Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dấu ấn ngày hội đầu tư xứ Nghệ
Kiều An - 20/02/2016 08:30
 
Với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó, hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm được xem là ngày hội đầu tư.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước hiện nay (16.499,03 km2), địa hình tự nhiên rất phong phú, với vùng biển bao la, núi rừng rộng lớn, cùng nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn và các loài sinh vật đa dạng. Cùng với đó, xứ Nghệ còn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hoá thế giới; là điểm khởi đầu của “Con đường Di sản miền Trung”, với nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh và vùng sinh thái đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn.

Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Masan MB có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ  đồng tại Nghệ An
Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Masan MB có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng tại Nghệ An

Giai đoạn 2010 - 2015 đánh dấu nhiều chuyển biến thực sự rõ nét và khởi sắc trong thu hút đầu tư, với 560 dự án, tổng vốn đăng ký gần 150.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 162 dự án, với tổng vốn đăng ký 85.864 tỷ đồng.

Đóng góp vào thành công này có phần không nhỏ của việc đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư và công tác đối ngoại của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, vào dịp đầu Xuân, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng tổ chức Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư, nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cùng những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn.

Từ đó đến nay, dịp này đã trở thành ngày hội đầu tư của tỉnh, để rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc song hành cùng các nhà đầu tư, từng bước đưa Nghệ An dần trở thành địa chỉ đỏ hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến phát huy hiệu quả các chiến lược kinh doanh của mình.

Tại 7 kỳ tổ chức Hội nghị vừa qua, đã 51 dự án đầu tư được ký kết với tổng vốn đăng ký trên 67.508 tỷ đồng, trong đó có 43 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký là 52.864 tỷ đồng) và 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký 157,7 triệu USD, tương đương 3.470 tỷ đồng); đồng thời trao giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký 20.511 tỷ đồng.

Trong số các nhà đầu tư lớn có thương hiệu với các dự án đang triển khai trên địa bàn, có thể kể đến chuỗi dự án do Ngân hàng Bắc Á tài trợ tín dụng và tư vấn đầu tư, với 21 dự án (65.697 tỷ đồng). Trong đó, có 3 dự án đã đi vào hoạt động, gồm: Dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung TH (1,2 tỷ USD), Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính (2.423 tỷ đồng), Dự án Nhà máy gỗ Nghệ An (1.896 tỷ đồng). Bên cạnh đó là 18 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư, như Dự án Xi măng Tân Thắng (4.999 tỷ đồng), Nhà máy xử lý phân bò (756 tỷ đồng), Vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ (1.211 tỷ đồng)...

Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh: Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An 1 (2.300 tỷ đồng) và Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An 2 (5.000 tỷ đồng).

Tập đoàn Masan đã thực hiện Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Bắc tại Nghệ An (1.200 tỷ đồng), với diện tích 6,3 ha, công suất thiết kế 600 triệu gói mì ăn liền và 120 triệu lít nước mắm mỗi năm. Ngoài ra, Masan đang triển khai 2 dự án khác tại Nghệ An, đó là nhà máy thức ăn gia súc và trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn.

Liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty Becamex Bình Dương đã đầu tư Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 15,2 triệu USD, trên diện tích 750 ha tại Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Dự án khởi công vào tháng 9/2015, đến nay đã kêu gọi được 10 nhà đầu tư, đang triển khai san lấp mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư. Tổ hợp được đánh giá là dự án động lực của tỉnh, mở ra cơ hội thu hút trên 50 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Nghệ An, tạo thêm hàng chục ngàn việc làm cho lao động địa phương, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh.

Cùng với các dự án lớn trong nước, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có các dự án hiện diện trên địa bàn, như Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam với vốn đầu tư 630 tỷ đồng do Tập đoàn BSE Hàn Quốc đầu tư, dự kiến đến tháng 3/2013 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn I; 4 dự án sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc (Samsung Vina, Haivina, MLB Tenergy và Prex Vinh) đã đi vào hoạt động...

Bên cạnh đó, tại các kỳ Hội nghị Gặp mặt đầu Xuân, các thỏa thuận cung ứng tín dụng giữa BIDV với doanh nghiệp có dự án trên địa bàn cũng được triển khai ký kết, tạo động lực thúc đẩy các dự án triển khai kịp thời, mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư. Từ năm 2009 đến năm 2015, BIDV đã ký kết 39 thỏa thuận cam kết thu xếp, cung ứng tín dụng và các dịch vụ khách hàng cho 39 dự án với tổng mức tín dụng cam kết 11.792 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2015, BIDV đã giải ngân số vốn 5.096 tỷ đồng, ước tổng dư nợ đến hết ngày 31/12/2015 là 4.818 tỷ đồng.

Song hành cùng các dự án đầu tư, tại Hội nghị, các chương trình, dự án hỗ trợ an sinh xã hội cũng được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Tính đến nay đã có 190,5 tỷ đồng được hỗ trợ triển khai các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, BIDV đã hỗ trợ 58 chương trình (98,0 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (70 tỷ đồng); Tổng công ty Xi măng Việt Nam (8,5 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện hỗ trợ xóa 1.747 ngôi nhà tạm tại 13 xã của huyện Quế Phong (12 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ xây mới 4 trạm xá, 3 trường học và 1 cây cầu tại huyện Tương Dương (17 tỷ đồng)…

Trước những thời cơ, vận hội mới của năm 2016 và những năm tiếp theo, cả hệ thống chính trị của tỉnh Nghệ An đang tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Nghệ An xác định, một trong những giải pháp quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vấn đề mang tính chìa khóa của địa phương sẽ là các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bổ sung và ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cùng đồng hành với doanh nghiệp, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành địa chỉ hấp dẫn, an toàn và hiệu quả cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nghệ An khởi sắc trong thu hút đầu tư
Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu nhiều chuyển biến thực sự rõ nét và khởi sắc trong công tác thu hút đầu tư của Nghệ An, với 560 dự án đầu tư,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư