Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Đánh giá đúng để xử lý hành vi "không đúng quy định" trong chống dịch
Nguyễn Lê - 17/10/2022 20:42
 
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, chống dịch Covid-19 là vấn đề chưa có tiền lệ, cần nhìn đúng bản chất để ứng xử với những người làm chưa đúng quy định.
.
Quang cảnh cuộc họp báo.

Chiều 17/10, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, ông Mai nhận được câu hỏi từ báo chí: thẩm tra báo cáo tổng kết Nghị quyết 30 về các biện pháp đặc thù, đặc biệt trong phòng chống dịch, Ủy ban Xã hội có nêu nhận định: chúng ta đang xử lý các biện pháp trong tình huống cấp bách, đặc thù bằng những quy định bình thường gây hoang mang cho cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, nhân viên y tế. Vậy  quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Phó chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai cho biết vừa qua, Ủy ban Xã hội đã kiến nghị có cơ chế riêng, xem xét việc xử lý vi phạm trong giai đoạn cấp bách chống dịch. Việc này xuất phát từ "thực tiễn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 tại các địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người trực tiếp chống dịch", ông nhấn mạnh.

Theo đại biểu Mai, trong hoàn cảnh "chống dịch như chống giặc", tình huống rất cách bách thì nhiều việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi, nên quá trình thực hiện sẽ không theo đúng quy định của pháp luật, như việc mua sắm vật tư, thiết bị, sinh phẩm, "miễn có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch".

Chống dịch Covid-19 là vấn đề chưa từng có tiền lệ, cơ quan chức năng cũng nhận thức được cần có quy định để xử lý người có liên quan, trong khi cũng chưa có các quy định cho phù hợp đối với vấn đề này.

"Chính vì thế mà Ủy ban Xã hội kiến nghị khi xử lý vi phạm cần xác định đúng bản chất, đúng hoàn cảnh, trong đó quan trọng nhất là xác định có mục đích cá nhân không, để chúng ta ứng xử với những người mà làm những việc không đúng quy định của pháp luật - tôi không nói những người vi phạm" - ông Mai nói rõ.

Theo ông, việc này giúp động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, đồng thời nếu sau này có đợt dịch tiếp theo thì những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "việc có lợi cho dân thì phải hết sức làm", ông nói thêm.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo của Chính phủ đã có tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 30, tuy nhiên, ông Mai cho rằng cần đánh giá sâu sắc hơn nữa, bổ sung thông tin, số liệu liên quan và các kiến nghị phải có giải trình rất cặn kẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết để trình ra để kỳ họp tiếp theo, có thể là kỳ họp bất thường cuối năm, lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức về đề xuất cân nhắc hoàn cảnh vi phạm pháp luật để xử lý cho phù hợp.

Rút ngắn đáng kể thời gian làm việc

Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022.

Ông Phạm Thái Hà thông tin, đây là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.

"Mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần cải tiến, đổi mới, sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên thời gian kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc, trong đó có 2 ngày thứ Bảy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng" (so với kỳ họp của những khóa Quốc hội trước thường có thời gian họp khoảng hơn 1 tháng) - ông Hà so sánh.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án Luật khác.

Các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự).

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 cũng được xem xét tại kỳ họp.

Nghị trình còn có xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Chính phủ muốn được tiếp tục "đặc cách, đặc thù, đặc biệt" trong chống dịch
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư