Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đảm bảo mức sống tối thiểu: Tăng lương tối thiểu chưa là lời giải duy nhất
Trần Hà - 22/08/2017 08:07
 
Mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt vào phiên họp cuối cùng diễn ra đầu tháng 8 và đang trình Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ được áp dụng từ 1/1/2018. Tuy nhiên, người lao động liệu có được hưởng lợi từ tăng lương tối thiểu vùng?

Tăng lương sẽ phải giảm các khoản chi khác

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhận định: “Chúng ta điều chỉnh tiền lương tối thiểu và doanh nghiệp bớt đi những khoản mà xưa nay không coi là lương. Nếu chính thức hóa những khoản này và đưa vào lương, thì tôi nghĩ có lẽ cũng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhiều lắm”.

Tuy nhiên, câu chuyện khiến các doanh nghiệp phản đối tăng lương còn bởi, tăng lương sẽ kéo theo gánh nặng tăng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Khi tăng lương, doanh nghiệp sẽ giảm khoản chi khác, về cơ bản thu nhập của người lao động không thay đổi.
Khi tăng lương, doanh nghiệp sẽ giảm khoản chi khác, về cơ bản thu nhập của người lao động không thay đổi.

“Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ kéo theo tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế  tăng thêm. Người lao động và doanh nghiệp cùng phải bỏ thêm tiền để đóng các khoản trên. Kết quả là, lương có thể tăng, nhưng thu nhập của người lao động lại giảm”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt may Hưng Yên nói.

Theo ông Dương, hiện Tổng công ty Dệt may Hưng Yên có 15.000 lao động, với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% năm 2018, theo tính toán, chi phí đóng bảo hiểm xã hội tăng theo, thì mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ mất thêm gần 100.000 đồng cho 1 lao động. Tính ra, mỗi năm, số tiền tăng thêm khoảng 18 tỷ đồng.

“Tổng công ty có 14 doanh nghiệp thành viên, nhưng chỉ có 9 doanh nghiệp là làm ăn có lãi, còn 5 doanh nghiệp lỗ, hoặc hoạt động cầm chừng. Cứ đà này thì khó mà bám trụ được. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp may khác ở Hưng Yên cũng đã phải đóng cửa”, ông Dương nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, về nguyên tắc, công ty chỉ dành 60% nguồn thu để chi quỹ lương. Nếu giờ lương tăng, tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng thì doanh nghiệp buộc phải tính toán thêm khoản này, cắt khoản kia, chứ không thể tăng thêm được.

Mức sống có cải thiện?

Với cách làm lấy các khoản không chính thức trước kia doanh nghiệp trả cho người lao động như thưởng lễ, tết, tiền nghỉ mát… để bù vào khoản chi phí chính thức, nhằm đảm bảo mức lương tăng theo quy định, ông Dương cho rằng, thực tế thu nhập của người lao động còn thấp đi. Ông đưa ra con số chứng minh, tổng thu nhập lao động của doanh nghiệp ông hiện là 7,8 triệu đồng/tháng, khi tăng lương tối thiểu vùng, tăng đóng bảo hiểm xã hội thì tổng thu nhập lao động sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 7,6 triệu đồng/tháng.

Người lao động nghĩ gì với mức tăng lương này? Anh Đặng Quốc Hinh, công nhân Công ty TNHH Hankyong (Bắc Ninh) chia sẻ: “Lương chính của tôi hiện nay có 3,5 triệu đồng, chỉ đủ chi trả tiền nhà, xăng xe, điện thoại, chi phí ăn uống… Số tiền gửi về nuôi con là lấy từ tiền phụ cấp 700.000 đồng/tháng và 2 triệu đồng tiền làm thêm. Mức tăng lương 6,5% là khá ít, bởi như tôi thì chỉ tăng thêm được chưa đến 230.000 đồng. Đấy là chưa kể lại bị xén vào khoản nào đó, như xén tiền phụ cấp chẳng hạn. Như vậy, thực tế không thêm được đồng nào. Hơn nữa, tôi thấy năm nào cũng tăng lương, nhưng giá cả thì tăng gấp vài lần”.

Việc cân nhắc bài toán tăng lương tối thiểu vùng luôn được xem xét mỗi năm. Trên thực tế, mức tăng lương năm 2015 là 15,1%; năm 2016 là 12,4%; năm 2017 là 7,3% và năm 2018 được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất là 6,5%.

Tuy vậy, báo cáo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của công nhân, lao động trong các doanh nghiệp năm 2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, tỷ lệ công nhân lao động muốn làm thêm giờ hơn so với mức hiện đang làm ở doanh nghiệp là khá cao. Theo đó, tỷ lệ ở doanh nghiệp FDI, dệt may - da giày, điện - điện tử, chế biến - chế tạo… lần lượt là 46,9%; 40,5%; 48,5% và 47%.

Báo cáo này cũng chỉ ra nguyên nhân là do công nhân cần và buộc phải làm thêm giờ để đủ chi tiêu tằn tiện, thêm thu nhập trả tiền nhà, điện, nước, lo cho con học tập, chữa bệnh…

Như vậy, có thể nói, để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động, có lẽ việc tăng lương tối thiểu chưa phải là lời giải duy nhất.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), không nên mỗi năm lại họp bàn tăng lương tối thiểu một lần, mà cần phải nhìn rộng hơn, phải cải cách về thị trường lao động, khi đó, cả người lao động và doanh nghiệp đều thực sự được hưởng đúng năng lực của mình. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương, lấy tăng năng suất lao động làm cơ sở để tăng tiền lương; hình thành cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường; bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Cân nhắc lợi ích trước khi chốt mức tăng lương tối thiểu vùng
Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa kết thúc sáng 28/7, mặc dù các đề xuất đã thu hẹp độ vênh, nhưng các bên đều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư