Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/9: Tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu
D.Ngân - 16/09/2023 10:26
 
Bệnh bạch hầu quay trở lại một số tỉnh vùng núi phía bắc, trong đó đã có trường hợp tử vong. Làm gì để phòng bệnh bạch hầu là điều mà nhiều người dân quan tâm hiện nay.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu phòng dịch bạch hầu

Từ tháng 8 đến nay, bạch hầu xuất hiện ở 2 huyện Mèo Vạc và Yên Minh, tỉnh Hà Giang với hàng chục ca mắc bệnh phải cách ly và đã có ca tử vong. Đây là lần đầu tỉnh này có ca mắc bạch hầu sau 20 năm dịch bệnh vắng bóng.

Ảnh minh hoạ

Tính từ ngày 1/5 đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, một ca tử vong và một số ổ dịch rải rác.

Trong 2 tuần đầu tháng 9 đến nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC, đặc biệt là khu vực phía bắc ghi nhận lượng người đến tiêm các vắc-xin có thành phần ngừa bạch hầu tăng đột biến so với cùng kỳ tháng trước.

Theo các chuyên gia, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh thường biểu hiện cấp tính hình thành giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua các vật có chất tiết của người bệnh. Một số ít ca bệnh cũng ghi nhận bạch hầu xâm nhập qua tổn thương da, gây bạch hầu da.

Bệnh có thể gặp phải ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, các biểu hiện ban đầu ở trẻ nhỏ thường dễ bị lầm tưởng với với cảm lạnh thông thường như đau họng, ho, sốt kèm ớn lạnh.

Bệnh thường tiến triển ở vùng hầu họng khiến khàn tiếng hoặc khó nuốt. Bệnh có thể gây liệt ở các vùng cơ quan khác như liệt vùng mắt, thanh khí quản và các dây thần kinh hỗ trợ cơ hô hấp.

Tình trạng suy hô hấp có thể diễn tiến rất nhanh, vì khi độc tố vi khuẩn bạch hầu tấn công vùng hầu họng sẽ tạo ra giả mạc. Lớp giả mạc này phình to, xâm lấn, gây hẹp đường hô hấp dễ khiến bệnh nhân tắc nghẽn đường thở, diễn tiến suy hô hấp và tử vong.

Bệnh bạch hầu còn gây nhiều biến chứng ở tim và hệ thần kinh, tăng nguy cơ tử vong cho người mắc.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.

Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

"Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch…", bác sĩ Chính cho hay.

Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh.

Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Vắc-xin phòng bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1. vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.

Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

Vụ cháy chung cư mini: Còn 38 bệnh nhân đang điều trị

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai có 2 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, Bệnh viện Việt Đức cũng vừa tiếp nhận 1 ca là nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội được chuyển lên từ tuyến dưới…

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cơ sở này đã quyết định chuyển một bệnh nhân là nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lên Bệnh viện Việt Đức.

Đây là trường hợp nữ bệnh nhân 37 tuổi, có tiền sử ghép thận từ nhiều năm trước, hiện vẫn dùng thuốc chống thải ghép.

Trước đó bệnh nhân được đưa vào Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng khó thở do ngạt khói, loạn mạch, tình trạng này hiện đã được kiểm soát. Việc chuyển tuyến nhằm giúp nữ bệnh nhân được đáp ứng điều trị thuốc chống thải ghép liên tục.

Như vậy, đến sáng nay (16/9), tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông còn 2 bệnh nhân là hai bố con, người bố 51 tuổi, con trai 10 tuổi. Hai bệnh nhân vào viện với chẩn đoán ngạt khói, người con bị đa vết thương cẳng bàn tay phải, bỏng độ I vùng mặt do nhiệt. Qua điều trị tình trạng của cả 2 bố con đã cải thiện và dự kiến có thể ra viện vào tuần sau.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo báo cáo của bệnh viện tính đến cuối buổi chiều qua, trong số 26 bệnh nhân mà bệnh viện này tiếp nhận, điều trị từ ngày đầu, nhiều bệnh nhân đã và sẽ được ra viện trong một, vài ngày tới; chỉ còn 2 bệnh nhân trong tình trạng nặng nhưng cũng đang có những tiến triển tích cực. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận thêm các bệnh nhân từ các cơ sở khám chữa bệnh khác.

Tổng hợp chung đến cuối giờ chiều 15/9, tại 6 bệnh viện tại Hà Nội (gồm Bạch Mai, Việt Đức, Quân y 103, Xanh Pôn, Đống Đa, Hà Đông) đang điều trị 38 bệnh nhân là nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra thông tin bác sĩ của Việt Đức bị tố sàm sỡ bệnh nhân

Ngày 15/9, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải bài viết "Nhân viên chụp X-quang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị tố sàm sỡ nữ bệnh nhân 16 tuổi", nội dung phản ánh về hiện tượng nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh bị tố sàm sỡ nữ bệnh nhân 16 tuổi vào ngày 9/9.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn số 1239/KCB-QLCL&CĐT gửi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề nghị Giám đốc Bệnh viện khẩn trương chỉ đạo xác minh, làm rõ nội dung phản ánh trên; xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể (nếu có vi phạm).

Đồng thời báo cáo đầy đủ, nghiêm túc việc bệnh viện đã triển khai Tiêu chí A4.2 "Người bệnh được tôn trọng quyền riêng tư" trong Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam bản 2.0 (ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế) trong các năm qua.

Báo cáo của bệnh viện cần nêu rõ việc rà soát thực hiện Tiểu mục 15 "Người bệnh khi tiến hành siêu âm sản phụ khoa, thăm khám bộ phận sinh dục… được cung cấp khăn để che chắn cơ thể (hoặc áo choàng, váy choàng được thiết kế riêng), bảo đảm kín đáo cho người bệnh".

Bệnh viện công khai kết quả xác minh trên phương tiện thông tin đại chúng; có văn bản trả lời trực tiếp người nhà người bệnh và báo cáo nhanh kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 20/9/2023.

Quảng Trị đã có 5 ca mắc bệnh bạch hầu chưa rõ nguồn lây
Các ca mắc bệnh bạch hầu đều có độ tuổi từ 7-9, trú tại hai thôn Bãi Hà Mới và Khe Hót thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, đang được cách ly,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư