Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dấu ấn lợi nhuận tỷ đô của Vietcombank năm 2019 chưa gồm thương vụ khủng với FWD
Thanh Thủy - 22/01/2020 10:48
 
Như ước tính sơ bộ trước đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã cán đích, thậm chí vượt 10% so với kế hoạch tham vọng 20.000 tỷ đồng đề ra đầu năm. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2019 – 2020 vẫn chưa ghi nhận thêm bước tiến mới.

Lợi nhuận sau thuế lần đầu đạt mức 1 tỷ USD, chưa gồm thương vụ khủng

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 23.122 tỷ đồng, không biến động nhiều so với ước tính sơ bộ được ngân hàng này công bố trước đó.

Giới đầu tư từng kỳ vọng Vietcombank có thể ghi nhận khoản lãi lớn từ thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền dài hạn giữa Tập đoàn FWD đến từ Hồng Kông với ngân hàng. Tuy nhiên, giao dịch này vẫn chưa được ghi nhận. Theo một phần của thỏa thuận, FWD sẽ mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif, là liên doanh giữa Vietcombank và tập đoàn tài chính BNP Paribas Cardif. HĐQT của ngân hàng đã thông qua chủ trương thoái vốn nhưng toàn bộ phần vốn góp tại Vietcombank Cardif hiện vẫn thuộc sở hữu của ngân hàng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ, thu nhập khác trong kỳ cũng đều không ghi nhận khoản đột biến nào.

Trong khi quý IV/2018, ngân hàng lãi gần 1.560 tỷ đồng từ bán cổ phần, khoản lãi đột biến này không còn trong năm nay khiến lợi nhuận của nhà băng này giảm 16% so với cùng kỳ. Nhưng bù lại, các mảng kinh doanh cốt lõi đều tăng trưởng.

Ngoài thu nhập lãi và thu nhập từ dịch vụ tiếp tục tăng lần lượt 22% và 27%, mảng kinh doanh ngoại hối cả năm 2019 thu về 3.378 tỷ đồng, cao gấp rưỡi năm trước. Ngân hàng cho biết doanh số mua bán ngoại tệ năm nay đã tăng mạnh. Với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt 26,5%, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu cũng tăng từ 3.584 đồng lên 5.003 đồng.

“Dư dả” nguồn cho kế hoạch chia thưởng cổ phiếu

Đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động và cho vay khách hàng lần lượt đạt 15,8% và 16,2%. Ngoài tiền gửi dân cư, Vietcombank cũng đang nhận gần 89.300 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. So với thời điểm đầu năm, số dư tiền gửi không thay đổi nhiều nhưng cơ cấu đã lệch sang nhóm tiền gửi có kỳ hạn.

Lợi nhuận chưa phân phối cuối xấp xỉ 33.670 tỷ đồng, gần ngang ngửa mức vốn điều lệ 37.088 tỷ đồng hiện tại của Vietcombank. Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức năm ngoài, ngoài kế hoạch tham vọng duy trì đà tăng trưởng từ một mức nền cào, ngân hàng này còn được thông qua phương án tăng vốn giai đoạn 2019 – 2020.

Quy mô vốn điều lệ sau các đợt tăng vốn này  dự kiến tối đa gần 55.300 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank dự kiến tăng vốn thêm 14.835 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%. Với quy mô lợi nhuận chưa phân phối cuối trên, Vietcombank “dư dả” nguồn cho phương án này.

Ngoài ra, ngân hàng dự kiến chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương 337,5 triệu cổ phiếu. Giá phát hành sẽ theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phương án tăng vốn giai đoạn 2019-2020 sẽ chỉ còn một năm tới để thực hiện. Lần tăng vốn gần nhất của Vietcombank được thực hiện vào đầu tháng 1/2019 sau khi phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB cho GIC - quỹ đầu tư quốc gia Singapore và Mizuho Bank. Giá giao dịch bình quân khi đó là 55.800 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu VCB hiện tăng nhanh trong một năm qua, hiện đang giao dịch ở mức 93.700 đồng/cổ phiếu.

Vietcombank đặt mục tiêu hơn 26.600 tỷ đồng lợi nhuận năm 2020, mong được tăng tín dụng trên 14%
Sáng 10/1, Ngân hàng TMCP Vietcombank tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020. Theo đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư