Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dán tem bia: 1.600 tỷ đồng ai chịu?
Thanh Hương - 12/09/2014 07:34
 
Ý tưởng dán tem để quản lý hoạt động sản xuất bia đang khiến doanh nghiệp trong ngành lo lắng, bởi chi phí gia tăng đáng kể mà hiệu quả lại chưa thấy rõ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tranh cãi nảy lửa vì quy định cấm bán bia ở vỉa hè
Cấm kinh doanh bia vỉa hè: Tư duy "không quản được thì cấm"?
Bị kiểm tra, doanh nghiệp giam lỏng lực lượng chức năng
Dán tem rượu sản xuất trong nước: Điệp vụ bất khả thi
Cần Thơ: Hàng nghìn mũ bảo hiểm giả, dán tem thật

Ông Vũ Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho hay, với sản lượng bia của Việt Nam hiện tại là 3 tỷ lít/năm, sẽ có khoảng 10 tỷ đơn vị phải dán tem/năm. Nếu giá mỗi con tem là 160 đồng, thì cần tới 1.600 tỷ đồng cho việc dán tem bia. Việc này sẽ khiến gia tăng chi phí của doanh nghiệp cũng như của xã hội. Vì vậy, ông Dũng đề nghị, nếu tốn kém mà hiệu quả không cao thì cần cân nhắc kỹ.

  Dán tem bia: 1.600 tỷ đồng ai chịu?  
 

Nếu dán tem bia, chi phí sản xuất của Sabeco sẽ đội thêm 800 tỷ đồng/năm. Ảnh: Đức Thanh

 

Chia sẻ băn khoăn này, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó trưởng phòng Marketing, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, dán tem quản lý chỉ phù hợp với bia lon, chứ chưa hợp với bia chai hay bom bia. Lý do là, chai bia được súc rửa lại và quay vòng sử dụng, nên không loại trừ việc người sử dụng sau khi bóc tem bia lại dán vào bên trong chai, gây khó khăn cho việc súc rửa chai.

Đại diện Sabeco cũng cho biết, việc dán tem đòi hỏi phải bỏ thêm chi phí không nhỏ trong việc mua tem, dán tem và nhận diện tem dán. Ngoài ra, còn phải bố trí thêm nhân lực để kiểm soát việc dán tem.

Theo tính toán của Sabeco, với sản lượng 1,36 tỷ lít bia, Tổng công ty sẽ phải bỏ thêm khoảng 800 tỷ đồng cho dán tem, cao hơn cả chi phí marketing trong 1 năm.

Trước đó, trong kiến nghị gửi Bộ Công thương, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cũng cho rằng, tên của Đề án là Nâng cao năng lực quản lý của nhà nước với hoạt động sản xuất - kinh doanh bia, nhưng lại mới chỉ tập trung vào biện pháp dán tem thuế. Ngoài ra, chưa có đánh giá và so sánh giữa lợi ích thu được và thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp khi thực hiện việc dán tem.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay, hiện chưa biết giá tem bia là bao nhiêu và có thể sẽ không dừng lại ở mức 160 đồng/tem như trình bày, mà có thể là trên 200 đồng/tem vì còn phải chịu thuế.

Chia sẻ mối lo lắng này của doanh nghiệp, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho hay, việc dán tem bia sẽ tốn thêm 1.600 tỷ đồng và chi phí này chưa rõ ai phải chịu, bởi doanh nghiệp không muốn chịu thêm chi phí. Ngoài ra, vị này cũng cho biết, trên thế giới, chưa có nước nào dán tem bia, nên việc này cần cân nhắc. Đó là chưa kể, công tác kiểm soát tem dán cũng rất vất vả. Bên cạnh lo ngại về chi phí tăng, các giải pháp kỹ thuật được đưa ra cũng cho thấy, việc dán tem bia không dễ dàng như cơ quan quản lý và đơn vị bán thiết bị mong muốn.

Ông Vũ Văn Dũng cho hay, tốc độ dây chuyền đóng chai bia và dây chuyền dán tem theo trình bày có sự vênh đáng kể và không hợp lý trong hoạt động sản xuất. Cụ thể, dây chuyền đóng chai hiện hoạt động với công suất 50.000 - 60.000 chai/giờ, trong khi dán tem chỉ đạt khoảng 6.000 tem/giờ.

Với những bất cập như vậy, đại diện Sabeco khuyến nghị: “Để quản lý chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất bài bản đều có hệ thống mã vạch, mã số và lưu hồ sơ quản lý từng chai bia theo ngày, theo lô sản xuất. Vì vậy, nên xem xét giải pháp về mã vạch, vì các thông số sản phẩm được đưa vào đầy đủ, truy xuất thông tin qua điện thoại thông minh, máy tính bảng dễ dàng và chính xác, thay vì dán tem mà chưa chắc chắn có quản lý được không”, vị này nói.

Phía Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cũng cho hay, hiện 80% sản lượng bia trên thị trường do 4 nhà sản xuất cung cấp, gồm: Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Các đơn vị này đều đầu tư máy móc, dây chuyền bài bản và đóng thuế nghiêm chỉnh. Nay nếu vì 20% sản lượng bia của các nhà máy địa phương, bia cỏ chưa quản lý được mà nghĩ cách làm chặt, thì vẫn là các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chịu thiệt, bởi chi phí bị đội lên, trong khi hiệu quả chưa thấy rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư