Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gói mua sắm thang máy tại tỉnh Bến Tre: Nghi vấn “lách” luật để loại hàng Việt
Ngọc Tuấn - 08/05/2017 09:40
 
Bất chấp các quy định pháp luật hiện hành, gói thầu mua sắm thang máy do Văn phòng HĐND tỉnh Bến Tre mời thầu vẫn nêu các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhãn hiệu thang máy Mitsubishi (Nhật Bản) trong hồ sơ mời thầu.

Thiết lập “thước ngắm” Mitsubishi

Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh gói thầu mua sắm thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre được phát hành ngày 12/4/2017 theo Quyết định số 218/QĐ-VPHĐND của Văn phòng HĐND tỉnh Bến Tre phê duyệt. Gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hình thức chào hàng cạnh tranh và do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bến Tre làm tư vấn lập hồ sơ.

Tại mục 1, Chương V về phạm vi cung cấp, gói thầu mời các nhà thầu chào hàng cạnh tranh cung cấp 1 thang máy tải khách loại không phòng máy, trọng tải 825 kg (11 người), 4 điểm dừng S/O, tốc độ 60 m/phút, điều khiển nhóm 3, xuất xứ châu Á hoặc tương đương, hàng hoá mới 100%, kèm theo cataloge và phải được sản xuất từ năm 2016 trở về sau. Thoạt nhìn, cấu hình thang máy do hồ sơ yêu cầu đưa ra không có gì đặc biệt và trong tầm đáp ứng của nhiều nhà thầu chào hàng Việt. Tuy nhiên, các nhà thầu sớm thất vọng khi nhìn vào bảng thông số kỹ thuật hàng hoá, bởi bên mời thầu đã thiết lập “thước ngắm”, với thang máy thương hiệu Mitsubishi làm chuẩn mực lựa chọn.

.
Nhiều nội dung trong Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh gói thầu mua sắm thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre yêu cầu "theo tiêu chuẩn của Mitsubishi Electric hoặc tương tương". (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cụ thể, theo Bảng số 1: Thông số kỹ thuật hàng hoá và phạm vi cung cấp, phần Hệ thống động lực quy định thang máy chào hàng phải dùng động cơ kéo của Mitsubishi Electric hoặc tương tương. Hồ sơ yêu cầu giải thích thêm rằng, thang máy sử dụng loại máy kéo không hộp số với động cơ dùng từ trường nam châm vĩnh cửu; điều khiển động lực bằng phương pháp biến đổi điện áp và biến đổi tần số; hệ điều khiển xử lý tín hiệu gọi tầng theo trình tự ưu tiên chiều đang hoạt động, xử lý tín hiệu bằng vi xử lý…

Phần thiết kế phòng thang, gói thầu cũng lặp lại yêu cầu “theo tiêu chuẩn của Mitsubishi Electric hoặc tương tương”. Theo đó, trần phòng thang model S00; vách phòng thang làm bằng inox sọc nhuyễn, bảng điều khiển model CBV1-N710; bề mặt bảng điều khiển gồm phần hiển thị và các phím bấm cũng theo tiêu chuẩn Mitsubishi Electric.

Đặc biệt, phần thông số kỹ thuật thiết kế cửa tầng còn được bên mời thầu yêu cầu cụ thể các kiểu mẫu cho từng cấu phần. Đơn cử như: kiểu thiết kế cửa tầng theo model E102; bảng gọi tại cửa tầng theo model PIV1-A710N; bảng gọi cửa tầng 4 (tầng trên cùng) theo model PIV1-A710B. Thậm chí, các chi tiết nhỏ như bề mặt bảng với các nút gọi tầng, phần mềm hiển thị cũng phải theo… “tiêu chuẩn Mitsubishi Electric”!   

Việc áp “chuẩn Mitsubishi Electric” còn được bên mời thầu triệt để ấn định ở hàng loạt chỉ tiêu tính năng kỹ thuật khác như thiết kế cửa tầng, dừng tầng an toàn, dừng tầng kế tiếp, thiết bị báo quá tải, tự động huỷ bỏ lệnh gọi thừa trong phòng thang, đóng cửa cưỡng bức có chuông báo…  

Nghi vấn định hướng cuộc thầu  

Việc hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm thang máy thuộc dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre dùng bộ tiêu chuẩn thang máy do hãng Mitsubishi Electric để tham chiếu khá “nhạy cảm”. Nhất là trong bối cảnh Chỉ thị 13/CT - TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hối đầu tháng 4/2017. Thông qua chỉ thị nói trên, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong đấu thầu dự án đầu tư và mua sắm dùng vốn ngân sách. Các nhà thầu có cơ sở khi nghi ngại bên mời thầu có chủ ý “lách” luật nhằm định hướng cuộc thầu.

Cần phải nhắc lại rằng, cho tới nay, khung khổ pháp lý trong lĩnh vực đấu thầu quy định rất rõ ràng về việc nêu thương hiệu, xuất xứ hàng hoá trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Luật không cấm hoàn toàn song việc bên mời thầu nêu thương hiệu cụ thể cần phải đảm bảo tính hợp lý, khách quan và thực tế.

Điểm b, mục 4, Phần I của Chỉ thị 13/CT-TTg quy định: “Nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh hoạ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hoá theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hoá đó. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hoá theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalo của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh hoạ cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hoá nhưng phải ghi kèm cụm từ “hoặc tương tương” sau nhãn hiệu, catalo đồng thời quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hoá đó về đặc tính kỹ thuật, tinh năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu”. Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 2, Điều 4, Thông tư 11/2015/TT - BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quy định rất rõ về nội dung này.

Ông Nguyễn Tấn Vũ, một nhà thầu trong lĩnh vực thang máy tại TP.HCM cho biết, việc nêu nhãn hiệu Mitsubishi Electric ở gói thầu trên là “có vấn đề”, bởi thang máy là loại sản phẩm rất phổ biến và từ lâu nay, Việt Nam đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn cho loại hàng hóa này (TCVN 6395: 2008). “Bên mời thầu lấy lý do, không thể mô tả chi tiết hàng hoá theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của nhãn hiệu thang máy Mitsubishi nhằm tham khảo, minh họa cho yêu cầu mời thầu là không thuyết phục”, ông Vũ nói.

Bác lại nội dung hồ sơ yêu cầu chú thích rằng, “thông số kỹ thuật tương đương là hàng hoá có đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng… cao hơn hoặc tương đương các nội dung yêu cầu của hồ sơ yêu cầu nhà thầu phải đề xuất một nhà sản xuất hoặc chủng loại thiết bị cụ thể; Nhãn hiệu nêu trong hồ sơ yêu cầu (Mitsubishi Electric) chỉ mang tính tham khảo, không phải tiêu chuẩn đánh giá và nhà thầu có thể chào hàng hoá có thông số kỹ thuật tương đương hoặc cao hơn”, ông Vũ cho rằng, đây là cách giải thích lơ lửng kiểu nước đôi để bên mời thầu diễn giải, đánh giá đáp ứng hay không đáp ứng theo ý chủ quan.

“Thông số kỹ thuật hàng hoá trong hồ sơ đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn có tính chất cá biệt của Mitsubishi Electric như các model S00, CBV1-N710, PIV1-A710N, PIV1-A710B…, nhưng không chỉ rõ nội hàm các chuẩn mực này thế nào để các ứng thầu hiểu và chuẩn bị hồ sơ dự thầu theo yêu cầu. Điều này sẽ cản trở sự tham gia của các ứng thầu hàng Việt và tạo ưu thế cho nhà thầu chào thầu thang máy thương hiệu Mitsubishi Electric”, ông Vũ nói. Theo ông Vũ, rất khó lý giải việc tại sao bên mời thầu không lấy tiêu chuẩn Việt Nam đã quy định để mô tả yêu cầu của mình? Vì sao không chọn những nhãn hiệu khác, mà nhất định phải thiết lập “chuẩn” Mitsubishi Electric?

Báo Đầu tư sẽ tiếp trở lại câu chuyện này trong những số báo tiếp theo.

Gói thầu nào không cần theo quy định về bảo đảm cạnh tranh?
Một trong các điều kiện để nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác cùng tham dự thầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư