Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Đâu là kênh đầu tư nóng nhất cuối năm 2023
T.L - 15/10/2023 10:38
 
Vàng vẫn có thể có sóng cuối năm, cổ phiếu ngân hàng nhiều triển vọng, lãi suất tiếp tục hạ thêm, kênh đầu tư nào nóng cuối năm nay và đầu năm tới... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Giá vàng còn có “sóng” tăng cuối năm

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam cho rằng, tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất USD trong năm tới sẽ là cơ hội tạo “sóng” cho thị trường vàng.

Tình hình địa chính trị trên thế giới tác động lên giá vàng. Cuộc xung đột ở Trung Đông là động lực tăng trưởng quan trọng đối với vàng, bởi vàng là tài sản được xem như nơi lưu trữ giá trị an toàn trước những bất ổn về kinh tế và chính trị. Xung đột Israel - Hamas làm tăng thêm mối lo ngại về kinh tế toàn cầu, nên dòng vốn có thể đổ xô vào nơi an toàn, trong đó có vàng.

Thêm vào đó, cầu vàng thế giới tăng do người dân mua sắm trong dịp cận lễ, Tết cuối năm... cũng sẽ tác động lên giá mặt hàng kim loại quý này, nhất là trong quý IV/2023. Thường giá vàng trong tháng 11 và đầu tháng 12 cao hơn các tháng khác trong năm.

Nếu tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá vàng có thể tái chạm đỉnh trong năm và không loại trừ chạm mốc 1.900 - 2.000 USD/ounce vào cuối năm. Thực tế lâu nay cho thấy, tình hình địa chính trị trên thế giới căng thẳng sẽ tác động tích cực lên giá mặt hàng vàng. Không chỉ căng thẳng địa chính trị từ xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông, mà vàng còn chịu tác động từ một số yếu tố khác, như lộ trình tăng lãi suất của Fed, lạm phát...

Vàng biến động theo lãi suất của Fed, nhưng cũng còn phụ thuộc vào tình hình chính trị toàn cầu và lạm phát trên thế giới. Mặc dù lạm phát của Mỹ đã phần nào được kiểm soát, nhưng còn ở mức cao. Đồng thời, nếu lạm phát kiểm soát xuống mức thấp sẽ có nguy cơ xuất hiện tình trạng suy thoái. Khi đó, giới đầu tư, nhà đầu cơ và cả ngân hàng trung ương thế giới sẽ tìm đến “hầm trú ẩn an toàn” là vàng.

Khi giá vàng quốc tế tăng sẽ kéo theo giá vàng trong nước tăng, song một hiện tượng đáng chú ý là giá vàng SJC trong nước tăng quá cao, do khan hiếm nguồn cung.

Theo các dự báo, nhiều khả năng, Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất USD vào tháng 11/2023, rồi dừng lộ trình tăng lãi suất, kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, sau đó, không loại trừ khả năng lãi suất sẽ giảm trở lại khi lạm phát đi xuống. Điều này sẽ có lợi cho giá vàng, vì nếu Fed giảm lãi suất, thì sức khỏe USD sẽ giảm.

Giá vàng thế giới hiện chịu tác động của chính sách tiền tệ của Fed, thêm vào đó là tình hình địa chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp ở Trung Đông. Nếu tình hình địa chính trị còn phức tạp, thì khả năng giá vàng còn có “sóng” tăng cuối năm.

Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua khoảng 700 tấn, so với con số 1.200 tấn vàng mua vào trong cả năm 2022. Điều này cho thấy, các ngân hàng trung ương trên thế giới muốn phòng thủ, dự trừ trường hợp xấu khi xảy ra chiến tranh, các đồng tiền xáo trộn, thì vàng được xem dự trữ tốt nhất, nên nhu cầu về vàng luôn tăng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng cao.

Giá vàng trong nước hiện chênh lệch với giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng, có thời điểm lên gần 20 triệu đồng/lượng, do sự độc quyền vàng miếng SJC, nên nguồn cung ở thị trường nội địa khan hiếm. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới.

Theo ông Khánh, Nghị định 24/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không còn phù hợp với diễn biến của thị trường hiện nay. Hiệp hội Kinh vàng Việt Nam cũng mong muốn nghị định này sớm được sửa đổi.

Giá vàng “một mình một chợ” đến bao giờ?

 Đầu tuần này, giá vàng trong nước vọt tăng hơn nửa triệu đồng, tiến sát ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cao nhất từ đầu năm đến nay, dù giá vàng thế giới giảm.  Cùng với đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy lên tới mức 14-15 triệu đồng/lượng tùy từng thời điểm.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng SJC trong nước cao không phản ánh đúng xu hướng giá vàng quốc tế (giảm khá mạnh từ hồi tháng 5 đến nay).

“Giá vàng SJC trong nước tăng cao do từ lâu không được sản xuất, nguồn cung khan hiếm, dẫn tới giá tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới. Ngoài ra, giá USD tăng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng. Tuy nhiên, tỷ giá từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, vàng trong nước tăng chủ yếu do tâm lý”, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định.

Mặc dù cho rằng, giá vàng trong nước mấy ngày qua tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, song chuyên gia này nhận định, giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng, chinh phục trở lại ngưỡng 1.900 - 2.000 USD/oz, tiếp tục thúc đẩy giá vàng trong nước tăng theo.

Theo ông Khánh, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất một lần nữa cuối năm nay, nhưng có thể “đảo chiều” giảm lãi suất vào năm 2024. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất trên thế giới trong quý IV thường gia tăng để phục vụ nhu cầu mua sắm, lễ hội cuối năm.

Các chuyên gia phân tích trên thế giới nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao. Tuần qua, vàng đã chịu một đợt bán tháo mạnh khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007 (do Fed vẫn duy trì lãi suất ở mặt bằng cao).

Theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA - sàn giao dịch ngoại hối được sáng lập tại New York (Mỹ) vào năm 1996, không loại trừ khả năng vàng có thể rơi xuống mức 1.800 USD/ounce. Giá vàng hiện tại hấp dẫn để đầu tư. Dù vậy, riêng với thị trường vàng trong nước, giới chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng vì sự thiếu liên thông với giá vàng thế giới.

Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, các cơn sốt vàng chấm dứt, hiện tượng vàng hóa nền kinh tế giảm mạnh, song tình trạng giá vàng trong nước “một mình một chợ” ngày càng trầm trọng. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.

“Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành hơn 10 năm trước đã phát huy nhiều tác dụng tốt, song cũng trở nên tương đối lỗi thời, cần chỉnh sửa cho phù hợp. Theo tôi, ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm bớt kiểm soát vàng nữ trang. Riêng với vàng miếng SJC, nhiều đơn vị kinh doanh vàng kiến nghị, NHNN cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mà cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng để thị trường trở lại bình thường”, ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị. 

Trong văn bản gửi Quốc hội cuối tuần qua về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, NHNN cũng đã có báo cáo về vấn đề này.

Theo đó, để phục vụ việc tổng kết, đánh giá triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thời gian qua, NHNN đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

NHNN đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước.

Trong tháng 11/2022, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến 63 chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉnh sửa Dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trong tháng 2/2023, NHNN đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (đến cuối tháng 5/2023, NHNN đã nhận được đầy đủ các ý kiến).

Đầu tháng 6/2023, NHNN và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 9/2023, NHNN đã tổ chức Tọa đàm “Chính sách quản lý thị trường vàng”, trong đó có mời đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, đại biểu quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết)”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết

Cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây khi tăng trưởng tín dụng của ngành chậm lại, kết quả kinh doanh khó tăng cao…, nhưng cơ hội đầu tư cổ phiếu vua vẫn rất tiềm năng.

Trong hơn một tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10/2023, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên nhóm cổ phiếu “vua” khi có tới 24/27 mã giảm giá. Trong đó, NVB (Ngân hàng Quốc dân) là mã giảm giá sâu nhất, với mức giảm 9,9%, xuống còn 11.800 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 9/10. Nhiều cổ phiếu khác có mức điều chỉnh giá tương đối lớn như: ABB (ABBank), TPB (TPBank), EIB (Eximbank) giảm trên 5%. Ngay cả cổ phiếu của các ngân hàng có vốn hóa lớn như BID (BIDV), TCB (Techcombank), CTG (VietinBank) cũng có mức giảm từ 4,5 - 5%.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thời gian gần đây là do kết quả kinh doanh quý III/2023 kém khởi sắc, khi tăng trưởng tín dụng khá chậm, do sức hấp thụ vốn yếu.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước được cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.

Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các ngân hàng đang là thông tin được nhà đầu tư quan tâm. Dự kiến trong vài tuần tới, các ngân hàng sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính. Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10-12%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm tốc so với năm 2022, do hoạt động cho vay khó tăng trưởng và nguồn thu phi tín dụng (trong đó phải kể đến nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm) sụt giảm.

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2023 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng. 66,7-72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ trước). Đồng thời, số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh “suy giảm” cũng tăng lên.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Hữu Huân, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực ngân hàng vẫn nổi trội hơn so với các lĩnh vực, ngành nghề khác, nhưng đó mới là “bề nổi giữa tảng băng chìm”. Do đó, trước ý kiến cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện khá thấp và phù hợp để mua, TS. Huân cho rằng, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng không hẳn thấp.

“Giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay phản ánh khó khăn thực tại của ngành”, TS. Huân nói và cho rằng, trước bối cảnh thị trường có khó khăn, thu nhập của ngân hàng giảm, không chỉ tín dụng khó tăng, mà thu ngoài lãi giảm, nhất là đối với mảng bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.

Năm nay, nếu nhà băng nào vẫn đảm bảo được mức tăng trưởng lợi nhuận cao, thì chỉ có thể đem “của để dành” ra sử dụng, tức hoàn nhập dự phòng..., nhưng nội tại có khó khăn thực sự. Trong đó, chất lượng tài sản của ngân hàng - được cho là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để rót vốn, đang đi xuống, do thị trường bất động sản khó khăn, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp yếu, nhưng hy vọng sẽ cải thiện khi kinh tế dần hồi phục.

Ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, lĩnh vực ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu phình to. Tuy nhiên, các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, các ngân hàng Việt đã chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày “bộ đệm” vốn để ứng phó tốt hơn với những cú sốc của nền kinh tế. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đến tháng 7/2023 vẫn duy trì ở mức cao 11,58% (giảm nhẹ so với mức 11,72% cuối năm 2022).

Cùng với đó, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HSX) dự kiến vẫn tích cực hơn các nhóm ngành khác trong năm nay và năm sau, với lợi nhuận trước thuế ước tính tăng trưởng lần lượt 8% so với cùng kỳ và 17% so với cùng kỳ năm trước.

“P/B so sánh giá cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của doanh nghiệp cho năm 2024 của nhóm ngân hàng sẽ về mức hấp dẫn 1.5x-1.6x, thấp hơn từ 15-25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, chúng tôi cho rằng, cơ hội đầu tư ở cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng”, ông Yang cho biết.

Thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần có thể dẫn tới thâu tóm tổ chức tín dụng

NHNN cũng đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng).

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên, cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Sở dĩ sở hữu chéo khó chấm dứt, theo Ngân hàng Nhà nước là do việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, trong khi đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

 Đồng thời, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ  hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.

Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai,  minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, ngân hàng Nhà nước không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, Ngân hàng Nhà nước xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các tổ chức tín dụng đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng…).

Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Có nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

 Dữ liệu kinh tế do Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố ngày 29/9 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng trong quý III/2023 lên 5,33% so với cùng kỳ, từ mức 4,14% so với cùng kỳ trong quý II/2023.

Điều này được hỗ trợ bởi những cải thiện trong hoạt động thương mại và sản lượng của các ngành sản xuất chế tạo cùng với các hoạt động trong nước.Kết quả này gần với mức kỳ vọng của nhiều tổ chức tài chính nước ngoài (5,6%) và cao hơn kết quả cuộc thăm dò của Bloomberg là 5,0%. 

ngân hàng UOB cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,24% so với cùng kỳ, đây là một sự cải thiện so với mức 3,72% của nửa đầu năm 2023, nhưng chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ vào năm 2022.

Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5% là một thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12% và điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.

Mặc dù tăng trưởng đã vững chắc hơn trong quý III/2023, nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, UOB cho biết, đang điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý IV/2023 sẽ tăng thêm 7,0% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%).

Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới. Theo thường lệ, quý IV là quý có kết quả hoạt động tốt nhất trong hầu hết các năm ở Việt Nam, mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị áp lực khi so sánh với số liệu năm 2022 với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ.

Trên cơ sở đó, UOB đang giảm dự báo tăng trưởng khi 3/4 thời gian năm 2023 đã qua. UOB duy trì dự báo năm 2024 ở mức 6,0%.

Các chuyên gia của HSBC cũng đưa ra dự báo, GDP năm 2023 của Việt Nam tăng khoảng 5%, bởi khó có đột phá trong 3 tháng cuối năm. HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 5% và tăng lên 6,3% vào 2024 - mức cao nhất trong số các tổ chức quốc tế đưa ra.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng chi tiêu dè dặt trong vài quý qua, nhưng họ sẽ "sớm tự tin mua sắm trở lại" khi GDP lấy lại đà tăng 6-7%.

Theo HSBC, xuất khẩu và chi tiêu nội địa hồi phục sẽ là hai động lực chính giúp GDP Việt Nam 2024 có thể đạt 6,3%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt trên 31,4 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, giá trị xuất khẩu đạt gần 260 tỷ USD, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022.

Động lực thứ hai cho kinh tế Việt Nam năm sau theo HSBC là chi tiêu nội địa, gồm tiêu dùng và mua sắm Chính phủ, được dự báo tăng. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2022.

Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản trong sáu tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,50%.

Mặc dù UOB vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng đã tăng gần đây khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng những thay đổi về khí hậu/thời tiết.

"Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%", UOB cho hay.

Do đó, dự báo của UOB về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.

Ông Frederic Neumannkinh, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC cũng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, góp phần giúp kinh tế phục hồi lên mức 6,3% vào năm 2024.

Trong khi đó, VnDirect cũng vừa có báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô, với quan điểm thận trọng áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp.

Nhận định được đưa ra từ TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng,  thời gian qua (từ đầu năm đến nay), Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành.

Như vậy, nếu lúc này Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành cũng là một động thái và tín hiệu cho thấy, mong muốn của cơ quan quản lý, còn tác động đối với thị trường sẽ không lớn nếu lãi suất điều hành giảm thêm.

Ngược lại, nếu đeo đuổi chính sách lãi suất thấp thì phải chịu sự mất giá của tiền đồng, tức áp lực tỷ giá sẽ tăng. Đáng chú ý là trong mùa vụ cuối năm cận kề.

Đây là vấn đề mấu chốt. Hướng giải quyết tốt nhất được đề xuất trước bối cảnh thị trường hiện nay là với những chương trình được Chính phủ ưu tiên như: vay mua nhà ở xã hội, hoặc vay đầu tư đối với bất động sản công nghiệp… hy vọng tín dụng tăng.

Còn thực tế chung hiện nay, dù có giảm thêm lãi suất cho vay cầu tín dụng khó tăng mạnh. Ngược lại, nếu giảm lãi suất quá nhanh sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD của Mỹ thì áp lực lên tỷ giá là khó tránh.

Vì thực tế, Việt Nam đã ngược dòng với các nước trên thế giới đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thông qua việc giảm lãi suất. 

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện dần về cuối năm

Tín dụng tăng chậm dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1-3% so với đầu năm nay. Các ngân hàng kỳ vọng, tăng trưởng dư nợ sẽ cải thiện dần về cuối năm.

ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9/2023 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế. Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.

Tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý III mới đạt một nửa kế hoạch năm (14%). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay (mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân), với kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, tăng trưởng tín dụng của ACB có xu hướng hồi phục, đạt 7% tính đến cuối tháng 8/2023 và dự kiến cả năm đạt mục tiêu 12-14%. Dự báo, tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ tăng tốc hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng tại Ngân hàng VIB đến cuối tháng 8/2023 đã đạt 3%, cải thiện so với mức 0,9% vào cuối tháng 6/2023. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm của ngân hàng này dự kiến là 10 - 12%, thấp hơn room được cấp là 14,25%. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, tăng trưởng tín dụng của OCB đến cuối tháng 9/2023 đạt mức 11%. Ngân hàng đang từng bước thực hiện mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng theo hạn mức đã được NHNN cấp đầu năm nay.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tính đến ngày 26/9 đạt 7%, cao hơn bình quân toàn hệ thống. Còn lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cho hay, VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực so với mặt bằng chung thị trường, đạt gần 9%, nhưng vẫn xa so với kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang dần trở lại, chỉ có cầu vốn cho vay mua nhà còn thấp, bởi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và giao dịch trên thị trường chưa sôi động. So với đầu năm nay, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm khá nhiều, nếu tính khuyến mãi thì khoảng 7-8%/năm, còn nếu không thì khoảng 10%/năm - ngang bằng thời kỳ trước dịch Covid-19.

“Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn giảm thêm, song mức giảm sẽ không mạnh so với mấy tháng trước, vì đã giảm sâu”, ông Tùng nói và cho rằng, dù tín dụng khó tăng, song OCB vẫn tăng huy động vốn nhằm chuẩn bị tốt cho thanh khoản để đáp ứng cầu vốn trở lại trong thời điểm cuối năm, khi tình hình kinh tế khởi sắc trở lại và thị trường dần tích cực.

Với hạn mức tín dụng được phê duyệt là 14,5% cho năm nay, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, ngân hàng này sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kèm các gói dịch vụ khác.

Ông Phát cho biết, bên cạnh thế chấp, ACB đang đẩy mạnh cho vay tín chấp, như trong lĩnh vực xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường có thể thế chấp bằng dòng tiền. Doanh nghiệp có thể đưa dòng tiền vào, ACB quản lý dòng tiền xuất khẩu của doanh nghiệp. Đây là hình thức vay thế chấp dòng tiền, hay nói cách khác là vừa ưu đãi, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm và cả năm tới.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng nhận định, dư nợ toàn hệ thống sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả trong kỳ điều tra quý III/2023, cũng thấp hơn so với mục tiêu mà NHNN đặt ra từ đầu năm, phù hợp với ước tính của đa số các chuyên gia và công ty chứng khoán.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu phía cầu không có thì đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt khoảng 12-13%.

Chứng khoán là kênh đầu tư sáng nhất cho đến năm 2024

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm, chứng khoán tăng mạnh 8 tháng đầu năm trước khi có cú rơi mạnh trong tháng 9 và bắt đầu phục hồi. Đâu là kênh đầu tư sáng nhất cho 3 tháng cuối năm và năm 2024?

Giữa tuần này, 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank đồng loạt hạ lãi suất huy động thêm 0,2% với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, bằng mức lãi suất Vietcombank đã hạ một tuần trước đó. Như vậy, trong tháng 10/2023, nhóm ngân hàng Big 4 đã 2 lần hạ lãi suất huy động, đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên cao nhất chỉ còn 5,3%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất  lịch sử, thấp hơn cả thời kỳ Covid-19.

Gửi tiết kiệm từng là kênh đầu tư “vua” của năm 2022 khi thị trường chứng khoán lao dốc, bất động sản và trái phiếu đóng băng. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay, liệu dòng tiền có đảo chiều, chảy mạnh từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán hay bất động sản như năm 2021?

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và S22M, Savills Việt Nam cho rằng, khi lãi suất giảm, người dân có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng để tìm kiếm đầu tư vào nhiều kênh khác nhau như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản không thể phục hồi ngay mà cần thời gian 3 - 6 tháng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết tháng 7/2023, lượng tiền gửi của người dân vẫn ào ạt chảy vào hệ thống ngân hàng, đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm ngoái. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tăng.

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, dù lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục, song người dân vẫn có tâm lý phòng thủ. Hơn nữa, thu nhập của người dân hiện sút giảm, nhiều người e ngại vay vốn ngân hàng để mua bất động sản. Chưa kể, thanh khoản thị trường bất động sản tuy có khởi sắc đôi chút, song giá nhà vẫn tăng cao, thiếu phân khúc phù hợp với nhu cầu ở thực…

Tâm lý chờ đợi và nghi ngờ vẫn bao trùm khiến dòng tiền tiết kiệm đáo hạn vẫn chưa chảy về bất động sản. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường bất động sản tuy đang ở vùng đáy, song vùng đáy này có thể kéo dài ít nhất một năm nữa, nên việc xuống tiền lúc này là không khôn ngoan.

Trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, thị trường bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn, tỷ giá năm nay khó biến động mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sáng nhất những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024.

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng của thị trường chứng khoán châu Á với sự hồi phục mạnh mẽ. Sang tháng 9/2023, thị trường có đợt sụt giảm mạnh, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi từ đầu tháng 10 tới nay.

Lý giải cú sụt giảm của thị trường chứng khoán trong tháng 9/2023, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, thị trường thế giới đứng trước áp lực giảm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; chỉ số USD tăng trở lại và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao kỷ lục trong vòng 16 năm.

Đáng lưu ý nhất là, Fed phát tín hiệu cho thấy vẫn còn một đợt tăng lãi suất vào tháng 11/2023 và năm 2024 chỉ có 2 lần giảm lãi suất thay vì 4 lần như dự đoán trước đó. Ngoài ra, dự kiến 3 năm tới, lãi suất của Fed mới về mức 2,9%, tức 3 năm nữa lãi suất của Mỹ vẫn cao hơn mức lãi suất trung tính (2,5%). Nói cách khác, kỷ nguyên tiền đắt trên thế giới vẫn duy trì ít nhất 3 năm nữa, điều này khiến nhà đầu tư toàn cầu thất vọng, thị trường chứng khoán lao dốc.

Ở Việt Nam, ngoài ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới, áp lực điều chỉnh còn đến từ động thái hút tiền của NHNN. Tuy đây chỉ là một động thái chính sách bình thường của nhà điều hành, song đã bị nhiều công ty chứng khoán thổi phồng quá mức, cộng thêm sự khuếch đại của truyền thông khiến nhà đầu tư hoang mang. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trong 8 tháng đầu năm, giá nhiều cổ phiếu tăng 2-3 lần, không ít cổ phiếu định giá vượt cả giai đoạn trước dịch bệnh trong khi tình hình sản xuất - kinh doanh không cải thiện tương ứng, nên áp lực chốt lời là bình thường.

“Thị trường chứng khoán cần những cú bẻ ngoặt tay lái như vậy để nhà đầu tư tỉnh táo đi trên mặt đất. Sau đợt điều chỉnh này, định giá VN-Index được đưa về vùng phù hợp hơn, cũng là để thị trường tăng bền vững hơn. Tôi cho rằng, sự điều chỉnh này chỉ là ngắn hạn, thị trường sẽ tích lũy giai đoạn cuối năm nay và phục hồi năm sau”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ nhận định với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo chuyên gia này, chứng khoán là kênh đầu tư sáng nhất tại Việt Nam năm 2023 và cả năm 2024. Tuy vậy, sẽ khó có chuyện tiền gửi tiết kiệm ùn ùn chảy sang chứng khoán do nền kinh tế vẫn còn nhiều gam màu tối và nhà đầu tư không dám “tất tay”, mà vẫn dành một phần gửi tiết kiệm.

Tương tự, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, kênh đầu tư chứng khoán thời gian tới vẫn rất khả quan nhờ nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ như: Hệ thống Giao dịch chứng khoán mới (KRX) dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm nay, kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ quý III/2023, xuất khẩu phục hồi, tỷ giá ổn định, đợt giảm vừa qua đã đưa định giá VN-Index (P/E) xuống xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm gần đây… 

Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới rất khả quan, từ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán, trong khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc Văn phòng đại diện Tập đoàn VinaCapital tại Hà Nội cho rằng, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9 vừa qua là một trong những sự kiện lịch sử trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện đại. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia các chuỗi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, chất bán dẫn… Điều này cũng có thể tạo ra một cú hích phát triển cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tăng thanh khoản cho thị trường khi các nhà đầu tư hồ hởi đưa tiền vào.

Dù triển vọng của kênh đầu tư chứng khoán rất sáng sủa, song giới chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các báo cáo phân tích mang tính “mưu đồ” của các công ty chứng khoán. Đơn cử, trong tháng 9/2023, NHNN liên tục phát hành tín phiếu hút tiền về, đây là động thái bình thường của nhà điều hành, song nhiều chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán đã đưa ra các dự báo tiêu cực, cho rằng đây là “điểm uốn” chính sách hoặc dự báo NHNN sẽ tiếp tục hút về lượng tiền khủng để dẫn dắt tâm lý đám đông, khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo.

Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư chứng khoán nên lựa chọn hình thức đầu tư định kỳ, giúp giảm rủi ro do không giải ngân quá nhiều ở thời điểm thị trường bị định giá cao hoặc đứng ngoài cuộc sau đó nuối tiếc. Đồng thời, phải luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn.

Tuần lễ “rực rỡ” của vàng, giá vàng miếng SJC chạm mốc 71 triệu đồng/lượng
Vàng có tuần lễ "rực rỡ" nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Dòng tiền đổ xô đến các loại tài sản trú ẩn an toàn đã khiến giá vàng "nhảy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư