Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Đau đầu” với phương án nhân sự ngành du lịch
Thanh Nga - 18/03/2020 16:42
 
Nỗ lực cải thiện tình hình kinh doanh, nhưng không ít doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội đã phải cho nhân viên nghỉ thay phiên, nghỉ việc tạm thời, giảm giờ làm và thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
.
Việc không có khách, bị hủy tour đang tác động trực tiếp đến từng doanh nghiệp và người lao động.

Người nghỉ tạm thời, người tìm việc khác

Trong dòng người xếp hàng tại điểm tiếp nhận giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của TP. Hà Nội (số 215 - phố Trung Kính, Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Thanh Hiền, nhân viên lễ tân của một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng mới nhận quyết định nghỉ việc, đeo khẩu trang kín, chờ đến lượt làm thủ tục. Dù trong thời điểm dịch bệnh hiện nay không nên đến nơi đông người, nhưng nếu không làm hồ sơ, chị Hiền sẽ không thể nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.

“Trong lúc chưa tìm được công việc mới, tôi vẫn phải chi phí cho sinh hoạt, trả tiền thuê trọ, điện nước…, nên khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp rất có giá trị, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”, chị Hiền chia sẻ.

Chưa phải nghỉ việc hẳn như chị Hiền, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nam Định) được công ty thông báo nghỉ việc tạm thời trong 3 tháng cũng mang tâm trạng lo lắng khi trở về dãy nhà trọ nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội).

Chị Hoa làm việc tại một doanh nghiệp lữ hành tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chuyên khai thác tour châu Á, thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Dịch Covid -19 khiến Công ty gặp quá nhiều khó khăn và phải tạm đóng cửa. Được hỗ trợ một số tiền nhỏ, chị tính tạm thời về quê phụ giúp cha mẹ buôn bán, rồi tranh thủ đăng ký học online một lớp ngoại ngữ/kỹ năng, chờ khi hết dịch sẽ trở lại thành phố làm việc.

Cũng nhận thông báo nghỉ việc tạm thời, nhưng Lê Mai (quê Thanh Hóa, làm việc tại Công ty Lữ hành Win Win Travel ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), lại nhanh chóng chuyển sang làm việc cho một công ty bảo hiểm nhân thọ. Mai chia sẻ, công việc mới tạo ra thu nhập, dù không nhiều, nhưng cũng giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và có thể sẽ là công việc part-time (bán thời gian) sau này.  

Cần tính toán hợp lý

Mới đây, chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel tại Hà Nội, sau hơn 2 tháng nỗ lực cải thiện tình hình kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng không đạt hiệu quả, đã buộc phải thông báo cho nhân viên 2 phương án lựa chọn: nếu tự nguyện nghỉ việc, Khách sạn sẽ trợ cấp 6 triệu đồng trong 4 tháng; nếu đi làm đủ 18 ngày công/tháng, sẽ nhận 4 triệu đồng/tháng, không phân biệt chức vụ, công việc.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi Hanoi Emerald Waters Hotel xác nhận, Công ty không có doanh thu nhiều tháng nay. “3 tháng qua, mỗi tháng, chúng tôi phải bù lỗ khoảng 7 tỷ đồng chi phí. Nếu tiếp tục mở cửa mà không có khách, thiệt hại sẽ còn lớn hơn”, bà Hằng nói.

Tại Vietfoot Travel - đơn vị chủ yếu khai thác tour châu Á, tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, doanh nghiệp có 30 nhân sự và cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Toàn bộ tour đi Trung Quốc bị hủy, tiếp đó là các tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Không có doanh thu, tiền đặt cọc với các hãng hàng không cũng không thể lấy lại. Công ty phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên.

Thống kê sơ bộ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, trong 2 tháng qua, đã có trên 9.000 lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm vì doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có trên 1.000 lao động (13%) thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch. Có thể nói, thiệt hại đối với ngành du lịch Việt Nam đang hiển hiện.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, giải pháp để tháo gỡ khó khăn lúc này là đẩy mạnh du lịch nội địa, chú trọng khai thác các thị trường du lịch không nằm trong vùng dịch… Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn…; dành thời gian này để chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0...

“Việc không có khách, bị hủy tour đang tác động trực tiếp đến từng doanh nghiệp và người lao động. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán hợp lý để giãn ngày nghỉ bù, nghỉ phép cho nhân viên. Các doanh nghiệp nên tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở lớp đào tạo cho cán bộ, nhân viên... để nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng cho mùa du lịch sau khi hết dịch’’, ông Thắng nói.

Đối với nhân sự ngành du lịch, thời điểm khủng hoảng hiện nay cũng là một “phép thử” về khả năng thích ứng, lòng yêu nghề, sự quyết tâm vượt qua khó khăn để theo đuổi công việc mà mình đã gắn bó. Dành thời gian này để học tập để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ; tìm kiếm cơ hội ở một lĩnh vực mới, hoặc lùi lại để chuẩn bị năng lượng, chờ đón cơ hội…, mỗi người có thể có những lựa chọn khác nhau, nhưng điều cần làm nhất hiện nay là chung tay phòng, chống để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Thống kê của ngành du lịch, cả nước có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động).

Theo ước tính ban đầu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%; ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.
Từ 12/3, Quảng Ninh tạm dừng đón khách tham quan du lịch
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh quyết định tạm dừng đón khách tham quan các di tích, danh thắng, điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư