Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đại biểu Phạm Phú Quốc: Doanh nghiệp phải là chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế
Hữu Tuấn - 02/11/2016 23:12
 
Ngày 2/11, thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) đã đề nghị bổ sung thêm trụ cột xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế.

Theo đại biểu Phạm Phú Quốc, sau 30 năm đổi mới nền kinh tế nước ta đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nền kinh tế vẫn còn thiếu tôn trọng các nguyên tắc của thị trường; vẫn còn can thiệp hành chính vào quá trình giao lưu hàng hoá; thiếu sự đồng bộ giữa các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị,…

Đặc biệt là, thu nhập đầu người vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo ông Quốc, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 là 2.100 USD còn Indonesia hơn 3.300 USD, Malaysia là hơn 9.700 USD, Thái Lan hơn 5.800 USD.

Ông Phạm Phú Quốc cho rằng, mục tiêu của tái cơ cấu là đem lại sự phồn thịnh cho người dân và phải tạo cho nền kinh tế thế chủ động, độc lập, tự do, không phụ thuộc vào nền kinh tế lớn khác.

Vị đại biểu này cũng "ủng hộ phương án tái cơ cấu quyết liệt" và cho rằng, nguồn vốn tái cơ cấu hơn 10,567 triệu tỷ đồng thì vốn nhà nước tham gia 30% là ít nhất so với phương án tái cơ cấu còn lại.

"Với số tiền tái cơ cấu này, nếu GDP tăng 7%/năm thì đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 3.200-3.500USD/người vào năm 2020 là phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII", ông Quốc nói.

Đại biểu Phạm Phú Quốc:
Đại biểu Phạm Phú Quốc: "Tôi đề nghị bổ sung thêm trụ cột xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế"

"Ngoài 2 trụ cột đẩy mạnh quản lý Nhà nước và tái cơ cấu ngành kinh tế được đề cập trong đề án, tôi đề nghị bổ sung thêm trụ cột xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế. Nếu được như vậy chúng ta sẽ vững như kiềng ba chân”, ông Quốc đề xuất.

Theo Đại biểu này, khối doanh nghiệp trụ cột này sẽ bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và Hợp tác xã.

Đại biểu này cũng cho rằng trong tái cơ cấu cần hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn làm đầu tàu cho nền kinh tế. Việc thu tiền cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần đúng mục đích, ý nghĩa, không nên sử dụng cho chi thường xuyên sẽ không bảo tồn được nguồn vốn.

Ông Quốc cũng đề xuất sớm hình thành cơ quan có chức năng đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thay vì để các bộ ngành, địa phương quản lý như hiện nay.

Hồn cốt của Đề án Tái cơ cấu kinh tế không phải cần bao nhiêu tỷ USD
Hồn cốt của Đề án Tái cơ cấu không phải là giá trị tuyệt đối của VND hay USD, mà là làm thế nào để khơi thông các dòng vốn, các nguồn lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư