Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Nguyễn Lê - 05/05/2023 16:56
 
Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm cụ thể hóa quyền của công dân về thay đổi hộ tịch, thay đổi các giấy tờ nhân thân sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Sau khi xác định lại phạm vi điều chỉnh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, thay vì Luật Bản dạng giới như đề xuất ban đầu.

Ngày 28/2/2023, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) có Tờ trình số 22/TTr-ĐBQH về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám.

Ngày 10/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bản dạng giới (khi xem xét dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024) và đề nghị đại biểu Trí nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2023.

Ở tờ trình vừa được gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết đã xác định lại phạm vi điều chỉnh của đề nghị xây dựng Luật là triển khai, thực hiện quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự về “Chuyển đổi giới tính”, trong đó đối tượng điều chỉnh là người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại.

Do đối tượng tác động đã hẹp lại, nên ông Trí nhận thấy cần thiết phải điều chỉnh tên gọi để phản ánh chính xác phạm vi, bản chất của đề nghị xây dựng Luật và đề xuất tên gọi mới là Luật Chuyển đổi giới tính.

Tờ trình của đại biểu nêu rõ, thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam là Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37), trong đó quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Tuy nhiên, cho đến nay, đã gần 8 năm vẫn chưa có luật nào được ban hành để triển khai thực hiện Điều 37 Bộ luật Dân sự.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả, người chuyển giới không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn. Đa số họ bị phân biệt, kỳ thị nên khó khăn trong học tập, lao động, việc làm. Sự khó chịu và đau khổ gây ra bởi sự không nhất quán giữa bản dạng giới và giới tính khi sinh gây nên chứng “phiền muộn giới” ở một số người chuyển giới có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tâm trí, thậm chí là tự tử.

Thông tin từ tờ trình nói, 39,4% người chuyển giới (trong 250 người ở Hà Nội tham gia khảo sát) từng có ý nghĩ về việc tự tử và có tới 40,7% từng tìm mọi cách để tự tử. Đáng chú ý, hành vi tìm mọi cách để tự tử đầu tiên được ghi nhận ở độ tuổi trung bình là 15 tuổi.

Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, theo đại biểu là nhằm cụ thể hóa quyền của công dân về thay đổi hộ tịch, thay đổi các giấy tờ nhân thân sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, pháp điển hóa các quy định liên quan đến quyền này.

Tờ trình nêu rõ, mặc dù có rất nhiều dạng giới khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới: nam và nữ.

Theo đó, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ;  Cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính.

Chính sách được đại biểu đề xuất là luật hoá quy định cho phép công dân được chuyển đổi giới tính (từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ) theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự. Công dân được công nhận giới tính mới 1 lần trong cuộc đời.

Điều kiện để được công nhận giới tính mới của công dân là: đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; tình trạng hôn nhân độc thân (chưa kết hôn hoặc đã kết hôn nhưng đã ly hôn hoặc đã kết hôn nhưng vợ hoặc chồng đã mất); Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã có can thiệp y học (phẫu thuật, thuốc, hoóc-môn,…) để chuyển đổi giới tính.

Công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện công nhận giới tính mới (là nam hoặc nữ) sau khi đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ 9-12/5) việc cho ý kiến đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang ở nội dung dự phòng (nếu chuẩn bị kịp tài liệu).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư