-
Thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
Khu kinh tế Nhơn Hội có 3 khu đất đấu giá chọn nhà đầu tư trong năm 2025 -
Khai thác dầu khí có những biến động mới -
Quảng Nam: Giải quyết dứt điểm vướng mắc tái định cư cho Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An -
Hé lộ nhà thầu đầu tiên xin chỉ định thầu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành -
Nước rút thẩm định Dự án đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Rầm rộ đến, âm thầm đi
Đầu năm 2012, Sơn Hà, một thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bỗng nhiên nổi như cồn trong lĩnh vực bán lẻ.
Áp lực cạnh tranh khiến doanh nghiệp sản xuất khó tăng giá đầu ra sản phẩm. Ảnh: Chí Cường |
Là người mới đến, song mục tiêu thiết lập một hệ thống đại siêu thị Hiway Suppercenter lên tới con số 20 trong giai đoạn 2012-2016, trong đó riêng năm đầu là 3 đại siêu thị, của Sơn Hà đã khuấy động thị trường bán lẻ phía Bắc. Cũng đã có những tiên đoán về khả năng phân chia lại thị trường bán lẻ phía Bắc khi các kế hoạch của Sơn Hà thành công.
Khi công bố về các kế hoạch này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, cổ đông chính của Công ty Hiway Việt Nam (sở hữu thương hiệu Hiway Suppercenter), cũng đã trả lời những câu hỏi băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch này trong bối cảnh kinh tế vẫn đang có thêm các dấu hiệu khó khăn, rằng Sơn Hà đã chuẩn bị cho kế hoạch lấn sân vào lĩnh vực bán lẻ 5 năm trước đó. Thậm chí, 2 yếu tố chính quyết định sự thành công của kế hoạch là vốn và mặt bằng cũng đã được Sơn Hà dự liệu khi thoái vốn từ các dự án nhà ở thương mại và sở hữu các địa điểm phù hợp cho các đại siêu thị trong kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ngoài Hiway Supercenter Hà Đông đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2012, các kế hoạch khác đều chưa có động thái mới. Thông tin về việc Sơn Hà giảm tỷ lệ cổ phần từ 75% xuống còn 15% trong Công ty Hiway Việt Nam âm thầm được truyền đi từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 diễn ra vào tháng 5/2013.
Lý giải về việc này, ông Lê Vĩnh Sơn cho hay, thị trường bán lẻ khó khăn và Công ty cần đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Phần bánh ngon cho nhà đầu tư ngoại?
Tên đối tác mua lại cổ phần của Sơn Hà trong Công ty Hiway Việt Nam chưa được Sơn Hà chính thức công bố, song những thông tin bên lề cho thấy, đó là một đối tác đến từ Nhật Bản.
Rõ ràng, khó khăn đang đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế bất lợi. Không chỉ là việc hàng loạt kế hoạch đã tuyên bố khó trở thành hiện thực, người ta cũng lo ngại về khả năng bị ép giá trong thương vụ, mà phần yếu nghiêng nhiều hơn về phía doanh nghiệp Việt Nam.
Điển hình cho vấn đề này là lĩnh vực bất động sản. Chỉ riêng năm 2012, đã có tới 35 thương vụ chuyển nhượng bất động sản và chủ yếu là các dự án ở dạng hoàn tất thủ tục pháp lý, hoặc đang triển khai dở dang của phân khúc căn hộ, nhà liền kề và biệt thự, trung tâm thương mại. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tham gia mua lại các dự án trong phân khúc trung tâm thương mại/bán lẻ, như Lotte của Hàn Quốc, AEON của Nhật Bản (liên doanh với Tập đoàn Him Lam); hay Tập đoàn Perdana Parkcity (Malaysia) tăng sở hữu từ 75% lên 100% trong liên doanh với Vinaconex Hoàng Thành trước áp lực tài chính và trả nợ của Vinaconex.
Các công ty hay quỹ đầu tư nước ngoài thường trả giá rất thấp. Trong khi lại đòi hỏi doanh nghiệp phải có dự án tại những vị trí đẹp tại trung tâm.
Thực tế, có tới 50 – 70% thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thất bại vì không gia tăng giá trị cho cổ đông. “Tôi có cảm giác rằng, có thể bán với giá cao hơn. Nhưng dù sao chuyện cũng qua rồi...”, lãnh đạo một doanh nghiệp vừa hoàn thành thương vụ M&A với đối tác nước ngoài cho hay. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là do lợi ích chiến lược không được làm rõ, nhất là thế mạnh dịch vụ, sản phẩm của bên bán không được coi trọng.
Đang có nhiều thông tin cho thấy, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều thương hiệu nước ngoài gia nhập, hay tăng cường bành trướng tại thị trường Việt Nam. Hiện đang còn nhiều thương vụ mua bán, thoái vốn cổ phần chưa thể công bố do sự “đóng băng” của bên mua.
Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus, về bài toán kinh tế, rõ ràng, đây là thời điểm vàng để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước.
“Nhiều nhà đầu tư đang nghe ngóng, chờ đợi và kỳ vọng vào các thay đổi, cũng như các giải pháp vĩ mô liên quan đến cải tổ hệ thống ngân hàng tránh đổ vỡ, xử lý nợ xấu, vận hành Công ty Mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra sao... để quyết định các thương vụ tới”, ông Thuận nói và cũng phân tích thêm, các nhà đầu tư có lẽ cũng đang cân nhắc bài toán phân bổ rủi ro giữa Việt Nam với các nước tương đồng khác, như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Nỗ lực níu kéo
Không giấu nổi vẻ mệt mỏi với bộn bề công việc kinh doanh, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Bắc Việt xuất hiện tại một cuộc họp của TP. Hà Nội liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Với ông Trần Anh Vương, dù mất niềm tin, nhưng vẫn phải nỗ lực để níu kéo những thành quả kinh doanh mà mình dày công xây dựng bấy lâu.
Gần 1 năm trước, ông Vương đã đánh liều tự bỏ tiền túi để góp 24% cổ phần trong liên doanh mang tên Công ty TNHH Nippon Steel & Sumikin Metal Products Vietnam (NSMV) chuyên về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kết cấu thép, thép ống. Số vốn còn lại thuộc các đối tác Nippon Steel & Sumikin Metal Products Co. Ltd (48%); Sumitomo Corporation (22%); Sumisho Tekko Hanbai Co., Ltd (3%) và Kyoei Steel Ltd (3%). Tổng vốn đầu tư của Công ty là hơn 267 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ hơn 53 tỷ đồng.
Nhà máy trên đặt tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), với quy mô sản xuất 48.000 tấn sản phẩm/năm. Bước đầu, Công ty sẽ tập trung sản xuất ống thép cỡ nhỏ, với trình độ công nghệ kỹ thuật, quản lý hiện đại của Nhật Bản, sẽ tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tính năng cao phục vụ xây dựng cầu, đường…
“Việc liên doanh với các đối tác Nhật Bản này là bước mở đầu cho quá trình tái cấu trúc của Công ty với mục tiêu hạn chế nhập khẩu nguyên liệu và đẩy mạnh sản xuất về lĩnh vực cơ khí, thép”, ông Vương nói và cho biết thêm, họ có lợi thế rất mạnh về thương mại trên thị trường toàn cầu, Bắc Việt sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu và trở thành công ty sản xuất, xuất khẩu công nghiệp thép và phụ trợ lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) mới đây cũng cho biết, sẽ bán 20% cổ phần cho đối tác đến từ Nhật Bản để tăng vốn điều lệ.
Với kế hoạch này, TTF dự kiến phát hành cổ phiếu làm 2 đợt. Đợt đầu phát hành 14,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 5.000 đồng/cổ phiếu và đợt hai cho đối tác nước ngoài theo mệnh giá. Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ lên đến 900 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF cho hay, việc bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản phải đến tháng 8/2013 mới hoàn tất. Hiện thương vụ này đang trong giai đoạn thuê công ty kiểm toán, công ty luật để xem xét khoản đầu tư.
Lý giải về động thái của 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, ông Thành cho hay: “Chúng tôi muốn tận dụng cơ hội huy động vốn. Trong khi tiếp cận vốn của ngân hàng trong nước rất khó khăn, thì vốn ngoại lại sẵn sàng bơm vào. Nếu hợp tác thành công, cơ cấu cổ đông mạnh và vị thế của doanh nghiệp sẽ khác. Lúc đó, việc thương lượng với các ngân hàng trong nước cũng dễ dàng hơn”.
Cách của ông Thành đang làm với TTF dường như đã được rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng. “Tất cả các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ có cổ đông từ Đài Loan hay Mỹ đều tiếp cận được vốn giá rẻ từ đó”, ông Thành nói.
Nói về tình hình kinh doanh, ông Thành cho biết, TTF vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Riêng về trồng rừng, dự kiến cuối năm nay, lần đầu tiên, TTF khai thác rừng trồng tại Đắc Lắc với quy mô ban đầu khá khiêm tốn, chỉ khoảng 300 ha (gỗ tràm), đem về cho TTF khoảng 50 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thành, trong khi 1/3 số lượng doanh nghiệp trên cả nước phá sản và 70% doanh nghiệp thua lỗ, TTF vẫn tồn tại là điều đáng mừng. “Những gói giải pháp của Chính phủ còn chậm đi vào cuộc sống, trong khi vai trò quản lý nhà nước không rõ ràng khi đưa ra các gói giải cứu doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Bài toán không lời giải
Mùa đại hội đồng cổ đông vừa đi qua, đối với nhiều doanh nghiệp có đòn cân nợ lớn trên thị trường đều không thể hiện rõ cho cổ đông thấy các giải pháp giải quyết vấn đề này. Trong khi công ty ngày càng khó khăn, thua lỗ.
“Dường như các cổ đông lớn đều buông tay để vận mệnh của công ty rơi tự do. Hoạt động đầu tư kinh doanh đang gặp hạn, nhưng không có một cổ đông lớn nào đủ lực hay tỏ rõ trách nhiệm để cứu doanh nghiệp”, một cổ đông thuộc một công ty bất động sản lớn cho hay.
Sản xuất và kinh doanh ngày càng đình đốn, các đại gia đua nhau bán cổ phiếu, gom tiền tươi và tệ hơn là người giàu nhất Việt Nam cũng thiếu tiền, rút vốn bằng mọi cách… liên tục được nhắc đến trong vòng hơn một năm qua cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã suy kiệt đến mức độ nào.
Thậm chí, có lời đồn đoán rằng, ẩn sau những động thái nêu trên là một làn sóng cuốn gói tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam sang Anh, Canada, Australia, Mỹ. Quan chức các nước này cho hay, đang có luồng tiền từ nhà đầu tư Việt Nam ồ ạt chảy vào mua đất, cổ phần doanh nghiệp.
Nếu như lời đồn đoán này là sự thật, thì bằng cách này hay cách khác, họ đã mang lượng tiền vốn khổng lồ ra nước ngoài, khiến kinh tế Việt Nam ngày càng kiệt quệ.
Phải chăng vì những lý do này, mà đến cả các ngân hàng thương mại giờ cũng mất niềm tin?
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội khẳng định, dù các cơ quan quản lý có chỉ đạo gì đi nữa, thì các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn, vì họ không có tài sản bảo đảm; còn ngân hàng thì phải kinh doanh có lợi nhuận. “Bài toán này đã đặt ra từ lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa có lời giải”, ông Hiển nói.
Các ngân hàng đang tìm cách câu kéo khách hàng, khi đưa ra các gói lãi suất cho vay rất hấp dẫn, chỉ 5-6%/năm, nhưng vẫn không cứu vãn nổi tình hình, khiến tín dụng ngân hàng tăng trưởng âm trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khẳng định, tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng yếu là do thiếu niềm tin. “Hiện vấn đề tổng cầu niềm tin kinh doanh quá thấp. Bạn có niềm tin trong đầu tư, bạn có niềm tin trong cho vay không? Niềm tin là thứ rất khó lấy lại, nếu như không tái cấu trúc thật nhanh”, ông Louis Taylor nói.
Doanh nghiệp, bạn hàng, đối tác không tin nhau, thậm chí cả người tiêu dùng cũng đang mất dần niềm tin vào doanh nghiệp.
Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực bất động sản. Sự việc Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường, chủ đầu tư chung cư Quốc Cường – Gia lai, quận 7 (TP.HCM) đã phải hầu tòa trong vụ kiện của cư dân yêu cầu trả lãi phạt do chậm giao căn hộ và giao căn hộ với nội thất không đúng chất lượng thỏa thuận.
Bị thua kiện vụ này, Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường đang có nguy cơ đối diện với hàng chục vụ kiện nữa. Việc khó khăn trong tài chính đã khiến doanh nghiệp này nhiều lần điều đình, hạ giá bồi thường với khách hàng. Hiện dư luận cho rằng, công ty này khó có đủ sức để tiếp tục theo kiện. Vụ việc này đã làm thị trường bất động sản tiếp tục xuống dốc.
Khả năng phục hồi chậm
Mới đây, Ngân hàng HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam trong năm 2013 xuống còn 5,1%. Đây là mức giảm đáng kể so với mức dự báo 5,5% được ngân hàng này đưa ra trong tháng 4/2013. Nguyên nhân do tiêu dùng, đầu tư kém và tăng trưởng tín dụng yếu.
Các chuyên gia của HSBC nhận định, lạm phát trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm, vì lãi suất thuận lợi và nhu cầu yếu. Trước đó, HSBC cũng đã nhận định trong báo cáo PMI rằng, áp lực cạnh tranh đã khiến các nhà sản xuất khó tăng giá đầu ra sản phẩm.
Theo HSBC, việc phá băng hệ thống ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 là 6% và chỉ số lạm phát sẽ là 7%. Chính phủ có đạt được các chỉ tiêu đó hay không còn tùy vào khả năng phá băng hệ thống ngân hàng, vốn đang bị ảnh hưởng bởi nợ xấu,” thông cáo HSBC nhận định.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, khi động lực kinh doanh xuống thấp, doanh nhân không đoán định được về môi trường kinh doanh, sẽ diễn ra tâm lý kinh doanh đối phó, thiếu chiều sâu và chiến lược dài hơi. Hơn nữa, theo ông Thắng, năm 2014, kinh tế còn khó khăn hơn năm 2013 do các yếu tố về đầu tư, cơ chế chưa được tháo gỡ nhiều.
Bằng chứng là, việc Chính phủ ra Nghị quyết 02/NQ-CP được nhiều doanh nghiệp cho rằng rất phù hợp, nhất là cho vay mua bất động sản. Tuy nhiên, khâu triển khai cho vay ưu đãi quá khó, vì quy định không rõ ràng. Hơn hai tháng qua, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ giúp hàng chục nghìn căn hộ được giao dịch…
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, cần có một ủy ban đứng ra giám sát việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và cần sớm thông qua Luật Đất đai để doanh nghiệp biết tiên liệu với khoản đầu tư của mình.
Anh Hoa
-
Thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
Khu kinh tế Nhơn Hội có 3 khu đất đấu giá chọn nhà đầu tư trong năm 2025 -
Khai thác dầu khí có những biến động mới -
Quảng Nam: Giải quyết dứt điểm vướng mắc tái định cư cho Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An
-
Hé lộ nhà thầu đầu tiên xin chỉ định thầu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành -
Nước rút thẩm định Dự án đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
Thông xe tạm 2 đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành -
Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II -
Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm Fintech -
Quảng Nam chuyển mục đích gần 17 ha rừng để mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng -
Gia Lai xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025
- Chương trình lãi suất tốt, quà tặng "khủng" cho khách hàng cá nhân vay vốn từ Vietbank
- GELEX Electric lãi trước thuế 2.118 tỷ đồng năm 2024
- Vietbank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 7.139 tỷ đồng
- Quản trị tài chính doanh nghiệp: Những điểm cần lưu ý năm 2025
- Gia tăng lợi ích khi gửi tiết kiệm dịp Tết
- Chính thức ra mắt tài liệu Think Green