Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Đầu tư 17.152 tỷ đồng xây cao tốc Bắc – Nam đoạn Hậu Giang – Cà Mau
Anh Minh - 16/07/2022 13:09
 
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có tuyến chính dài 73,2 km, quy mô 4 làn xe.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải vừa ký Quyết định số 912/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án bao gồm việc xây dựng chính tuyến cao tốc và tuyến nối với Quốc lộ 1, trong đó tuyến cao tốc có điểm đầu Km53+000 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang; điểm cuối Km126+223 giao với đường hành lang ven biển phía Nam thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài tuyến khoảng 73,223km.

Tuyến nối có điểm đầu Km0+000 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau (nút giao IC12) thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; điểm cuối Km16+597 kết nối với Quốc lộ 1, thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài tuyến khoảng 16,597km.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn hoàn chỉnh, chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m nhưng trong giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Tuyến nối được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Trên tuyến xây dựng 4 nút giao liên thông khác mức và 1 nút cùng mức, đảm bảo các nhánh kết nối phù hợp với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Trong Dự án không đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, chỉ hoạch định vị trí, quy mô để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vị trí dự kiến tại khoảng Km95+000 (bố trí hai bên đường cao tốc). Vị trí chính thức sẽ được quyết định trong bước tiếp theo sau khi thỏa thuận cụ thể với địa phương.

Tổng mức đầu tư Dự án là 17.152,65 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) 1.988,17 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 12.551,97 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 54,23 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 313,82 tỷ đồng; chi phí khác 403,83 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.840,63 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 912, Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; nguồn vốn đầu tư là Ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội. –

Dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025, Dự án được bố trí 12.007 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2027 bố trí 5.145,65 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư