Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Đầu tư công sẽ làm nóng nghị trường Quốc hội
Mạnh Bôn - 31/05/2023 07:59
 
Hôm nay và ngày mai (31/5 và 1/6), Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công thấp chắc chắn sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi thảo luận về kinh tế - xã hội?

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện trong tháng 4/2023. Nhờ đó, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 25,5% kế hoạch, tăng gần 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này rất đáng khích lệ vì cùng kỳ năm 2022 đạt 24,9% kế hoạch và tăng 10,8%.

Có được kết quả này là do năm 2023 có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn. Nhiều dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đang tập trung thực hiện. Nhiều dự án khác trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã xong thủ tục, quy trình đã tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay tích cực hơn các năm trước.

Vậy còn sự chỉ đạo, điều hành thì sao, thưa ông?

Thứ nhất, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực tập trung triển khai phân giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kịp thời, đáp ứng được yêu cầu dự án có thể thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là những dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Thứ hai, nhiều bộ, ngành và địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho mỗi sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, từ đó đã thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công từ sớm, từ xa.

Thứ ba, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tập trung chỉ đạo xử lý các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; kịp thời xử lý vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia.

Và cuối cùng, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã có ý thức tập trung triển khai thực hiện ngay các dự án, công trình được giao kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Cũng không thể không kể đến quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ?

Đúng vậy. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ đầu năm. Gần đây nhất, ngày 23/3/2023, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng 4 tháng đầu năm mới giải ngân được 19% kế hoạch vốn khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về khả năng năm nay tiếp tục không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công?

Để phấn đấu thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt cao nhất, tạo động lực đóng góp tăng trưởng kinh tế, theo tôi, cần tập trung vào các giải pháp sau.

Nhà nước tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... Một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền, thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nên dù có thực hiện cả 4 giải pháp đó, cũng khó có thể hoàn thành Kế hoạch?

Bên cạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công, cần thực hiện điều hòa vốn giữa Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đảm bảo thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư tập trung triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với dự án, công trình chuyển tiếp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2023.

UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Quốc hội sẽ làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công
Chậm phân bổ vốn đầu tư công cũng là lãng phí, Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu gây nên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư