Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư chứng khoán vẫn là kênh hiệu quả
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất USD, thị trường tài chính Việt Nam phản ứng với thông tin này khá “hờ hững”. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, mức độ tác động đến thị trường là không thể xem nhẹ.

Chứng khoán Mỹ tăng, USD giảm

Không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed đã quyết định tăng lãi suất USD thêm mức 0,25%/năm, lên 0,75 - 1%/năm trong cuộc họp báo diễn ra vào cuối giờ chiều 15/3, tức rạng sáng 16/3 theo giờ Việt Nam.

Quyết định này của Fed được đưa ra sau khi đồng thời 2 chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,5% và lạm phát đạt mục tiêu 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 sau lần tăng gần nhất vào ngày 15/12/2016 và các quan chức Fed bày tỏ khả năng có thêm 2 lần tăng lãi suất, hoặc hơn trong năm nay.

Theo kế hoạch được công bố năm 2015, chương trình tăng lãi suất lên 3,25%/năm đến năm 2020 và khác hẳn với các chu kỳ trước, Fed đã kéo dài thời gian nâng lãi suất tới 4 năm.

Tuy nhiên, hầu hết các thị trường tài chính có phản ứng khá tích cực trước việc Fed nâng lãi suất. Thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến khả quan, chỉ số Nasdaq tăng 0,74%, chỉ số Dow Jones tăng 0,54%.

Về USD, giá trị đồng tiền này giảm mạnh sau khi thông tin trên được công bố. Chỉ số USD Index giảm từ mức 101,62 điểm xuống 100,4 điểm, tương đương giảm 1,2%.

USD giảm giá không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư thế giới khi mà đồng tiền này đã tăng giá trong thời gian trước đó và quyết định tăng lãi suất của Fed là cơ hội để nhà đầu tư chốt lời.

Thị trường trong nước có phản ứng không đáng kể trước thông tin trên. Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.252 đồng, giảm 10 đồng so với ngày 15/3. Trên thị trường, USD tiếp tục được giao dịch phổ biến ở mức 22.800 - 22.880 đồng.

Dự báo, việc nâng lãi suất lần này của Fed sẽ không tác động nhiều đến các lĩnh vực tài chính của Việt Nam, bởi hầu hết nhà đầu tư đều đã định lượng. Tuy nhiên, nếu như Mỹ tiếp tục nâng lãi suất thêm nhiều lần trong năm 2017, thì câu chuyện có thể sẽ thay đổi.

Tỷ giá ổn định, nhưng nhiều thách thức

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm đã giúp cho tỷ giá VND/USD tương đối ổn định. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2017 đến nay, tỷ giá VND/USD tăng khá mạnh, có thời điểm giá USD bán ra trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại đạt 22.870 - 22.880 đồng/USD, gần sát trần biên độ cho phép. Tính đến ngày 16/3, tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng khoảng 1% so với đầu năm.

Đã có những lý giải cho việc USD tăng giá liên tục trong thời gian qua như thâm hụt thương mại, nhu cầu nhập khẩu cao. Trong 2 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại là 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, USD tăng có thể liên quan đến dòng tiền đầu tư bị rút ròng. Trong năm 2016 vừa qua, số lượng tiền bị khối nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi thị trường tài chính tương đối lớn.

Xét từ chính sách lãi suất, Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất USD ở mức 0%/năm, trong khi lãi suất tại Mỹ ngày càng tăng. Việt Nam có thể mất đi một dòng tiền quan trọng bởi sự chênh lệch này.

Một biến số nữa là rủi ro của những đồng tiền khác trên thế giới đang khá rõ ràng, với EUR là những cuộc bầu cử tại Hà Lan, Đức, Pháp có thể khiến cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU) trở nên mong manh. Còn Bảng Anh có nguy cơ giảm giá khi nước Anh chính thức bước vào đàm phán hậu “Brexit”.

Nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc đều có nguy cơ giảm giá rất cao trước diễn biến không tích cực từ nền kinh tế. Điều này không chỉ khiến nhà đầu tư trong nước, mà cả trên thế giới sẽ quan tâm hơn tới USD. Đó là một rủi ro không hề nhỏ và là thách thức với việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.

Chứng khoán Việt vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Lo ngại lớn nhất của giới đầu tư chính là nguy cơ dòng vốn ngoại bị rút ra khỏi thị trường. Trong năm 2016, riêng sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 7.974 tỷ đồng và thống kê cho thấy, dòng tiền các quỹ rút ra lên đến hơn 400 triệu USD. Không chỉ tại Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất trong năm ngoái cũng khiến hàng loạt thị trường mới nổi bị rút lượng tiền kỷ lục. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã quay lại mua ròng trên HOSE, giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.

Thực tế, từ đầu tháng 2/2017 đến nay, dòng tiền nội xuất hiện khá mạnh trên thị trường, đẩy thanh khoản tăng vọt với gần 4.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền trong nước là rất lớn, đặc biệt khi theo dõi lượng cung tiền M2 trong những năm gần đây. Trong bối cảnh các kênh đầu tư đang ngày càng khó kiếm lợi nhuận và bị kiểm soát chặt hơn như ngoại hối, vàng, bất động sản, khiến thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Dự báo, dòng tiền này sẽ còn hiện hữu lâu dài trên thị trường.

Nhưng nếu như Mỹ tiếp tục nâng lãi suất, nhiều khả năng thị trường tài chính toàn cầu sẽ có những biến động và Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Kênh đầu tư hiệu quả là thị trường chứng khoán có khả năng tạo đỉnh trong năm nay và đó cũng là rủi ro cần tính tới trong nửa cuối năm 2017, đặc biệt là năm 2018.

[Infographic] Vốn hóa thị trường chứng khoán cao kỷ lục
Tính đến đầu tháng 3/2017, mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2.260 tỷ đồng, mức cao nhất khi thành lập thị trường chứng khoán. VN-Index cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư