúng ta phải coi Quốc hội là một tinh túy, một tinh hoa, chứ đừng coi Quốc hội chỉ là một sức vóc thuần túy. Tôi rất mong đó là một thực tế cần cố gắng thay đổi trong những nhiệm kỳ tiếp theo", ông Quốc phát biểu.

Những đỉnh cao không chỉ ở phía trước

Nhận định Quốc hội khóa XIV và có thể những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn luôn phải hướng về phía trước để theo kịp với thời đại, nhưng ông Quốc cho rằng, những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, mà đôi khi, những đỉnh cao ở phía sau lưng.

Tiếp cận từ góc độ là người tham gia hoạt động Quốc hội khá lâu, cũng tham gia việc nghiên cứu lịch sử Quốc hội và theo dõi Quốc hội với tư cách một người làm báo, ông Quốc nói: Chúng ta rất tự hào về những gì chúng ta làm được, nhưng nếu chúng ta soi lại những gì các bậc tiền nhân làm được, chúng ta phải suy nghĩ.

"Quốc hội khóa I được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập, khi đó Quốc hội đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho dân tiếp cận với hoạt động Quốc hội. Lúc đó Quốc hội họp ở Nhà hát Lớn, một thiết chế văn hóa của chế độ cũ, nhưng dành toàn bộ tầng trên cùng để cho không chỉ báo chí, mà mọi người dân có quyền đến xem", ông Quốc nhớ lại.

Và ông so sánh: "Ngày nay, chúng ta có cả một tòa nhà hoành tráng như thế này, nhưng vắng bóng người dân. Quốc hội xây dựng cả một di sản, tức là nhà truyền thống và một bảo tàng rất giá trị, nhưng ngay cả những người trong nghề chúng tôi cũng không được đến. Đương nhiên, chúng ta phải bảo đảm an ninh, vấn đề hết sức quan trọng, nhưng không thể vì thế mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động của Quốc hội được".

Vị đại biểu cao niên cũng không quên bày tỏ: Tôi rất mong rằng, một ngày không xa, người dân được vào đây không những tham quan mà được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục ngược dòng  lịch sử, nhà sử học Dương Trụng Quốc nói, ngay khi thời gian chỉ cho phép Quốc hội khóa I thông qua được Hiến pháp và Bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó chiến tranh bùng nổ thì đã có được sắc lệnh, những văn bản dưới Hiến pháp liên quan đến quyền con người.

"Hiến pháp 2013 đã đưa ra mục tiêu nhanh chóng thực hiện mục tiêu ấy bằng việc xây dựng luật pháp, nhưng chúng ta mới thông qua được vấn đề trưng cầu dân ý. Trong khi đó, rất nhiều những luật khác rất quan trọng, đang là đòi hỏi của đời sống ngày hôm nay chúng ta vẫn né tránh. Chúng tôi nói chữ "né tránh", bởi mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề thì được trả lời một cách rất đơn giản là Chính phủ chưa hoàn thành, chưa làm xong. Điều đó cho thấy những khó khăn, những nhạy cảm của những luật đó. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm", vị đại biểu Đồng Nai nêu quan điểm.

Vẫn trong mạch so sánh, với hoạt động chất vấn, ông Quốc nhớ lại cuộc chất vấn đầu tiên vào tháng 11/1946, diễn ra ở Quốc hội, khóa I, kỳ họp thứ 2, không phải chỉ các Bộ trưởng được chất vấn, mà ngay cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn.

"Sau khi kết thúc đợt chất vấn đó, Bác Hồ nói rằng: Chính phủ hiện thời mới thành lập được 1 năm hãy còn thanh niên, Quốc hội mới thành lập được có 8 tháng còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc (là cách viết của Cụ Hồ), khó trả lời, đề cập tới những vấn đề quan hệ quốc gia; với sự trưởng thành chính trị, sự quyết tâm vì việc nước, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập", ông Quốc dẫn lời Bác.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế"
Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư