Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dáng hình Tổ quốc qua nét khắc của Trần Nguyên Đán
Đức Hạnh - 21/03/2016 16:23
 
Tối nay (21/3), “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đây là triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm quý trong bộ sưu tập tranh khắc gỗ và mộc bản Trần Nguyên Đán của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa.
Hồ Gươm - Dấu ấn Hà Hội, 1989
Hồ Gươm - Dấu ấn Hà Hội, 1989

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941, quê ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông được coi là “cây đa” trong lĩnh vực nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ Việt Nam và dành cả cuộc đời để thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu, đề tài.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bà cảm thấy tự hào khi số lượng tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán chiếm phần lớn trong bộ sưu tập tranh của mình. Bà tâm sự: “Họa sĩ Trần Nguyên Đán là một cái tên nổi bật cũng như có vị trí trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và còn là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại. Ông là thế hệ áp sau thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Đây là họa sĩ đầu tiên tôi sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi họa sĩ còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những sáng tác gần đây của ông”.

Được biết, những tác phẩm tranh khắc gỗ và mộc bản đều là kết quả làm việc và sáng tác nghệ thuật miệt mài của họa sĩ Trần Nguyên Đán trong 45 năm (từ 1970 – 2015). Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, lúc đầu khi được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đề nghị làm triển lãm, ông cũng ngại, không muốn xuất hiện. Tuy vậy, vì sự nhiệt tình của nhà sưu tập, họa sĩ đã đồng ý và sẽ xuất hiện tại sự kiện sắp tới, cũng là dịp đánh dấu sự nghiệp hội họa ở tuổi 75 của mình.

Hà Nội trong mắt tôi, 2011. Việt Nam hiện lên qua con mắt nghệ thuật của Trần Nguyên Đán vừa dung dị, thân thương lại gần gũi.
Hà Nội trong mắt tôi, 2011. Việt Nam hiện lên qua con mắt nghệ thuật của Trần Nguyên Đán vừa dung dị, thân thương lại gần gũi.

Nguyễn Thị Thu Hòa là một trong số ít những nhà sưu tập tư nhân ở Việt Nam sưu tập tranh theo chủ đề trọn vẹn hay những tác phẩm ghi dấu chặng đường sáng tác của họa sĩ để hình thành những bộ sưu tập trọn đời. Bà Hòa chia sẻ: “Có được nhiều tranh của ông, đó cũng là cái "duyên" vì không phải họa sĩ nào ở tầm tuổi ấy cũng lưu giữ được những bức từ hồi còn trẻ.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa từng ca ngợi về họa sĩ Trần Nguyên Đán như sau: “Với rất nhiều giải thưởng đã giành được, Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ, bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”.

Triển lãm "Từ nét khắc truyền thống đến hiện đại" là triển lãm thứ 2 do Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội (bà Nguyễn Thị Thu Hòa làm Giám đốc) đứng ra tổ chức, sau triển lãm “Nét xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” hồi tháng 1 vừa qua.

Tái hiện Hà Nội xưa qua chương trình “Ký ức Hà Nội”
Ngày 30/12/2015, tại Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội khai mạc chương trình “Ký...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư