Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dán tem rượu sản xuất trong nước: Điệp vụ bất khả thi
Quang Hưng - 30/12/2013 12:55
 
Nghị định 94/2012/NĐ - CP ban hành ngày 12/11/2012 quy định rượu sản xuất trong nước phải dán tem từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, mãi đến gần đây, Bộ Tài chính mới có thông tư hướng dẫn, nên các doanh nghiệp kinh doanh rượu trở tay không kịp. Rượu nếp 29 Hà Nội có lượng methanol cao gấp 2.000 lần
TIN LIÊN QUAN

Thông tư số 160/2013/TT - BTC của Bộ Tài chính về việc “hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước” ban hành ngày 14/11/2013, thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu đã sẵn sàng lượng hàng để đưa ra thị trường tiêu thụ vào dịp Tết Giáp Ngọ.

 rượu sản xuất trong nước phải dán tem
Rượu sản xuất trong nước phải dán tem từ ngày 1/1/2014

Trong đó, Điều 10, Chương IV của Thông tư quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại các sản phẩm rượu phải kiểm kê, lập bảng kê sản phẩm rượu còn tồn đến ngày 15/12/2013.

Bảng kê đối với sản phẩm rượu còn tồn đến ngày 15/12/2013 phải được cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xác nhận và gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ ngày 1/12/2013 và chậm nhất là ngày 15/12/2013.

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp căn cứ bảng kê sản phẩm rượu tồn đến ngày này có xác nhận của cơ quan quản lý thị trường cùng cấp để bán tem cho các tổ chức, cá nhân tự dán”.

Bình luận về quy định này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) cho biết, chủ trương dán tem cho rượu tiêu thụ trong nước là cần thiết, song việc yêu cầu nhà sản xuất dán tem sản phẩm chỉ sau khi Thông tư 160/2013/TT - BTC ban hành hơn 1 tháng là rất khó thực hiện.

“Việc phải kiểm kê hàng tồn kho đến ngày 15/12/2013 có xác nhận của cơ quan quản lý thị trường và gửi cơ quan thuế từ ngày 1/12/2013 và chậm nhất là ngày 15/12/2013 vô hình trung đã đưa các doanh nghiệp kinh doanh vào thế vi phạm. Lý do là, Thông tư được ban hành vào ngày 14/11/2013, nhưng đến ngày 25/12, Công ty và hệ thống đại lý vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hoặc thông báo cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân để triển khai”, bà Ngọc phàn nàn.

Một đơn vị khác tham gia kinh doanh mặt hàng rượu cồn trong nước là Công ty cổ phần Hương Vang cũng có phản ứng mạnh về vấn đề này. Bà Hoàng Thị Thu Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Hương Vang cho biết, hiện tại là thời điểm tập kết hàng cho Tết Nguyên đán, lượng hàng lưu kho ở các đại lý có số lượng rất lớn, việc bóc niêm phong, dán lại tem làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

“Chưa kể tới phương tiện dán tem, doanh nghiệp phải đặt từ nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam, hiệu chỉnh đồng bộ với dây chuyền sản xuất phải mất ít nhất từ 3 đến 4 tháng. Sau đó, doanh nghiệp sẽ mất thêm 1- 2 tuần chạy thử, hoàn thiện chất lượng tem dán..., mới có thể đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Giang nói và cho biết, việc triển khai dán tem cho rượu sản xuất trong nước là gấp gáp và bất cập.

Một trong số đó là cơ quan thuế hiện không cung cấp đủ số lượng tem theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty cổ phần Hương Vang đặt 3 triệu tem cho sản lượng rượu 1 tháng, nhưng cơ quan thuế mới chỉ có thể cung cấp 160.000 tem. Đồng thời, với sản lượng rượu lên đến 100.000 chai rượu/ngày của đơn vị này, việc dán tem bằng tay theo yêu cầu của cơ quan chức năng là... “nhiệm vụ bất khả thi”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát (VBA) cho biết, đến thời điểm này, VBA đã nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh rượu trong nước về Thông tư 160/2013/TT - BTC của Bộ Tài chính. Quan điểm của Hiệp hội về vấn đề chuẩn hoá tem nhãn là hết sức cần thiết và làm càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, cơ quan thuế, quản lý thị trường phải hướng dẫn sớm cho các doanh nghiệp để họ có thời gian kịp chuẩn bị, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

“Đây là thời điểm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, lượng hàng dự trữ tồn kho sẽ lớn chính, vì vậy, để dán tem hết số lượng hàng tồn kho đã đóng niêm phong thành phẩm phải mất từ 30 đến 35 ngày, không kịp theo tiến độ áp dụng thực hiện của Thông tư, làm ảnh hưởng đến lượng hàng bán ra của nhà sản xuất, kinh doanh. Từ thực tế đơn kiến nghị của các doanh nghiệp trong Hiệp hội, VBA kiến nghị, nên giãn thời hạn thực hiện Thông tư đến hết quý I/2014”, ông Việt nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư