Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
Đại học Sài Gòn đề xuất đầu tư 342 tỷ đồng xây tòa nhà nghiên cứu đào tạo ngành vi mạch
Lê Quân - 09/03/2024 17:00
 
Trường Đại học Sài Gòn (SGU) đề xuất đầu tư 342 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM để xây dựng tòa nhà tòa nhà nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Sài Gòn vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư hơn 342 tỷ đồng để xây dựng tòa nhà nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.

Một góc Trường Đại học Sài Gòn 

Theo tờ trình, tòa nhà bao gồm 2 tầng hầm, 10 tầng nổi với chiều cao 46 m.  Tổng mức đầu tư đề xuất là 342,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Thời gian thực hiện từ năm 2024-2027, trong đó thời gian chuẩn bị dự án từ 2024-2025.

Nhà trường cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án tòa nhà nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Hơn nữa, việc xây dựng dự án rất thuận lợi khi khu đất xây dựng tòa nhà nằm trong khuôn viên của trường nên không phải giải phóng mặt bằng.

Khu vực xây dựng đã có sẵn hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống giao thông… Do đó, sẽ đảm bảo khi xây dựng dự án kết nối hoàn chỉnh với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Về quy hoạch, Dự án cũng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giáo dục đào tạo của TP.HCM và phù hợp vói quy hoạch xây dựng khu vực.

Việc xây dựng dự án là phù hợp với kế hoạch đầu tư không trùng lặp với các chương trình dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

Dự án sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu cơ sở, vật chất của nhà trường, trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu, sáng tạo của giảng viên và sinh viên trong việc nghiên cứu và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.

Mới đây, phát biểu trước các nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính quyền Thành phố tiếp tục nghiên cứu phát triển hơn nữa hạ tầng khoa học công nghệ, đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.

Đào tạo nhân lực “hot” trong thời đại công nghệ số
Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của việc sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động - những sản phẩm thiết yếu trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư