Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/9: Phòng chống bệnh bạch hầu tại Hà Giang, Điện Biên
D.Ngân - 06/09/2023 09:37
 
Bộ Y tế sẽ thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh bạch hầu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Điện Biên.

Phòng chống bệnh bạch hầu

Theo quyết định của Bộ Y tế, 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu này do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn.

Ảnh minh hoạ

Thành phần đoàn có sự tham gia của một số vụ/cục chức năng của Bộ Y tế và các chuyên gia đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.

2 đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Điện Biên, Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn; kiểm tra các nội dung về giám sát xử lý ổ dịch;

Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu; công tác truyền thông và đáp ứng chống dịch. Đồng thời, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương trong thời gian tới.

Trước đó, thông tin từ Sở Y tế Hà Giang cho biết tỉnh đã ghi nhận tổng số 32 ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, 2 ca diễn biến nặng và tử vong.

Về ca bệnh tử vong, Sở Y tế Hà Giang cho biết đó là bé trai V.M.D, 15 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 21/8 nhưng chỉ 1 ngày sau phải chuyển tuyến về bệnh viện tỉnh. Do diễn biến quá nặng, bệnh nhân tử vong trên đường từ viện về nhà trước khi có kết quả dương tính bạch hầu.

Được biết, gia đình bệnh nhân có 2 trẻ là em của bệnh nhân cũng có triệu chứng tương tự, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc.

Ca tử vong thứ 2 là nữ, tên G.T.S, 16 tuổi, ở xã Giàng Chu Phìn. Chị S. được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 25/8 và được lấy mẫu bệnh phẩm. Ba ngày sau, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả kết quả chị âm tính bạch hầu.

Tuy nhiên, 2h ngày 28/8 người bệnh có biểu hiện bệnh nặng, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. Một ngày sau, dù được thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang vận động cho phép chuyển về bệnh viện tuyến trung ương để điều trị nhưng gia đình không đồng ý.

Chiều cùng ngày, bệnh nhân có diễn biến nặng lên, viêm cơ tim cấp tính, vài tiếng sau có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, phản xạ âm tính, gia đình xin đưa bệnh nhân về. Nữ bệnh nhân đã tử vong trên đường trở về nhà.

Hiện tại, 30 bệnh nhân nghi ngờ bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Một số bệnh nhân có biểu hiện ban đầu như sốt nhẹ, ho khan, đau rát thành họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc.

Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Cứu bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ 

Vừa qua, các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống thành công một nạn nhân bị tai nạn lao động thương tâm gây vỡ động mạnh chủ trong lồng ngực do nổ lốp xe ô tô tại một gara trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong lúc thay lốp ô tô trong gara, không may chiếc lốp đó phát nổ kinh hoàng đập mạnh vào ngực nạn nhân khiến nạn nhân ngất tại chỗ. Ngay lập tức, nạn nhân đã được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, vết thương quá nặng, nạn nhân đã được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E.

Khai thác tiền sử bệnh án, nạn nhân nam (18 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) làm nghề sửa chữa ô tô tại một gara ở quận Cầu Giấy. Khi bơm xong, nạn nhân ngồi trên chiếc lốp để lắp lại nút van lốp thì không may chiếc lốp phát nổ. Vụ nổ khiến nạn nhân bị thành lốp đập mạnh vào thành ngực và ngất tại chỗ.

ThS. Nguyễn Hoàng Nam, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực nhiều, có vài vết bầm tím trên thành ngực đoạn giữa xương ức và thở ô xy mask… Trước đó, nạn nhân đã được sơ cứu tại một bệnh viện khác.

Tuy nhiên, sau khi chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ ở đó nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương động mạch chủ cần được xử trí cấp cứu nên đã chuyển ngay lên Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E.

Các bác sĩ ngay lập tức cho nạn nhân làm những xét nghiệm cần thiết siêu âm tim và CT thành ngực có tiêm chất cản quang để đánh giá chính xác những tổn thương do chấn thương ngực của nạn nhân. Kết quả cho thấy, nạn nhân bị tổn thương vỡ eo động mạch chủ sau chấn thương.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, xin ý kiến TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E và xác định đây là một ca tối cấp cứu cần xử trí mổ gấp cho nạn nhân.

Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật can thiệp đặt stentgraft nội mạch có màng bọc từ đường động mạch đùi lên để che ổ rách eo động mạch chủ, có mở cửa sổ cho động mạch dưới đòn trái cho nạn nhân. Sau can thiệp người bệnh được kiểm soát toàn trạng huyết động và các dấu hiệu sinh tồn.

ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ, vỡ eo động mạch chủ hiếm gặp và rất nguy hiểm. Có thể gặp trong những tai nạn có lực tác động rất lớn như vào lồng ngực như tai nạn ô tô hoặc ngã cao.

Eo động mạch chủ là nơi dễ bị tổn thương nhất do eo động mạch chủ là vị trí tiếp giáp giữa phần cố định là quai động mạch chủ và phần di động là động mạch chủ xuống.

Người bị vỡ eo động mạch chủ nếu không xử trí kịp thời thì nguy cơ tỉ lệ tử vong trong 6 tiếng đầu là 24%, và lên đến 50% trong 24 tiếng đầu đối với các chấn thương nặng.

Đây là căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm nhưng có thể chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm thương tổn và để đưa kế hoạch điều trị, can thiệp, phẫu thuật kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT có thuốc cản quang, siêu âm tim qua thực quản...

Đối với chấn thương động mạch chủ có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn cho thể nhẹ (type I, II) và phẫu thuật với thể nặng (type III, IV).

Phẫu thuật mở ngực, chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể với mục đích để tim bệnh nhân ngừng đập, sau đó cắt và thay đoạn mạch trong lồng ngực. Đây là phẫu thuật rất nặng, tỷ lệ tử vong cao kèm theo liệt tủy và thời gian hồi sức sau mổ kéo dài.

Với sự phát triển của y học hiện đại, các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã lựa chọn phương pháp can thiệp nội mạch, đặt stent-graft và có thể che phủ toàn bộ tổn thương mà không cần phải mổ mở, người bệnh hồi phục nhanh hơn, thời gian hồi sức ngắn hơn. Hiện, người bệnh đã ổn định sức khỏe và xuất viện trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
Công điện vừa được Thủ tướng ban hành nêu rõ, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư