Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 08 năm 2024,
Đấu thầu mua sắm: Tái phát “bệnh” coi nhẹ hàng Việt
Ngọc Tuấn - 24/07/2018 09:06
 
Sau gần 2 năm im ắng, việc phân biệt đối xử với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã bùng phát trở lại trong một số gói thầu mua sắm thang máy.

“Sính ngoại” lại tái diễn

Theo phản ánh từ đại diện nhà thầu TNE (nhà thầu thang máy Việt có trụ sở tại TP.HCM), trong vòng 2 tháng gần đây, đơn vị này phát giác nhiều hồ sơ mời thầu có “cài” các tiêu chí để loại hàng Việt, nhà thầu Việt ngay từ vòng “gửi xe”. Theo đại diện TNT, gói thầu mua sắm thang máy khu A do Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM làm chủ đầu tư là một trong những ví dụ tiêu biểu.

Bệnh phân biệt đối xử bằng các yêu cầu xuất xứ lại tái phát trong các gói thầu cung cấp thang máy
Bệnh phân biệt đối xử bằng các yêu cầu xuất xứ lại tái phát trong các gói thầu cung cấp thang máy

Gói thầu trên được mời thầu vào tháng 7/2018, với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ. Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hưng Phúc là tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT). Theo hồ sơ mời thầu, mục đích mua sắm 2 thang máy tải khách (loại có phòng máy), tải trọng 1.000 kg, 7 điểm dừng, tốc độ 60 m/phút.

Trong tiểu mục 2.3 (trang 74, HSMT) nêu yêu cầu về xuất xứ hàng hoá: “Hàng hoá và dịch vụ được cung cấp phải có xuất xứ rõ ràng; yêu cầu xuất xứ hàng hoá phải đủ điều kiện chứng tỏ rằng hàng hoá được sản xuất mới 100% và từ năm 2018 trở về sau”.

Thoạt nhìn thì vậy, nhưng tại Mục 5.3 (trang 31, HSMT) chỉ dẫn nhà thầu về tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa lại kèm theo yêu cầu “nhà thầu phải có cam kết hàng hóa thuộc các hãng sản xuất của các nước trong nhóm G7 hoặc tương tương. Xuất xứ nguồn gốc thiết bị phải nhập khẩu 100% từ năm 2018 trở về sau”. Thêm nữa, trong phần yêu cầu thông số kỹ thuật của thang máy, HSMT yêu cầu “thương hiệu các hãng thang máy thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)”. 

Đáng chú ý hơn, gói thầu cung cấp, lặp đặt thang máy khối nhà làm việc Trụ sở Tỉnh ủy Khánh Hòa do Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa làm bên mời thầu. Theo Mục 3, HSMT về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật  quy định, “thiết bị được nhập khẩu đồng bộ trực tiếp từ các hãng sản xuất tại một trong các nước thuộc nhóm G7/EU” được chấm 4 điểm; “thiết bị được nhập khẩu đồng bộ từ các hãng sản xuất tại một trong các nước thuộc nhóm G7/EU có nhà máy đặt tại nước khác” được chấm 3 điểm; “thiết bị không cùng một nước sản xuất, hoặc hãng sản xuất không phải thuộc nhóm G7/EU” được chấm 1 điểm. Như vậy, nhà thầu chào thầu bằng thang máy được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải nhận mức điểm thấp nhất.

Sai gì? Sửa thế nào?

Cần thiết phải nhắc lại rằng, khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ - CP ngày 26/6/2014 quy định về lập hồ sơ mời thầu đã chỉ rõ: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa…”.

Tại mục C, khoản 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT - BKHĐT hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đã hướng dẫn cụ thể là, “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”

Hơn thế, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 13/CT - TTg chỉ đạo tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong đấu thầu dự án đầu tư và mua sắm dùng vốn ngân sách có quy định, khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được. Hơn nữa, Chỉ thị nêu rõ nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, catalo của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong hồ sơ mời thầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Trường hợp không thể mô tả chi tiết theo các tiêu chí vừa nêu thì được nêu nhãn hiệu, catalog của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ.

Cần phải lưu ý rằng, trong Chỉ thị số 47/CT-TTg ban hành ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước các quy định về xuất xứ hàng hoá gây ra sự phân biệt đối xử nêu trên cũng bị cấm.

Chiểu theo các văn bản quy phạm pháp luật dẫn giải trên đây và đối chiếu hồ sơ mời thầu, có thể khẳng định ý kiến các nhà thầu về 2 gói thầu mua sắm, lắp đặt thang máy của Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hoà và Trường cao đẳng Công thương TP.HCM vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi nêu xuất xứ và thiết kế thang điểm chấm kỹ thuật có tính chất định hướng, phân biệt đối xử với mặt hàng thang máy sản xuất tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, cả 2 gói thầu thang máy nêu trên đều đã được mở thầu và đang trong quá trình chấm thầu. Nếu những nghi vấn về sai phạm nêu trên được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, thì chủ đầu tư sẽ phải tổ chức lại các cuộc thầu trên. Việc tổ chức lại các cuộc đấu thầu được quy định tại khoản 3, Điều 17, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định về trường hợp huỷ thầu vì lý do hồ sơ mời thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.

Gói mua sắm thang máy tại tỉnh Bến Tre: Nghi vấn “lách” luật để loại hàng Việt
Bất chấp các quy định pháp luật hiện hành, gói thầu mua sắm thang máy do Văn phòng HĐND tỉnh Bến Tre mời thầu vẫn nêu các tiêu chuẩn kỹ thuật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư