Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đầu tư mạnh cho hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm tới
Như Chính - 16/08/2019 09:09
 
Đồng bằng sông Cửu Long có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng, là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư vào đây.

Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 rằng, Chính phủ luôn quan điểm vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng. ĐBSCL là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư vào đây.

Ông Huệ cũng cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,59%). Trong khi đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.

“Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điểm này và có nghị quyết chuyên đề.

Dự kiến từ nay đến 2020 và chương trình trung hạn 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM.

Các loại hình như hàng hải, đường bộ, hàng không, đường sắt... sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, không ở đâu có lợi thế như ĐBSCL, phù hợp phát triển dịch vụ logistics quốc tế cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, kết nối cảng tại Cần Thơ, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.

Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Trước mắt, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng trong phần vượt thu năm 2018 cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 932 tỷ đồng. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phần vượt thu năm nay. Khi Ủy ban có ý kiến, Thủ tướng sẽ ký quyết định cho phân bổ ngay để cùng với vốn tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020.

Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Chính phủ sẽ bám sát vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về cầu Mỹ Thuận 2, đây là 1 trong 11 gói của Cao tốc phía Đông, 5.100 tỷ đồng bằng trái phiếu, dự kiến khởi công quý I/2020.

Cuối 2020, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể thông xe

Trước đó, trả lời chất vấn về tiến độ tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đây là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.

Đối với đoạn đường từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư, và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án. Việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. 

Như vậy, về trách nhiệm của Nhà nước, thì với 2.186 tỷ đồng, chúng ta đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, còn phần vốn của nhà đầu tư, hiện nay nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2 khoản vốn kể trên, thì đến cuối 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội bố trí 5.100 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020 sẽ khởi công cây cầu này. Riêng 2 đường vào cầu, thì từ nay đến tháng 12/2019 sẽ khởi công.

Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa mở thầu. Lý do là cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỷ đồng thì phương án tài chính mới khả thi. Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long bàn giao mặt bằng cho các đơn vị này sử dụng 932 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất, sớm nhất có thể thông tuyến xuống được Cần Thơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư