Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giải ngân đầu tư công tăng vọt, nhưng TP.HCM còn nhiều nỗi lo
Lê Quân - 24/05/2023 08:04
 
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM 2 tháng gần đây tăng vọt, nhưng để về đích năm 2023 với tỷ lệ giải ngân 95% đã được Thủ tướng Chính phủ giao, thì Thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Giải ngân tăng vọt nhờ Dự án đường Vành đai 3

Sau khi thực hiện hàng loạt giải pháp, cộng với sự đốc thúc liên tục của Chủ tịch UBND TP.HCM, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4 và tháng 5 của Thành phố tăng vọt so với 3 tháng đầu năm (chỉ đạt 2%).

Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho thấy, tính đến ngày 12/5, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đạt 8.236 tỷ đồng, đạt 20% tổng vốn mà TP.HCM giao đợt 1. Còn tính trên tổng vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023, thì tỷ lệ giải ngân đạt 11,67%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM trong 2 tháng qua tăng cao là nhờ việc thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM) cho biết, tháng trước, Ban mới giải ngân được 3% tổng vốn được giao đợt 1. Nhờ việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3, mà tỷ lệ này tăng lên 30%. Tính trên toàn bộ số vốn được giao của năm 2023, Ban Giao thông TP.HCM đã giải ngân được 17%.

Theo ông Phúc, từ nay đến hết ngày 30/6/2023, dự kiến số vốn giải ngân cho Dự án đường Vành đai 3 là 10.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ đồng chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng và 2.000 tỷ đồng chi cho phần xây lắp.

“Ban Giao thông TP.HCM đang phấn đấu đến hết ngày 30/6 đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%” ông Phúc nói.

Được biết, bên cạnh việc giải ngân vốn đầu tư công tại Dự án đường Vành đai 3, Ban Giao thông TP.HCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 50, Dự án nút giao An Phú để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu công trong quý II/2023 đạt trên 35%.

Còn nhiều nỗi lo

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại đầu tàu kinh tế của đất nước tăng mạnh trong 2 tháng qua là điều đáng mừng, song nếu phân tích kỹ số liệu báo cáo, sẽ thấy còn nhiều mối lo.

Theo báo cáo số liệu chi tiết của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư dự án gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, có 42 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân năm 2023 không đạt 95%. Tính theo kế hoạch này, thì đến hết năm nay, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM chỉ đạt 93,1%, thấp hơn tỷ lệ 95% mà Thủ tướng Chính phủ giao. TP.HCM đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 35%, song thông qua kế hoạch mà các đơn vị báo cáo, thì có thể chỉ đạt 27,2%.

Đáng nói là, trong 4 ban quản lý dự án được giao số vốn lớn nhất của TP.HCM, chỉ có 2 ban dự kiến giải ngân đạt trên 35%, là Ban Giao thông TP.HCM và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM. Còn Ban Quản lý đường sắt đô thị dự kiến chỉ đạt 31%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị dự kiến chỉ đạt 20,1%.

Bên cạnh đó, có 79 dự án dự kiến giải ngân cả năm 2023 đạt dưới 95% do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Việc chậm giải phóng mặt bằng tại các dự án giao thông có thể coi là “vấn nạn” nhiều năm nay, khiến hầu hết các dự án bị chậm tiến độ. Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM thẳng thắn chỉ ra, rất nhiều dự án hạ tầng giao thông giải phóng mặt bằng chậm trễ là do các quận, huyện có tâm lý rằng, Sở Giao thông - Vận tải là đơn vị phê duyệt dự án, thì Sở phải tự đôn đốc.

Ông Bằng cho biết, ngoài quận Bình Tân, thì gần như không có chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, huyện nào trực tiếp liên hệ với ông về những khó khăn gặp phải và bàn hướng giải quyết. “Mời họp thì quận, huyện chỉ cử lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị hoặc chuyên viên đi họp, nên các vấn đề không được giải quyết”, ông Bằng nêu thực trạng.

“Mắt xích” yếu kém trong giải ngân đầu tư công ở TP.HCM
Các mắt xích yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công chưa được TP.HCM xử lý triệt để. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì giải ngân vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư