Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Đầu tư cho tiêm chủng: Chi phí thấp, lợi ích cao
Dương Ngân - 01/10/2023 09:47
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng là một hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan, với 1 USD đầu tư vào tiêm chủng sẽ giúp tiết kiệm 16 USD chi phí chăm sóc y tế, đồng thời tăng năng suất kinh tế.
Thống kê của WHO cho thấy, cứ mỗi 60 giây, có 5 sinh mạng trên toàn cầu được cứu sống nhờ vắc-xin
Thống kê của WHO cho thấy, cứ mỗi 60 giây, có 5 sinh mạng trên toàn cầu được cứu sống nhờ vắc-xin.

Đầu tư thông minh

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Bên cạnh đó, có hơn 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B; 2,56 triệu người tử vong do bệnh viêm phổi; 2 triệu người tử vong do bệnh xơ gan và ung thư gan; khoảng 300.000 người tử vong vì bệnh ho gà; 650.000 người tử vong vì bệnh cúm mỗi năm.

Ngoài ra, hàng loạt bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác như sởi, rubella, viêm màng não, ung thư cổ tử cung đang không ngừng gia tăng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Gần đây nhất, Covid-19, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em và người lớn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học. Nhờ có vắc-xin mà nhiều dịch bệnh đã được khống chế, loại trừ và thanh toán, đặc biệt là các bệnh cúm, đậu mùa, uốn ván, bại liệt. Đặc biệt, với người già, người mắc bệnh mạn tính có hệ miễn dịch suy yếu, nếu không được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sẽ dễ mắc bệnh, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Vắc-xin sởi đã cứu sống khoảng 17,1 triệu người trong 15 năm qua. Tiêm vắc-xin phòng ngừa virus HPV giúp giảm 97% tỷ lệ mắc và giảm gần 99% tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung. Vắc-xin phòng bệnh bại liệt giúp tiết kiệm 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng.

Trong nhiều chương trình tư vấn sức khỏe do Báo Đầu tư tổ chức, bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho rằng, đầu tư cho tiêm chủng là sự đầu tư thông minh và nhân văn. Sở dĩ như vậy là bởi, chỉ cần một đồng đầu tư cho vắc-xin sẽ tiết kiệm hàng trăm đồng các chi phí y tế nếu không may mắc bệnh. Đây là lợi ích mang tính bền vững cho không chỉ mỗi cá nhân, mà cho cả cộng đồng.

Thực tế cho thấy, vắc-xin có thể giúp hàng ngàn người tránh bị tật nguyền, cứu sống hàng triệu sinh mạng trên thế giới, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí điều trị y tế mỗi năm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, hàng năm, gánh nặng về tài chính cho việc điều trị bệnh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, khi được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm thiểu chi phí khám và chữa bệnh trong suốt thời gian dài. Từ đó giảm được gánh nặng to lớn về y tế, giúp ổn định và nâng cao chất lượng sống. Chẳng hạn, cứ 1 USD chi cho vắc-xin sởi - quai bị - Rbubella thì tiết kiệm được 21 USD chăm sóc y tế (theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ).

Hay với vắc-xin cúm, việc tiêm phòng cúm cho thấy hiệu quả cao ở người lớn. Ước tính, với 1,8 tỷ liều vắc-xin cúm đã sử dụng, thế giới đã ngăn ngừa được 37 triệu trường hợp nhiễm cúm, 476.000 trường hợp nhập viện và 67.000 trường hợp tử vong. Ở người lớn khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi, vắc-xin cúm giúp giảm đến 74% triệu chứng cảm lạnh, giảm biến chứng cúm gồm: viêm phế quản, viêm phổi đến 40%. Ở đối tượng người lớn tuổi (>60 tuổi), nhóm sử dụng vắc-xin cúm có tỷ lệ giảm tương đối bệnh giống cúm và cúm phải nhập viện tương ứng là 56% và 69%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh. Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau giúp gia đình giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức, đặc biệt là các gia đình không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật.

Ở phụ nữ có thai, vắc-xin cúm giúp giảm 63% các trường hợp nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh, giảm 36% các trường hợp bệnh hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và bà mẹ. Ở người có bệnh lý nền mạn tính, vắc-xin cúm làm giảm tần suất bệnh lý hô hấp cấp liên quan đến cúm ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là 76,3%; giảm 70% biến cố tim mạch trên bệnh nhân có bệnh mạch vành cấp; giúp giảm đến 50% tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường nhập viện và tử vong; tiêm ngừa vắc-xin cúm ở năm đầu tiên so với năm trước không tiêm giảm 55% nguy cơ nhồi máu não…

Người lớn cũng cần quan tâm tiêm chủng

Người lớn cần tiêm nhiều loại vắc-xin để bảo vệ bản thân trước các bệnh truyền nhiễm mà cơ thể chưa có miễn dịch, ngoài ra, cũng cần tiêm nhắc lại một số vắc-xin đã được tiêm lúc nhỏ như vắc-xin ho gà, vắc-xin uốn ván, vắc-xin viêm gan B… vì hiệu lực bảo vệ của các vắc-xin này sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Trước đây, trên thị trường không có nhiều loại vắc-xin dành cho người lớn do các nhà sản xuất chưa quan tâm đến việc phòng bệnh cho người lớn. Tuy nhiên, hiện nay, ngay tại Việt Nam đã có nhiều vắc-xin mới dành cho người lớn như vắc-xin phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn; vắc-xin phòng bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, viêm phổi do não mô cầu khuẩn, vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung; vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà, vắc-xin phòng bệnh viêm gan A + B; vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella; vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.

Vì vậy, PGS-TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, nếu người trưởng thành cũng chủ động tiêm chủng vắc-xin sẽ xây dựng được một cộng đồng miễn dịch và an toàn. Điều này có thể triệt tiêu những điều kiện phát triển và lây lan của các bệnh dịch và giúp bảo vệ tốt hơn những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh nền.

Sở dĩ như vậy là do hệ thống miễn dịch của con người sẽ suy yếu dần theo tuổi tác; chưa kể, khi lớn tuổi, cơ thể con người bị lão hóa tự nhiên, dẫn đến nguy cơ bị viêm nhiễm cũng cao hơn. Nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh để khởi động lại hệ miễn dịch, người lớn sẽ rất dễ nhiễm bệnh và khi đã nhiễm bệnh sẽ có chiều hướng diễn tiến nghiêm trọng, gây khó khăn trong điều trị, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện tồn tại một nghịch lý, bố mẹ luôn có ý thức chủ động tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ nhỏ, nhưng lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Chính vì chưa có sự quan tâm đúng mức hay thiếu thông tin về tầm quan trọng của vắc-xin trong phòng bệnh với người trưởng thành, nên hiện nay người lớn tuổi là nhóm người có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát và lan rộng.

Theo bác sỹ Tuấn Hải, nhiều người lớn thường hay quên hoặc bỏ sót lịch tiêm nhắc theo yêu cầu. Việc người lớn cần tiêm chủng đầy đủ có đến 2 lợi ích lớn là phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu được tiêm phòng các loại vắc-xin có thể đến hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec để được tư vấn và đăng ký sử dụng các vắc-xin dịch vụ. Hệ thống phòng tiêm chủng của Safpo/Potec trải dài khắp cả nước với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm, các loại vắc-xin được nhập khẩu từ các quốc gia có nền y học phát triển nhất thế giới sẽ khiến người dân hoàn toàn yên tâm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư