Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đánh thuế tài sản với ô tô trên 1,5 tỷ đồng: Có lo thuế chồng thuế?
Xuân Dũng (TTXVN/Vietnam+) - 20/04/2018 06:46
 
Không chỉ nhà và đất, ô tô, du thuyền, tàu bay từ 1,5 tỷ đồng cũng trong danh sách có thể bị đánh thuế tài sản.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người không thể lý giải là cơ sở nào để ngưỡng chịu thuế là 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể, liệu có tình trạng “thuế chồng thuế” khi để sở hữu một chiếc xe, người dùng vốn đã phải nộp rất nhiều khoản thuế, phí khác nhau?

Cơ sở nào để tính 1,5 tỷ đồng?

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, những loại tài sản trên có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng hoặc sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách mới trong danh sách miễn thuế.

Về giá tính thuế với các tài sản trên, dự thảo của Bộ Tài chính cho rằng, đối với tàu bay, du thuyền, ô tô mới, giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định. Bên cạnh đề xuất đánh thuế, cơ quan chức năng cũng đề cập tới phương án thứ 2 là không đánh thuế với những tài sản trên. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính không bày tỏ nghiêng về phương án nào.

Chưa tính tới tàu bay, du thuyền vì theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp, 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.

Tuy nhiên, với ô tô, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi như cách nói của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, hiện đây là mặt hàng đã bị áp dụng nhiều thứ thuế.

Nói kỹ hơn về trường hợp bản thân mình, anh Hoàng Thắng, làm việc tại một công ty trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên khẳng định, người dùng như anh phải gánh nhiều khoản thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, một loạt khoản chi phí khác phải kể tới là lệ phí trước bạ, đăng kiểm, lệ phí đăng ký xe mới, đăng ký biển số…

Với từng ấy khoản thuế, phí, một chiếc xe mua tại Việt Nam, theo anh Thắng, đã đội thêm giá cả trăm triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa, người dân Việt Nam vốn thu nhập là thấp so với nhiều nước nhưng muốn sở hữu ô tô sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn so với nhiều nước khác.

Bởi vậy, anh cũng tỏ ra bức xúc về thông tin, cơ quan chức năng đề xuất đánh thêm một khoản thuế là thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng.

“Đương nhiên, để có tiền tỷ mua xe thì chứng tỏ thu nhập của người dùng là cao. Tuy nhiên, khi người dân đã thực hiện hết các nghĩa vụ thuế hiện tại để được sử dụng xe cho nhu cầu công việc, cuộc sống thì nay bỗng lại thêm một khoản thuế mới, không theo một cơ sở nào,” anh Thắng nói.

Xem lại khái niệm

Có cái nhìn khách quan, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì cho rằng, nếu người dân sở hữu tài sản có quy mô lớn, có yếu tố xã hội không khuyến khích thì cũng cần chịu thuế.

Tuy nhiên, riêng với ô tô, ông Cường đánh giá, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc giữa các loại thuế khác nhau vì hiện đã có thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Nếu ta cho ô tô là mặt hàng xa xỉ, không phải loại phổ biến thì ta áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tốt hơn là tính vào thuế tài sản,” ông Cường lên tiếng.

Thậm chí, theo ông, việc đánh thêm thuế tài sản với ô tô có thể khiến nhiều người lo về tình trạng “thuế chồng thuế.”

Góp ý thêm, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, mức độ thế nào là ngưỡng phải chịu thuế cần có lý giải công bằng. Ông đặt ra câu hỏi, vì sao ngưỡng chịu thuế với nhà ở là 700 triệu đồng nhưng ô tô lại là 1,5 tỷ đồng.

Theo ông, nếu coi đây đều là tài sản lớn phải chịu thuế thì rõ ràng cần có một mức chung. Từ đó, ông góp ý, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thế nào là tài sản lớn để mọi người cùng hiểu một cách đầy đủ.

Ở hướng khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì lại thắc mắc về việc một chiếc ô tô sau một số năm sử dụng sẽ không còn giá trị như ban đầu. Ông cho rằng, cần tính khấu hao tài sản, không thể duy trì một mức giá với tài sản từ năm này qua năm khác để từ đó tính thuế.

Báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra, theo kinh nghiệm quốc tế, hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện trong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền.
Đánh thuế nhà đất đối với phần giá trị vượt 700 triệu đồng: "Một đề xuất nguy hiểm"
Đa phần ý kiến không ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự án Luật Thuế tài sản về việc đánh thuế với mọi chủ sở hữu nhà đất,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư