Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi:
"Đầu tư ngắn hạn cho kinh tế biển đảo thì sẽ không bao giờ thành công"
 
Là người tâm huyết với việc xây dựng và áp dụng chính sách quản lý tổng hợp biển và hải đảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, phát triển kinh tế biển đảo nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững chính là để khẳng định khả năng làm chủ thực tế trên những vùng biển, đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Bộ đội biên phòng Kiên Giang tích cực tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền biên giới, đảo và chấp hành những quy định của Nhà nước trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. (Ảnh: TTXVN)




Đây cũng là cách tốt nhất thực hiện chủ quyền dân sự của Việt Nam trên biển, tạo điều kiện hiện diện dân sự, góp phần thực hiện một nền quốc phòng toàn dân trên biển. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi xung quanh những vấn đề này.

- Là chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên biển đảo, ông đánh giá thế nào về nguồn tài nguyên biển và hải đảo ở nước ta?

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Biển Đông là khu vực chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thủy sản, khoáng sản.

Biển Đông là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển có giá trị cao trên thế giới, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đồng thời là một trong 16 ngư trường lớn của thế giới và cũng chính là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.


Không chỉ có tài nguyên, khu vực Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất nhì thế giới, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương xuyên qua Biển Đông cùng với 5-7 tuyến hàng hải cấp khu vực. Với đường bờ biển khúc khuỷu, kéo dài, nhiều cửa sông và đầm phá, đặc biệt có khoảng 54 vịnh ven bờ, nước ta có tiềm năng phát triển cảng và dịch vụ cảng.

Sự giàu có của Biển Đông cùng với vị trí “ngã ba đường” quốc tế của nó đã khẳng định giá trị địa chính trị trên bình đồ khu vực và quốc tế, làm tăng khát vọng chủ quyền biển đảo của các nước trong khu vực và thậm chí cả ngoài khu vực.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi. (Ảnh: NVCC)


Với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ tập trung ở vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đảo.

Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn” cũng là một “cột mốc chủ quyền” và là một “chiến hạm” không thể đánh chìm trên vùng biển của đất nước. Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại.

Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1 triệu ha đầm phá nông (độ sâu 1-6 m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản.

Đây cũng là khu vực có tới 517 loài san hô so với 566 loài của Tam giác san hô thế giới và là nơi “duy dưỡng” toàn bộ nguồn tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thủy sản trên biển Đông.

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, nhiều đảo trên vùng biển nước ta còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn h​óa và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn h​óa làng chài” và “văn minh biển cả,” hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả,” góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.

- Với tiềm năng lớn và truyền thống bám biển từ ngàn đời của cha ông, việc khai thác tiềm năng biển đảo của nước ta đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi:  Biển gắn bó với người dân Việt từ ngàn đời, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người, biển luôn gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của dân tộc, tạo ra một trong những nét độc đáo của văn h​óa Việt - văn h​óa ứng xử biển cả.

Tuy nhiên, đến nay, nước ta vẫn chưa hình thành nền công nghiệp biển - đại dương theo đúng nghĩa, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Chủ trương đúng quá rồi nhưng đến nay chúng ta chưa tiêu chí hóa được cho nên đương nhiên vẫn rơi vào lúng túng. Ta đã nhấn mạnh đến vùng duyên hải, hoàn toàn đúng, nhưng không quyết liệt hướng ra “biển lớn” thì không thể chủ động.

Cần phải chuẩn bị sớm từ hôm nay để có ngày mai. Nên đặt cột mốc để phấn đấu, làm dần và có lộ trình cụ thể, có kết quả cụ thể và được đánh giá bằng các tiêu chí cụ thể…

Một góc cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). Đây là là một trong 10 cảng cá thuộc Dự án nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)


Đầu tư cho phát triển biển nói chung, kinh tế biển nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn và đồng bộ nhưng lợi ích đem lại rất lâu dài. Phải chăng vì thế mà làm nghề biển phải có bản lĩnh quyết đoán và tính mạo hiểm?

Nếu chỉ đầu tư hoặc có cái nhìn ngắn hạn đối với phát triển biển và kinh tế biển thì sẽ không bao giờ thành công. Bài học thực tế bảo vệ biển đảo của cha ông ta chỉ rất rõ sự kết hợp sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, giữa Nhà nước và nhân dân để huy động tối đa sức mạnh và ý chí cả dân tộc.  

- Khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống tài nguyên biển, đảo đang được coi là một trong những chiến lược phát triển quan trọng của đất nước. Ông đánh giá thế nào về quá trình thực hiện chiến lược này?

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Nhìn từ biển vào đất liền, có thể thấy rằng, để hỗ trợ phát triển kinh tế đảo hiệu quả vẫn cần tạo dựng và duy trì tính liên kết với đất liền và các khu vực ven biển.

Về mặt này, trên thế giới và có lẽ ở ngay Việt Nam đã xuất hiện một số thực tiễn tốt có thể nhận thấy từ việc phát triển chuỗi đô thị ven biển từ Bắc vào Nam theo mô hình: cảng-đô thị-khu kinh tế ven biển và biển từ thời Pháp thuộc.

Bốn yếu tố cơ bản trong mô hình này là các mảng không gian kinh tế riêng, nhưng luôn tác động tương hỗ nhau cùng phát triển trong một “khuôn khổ phát triển toàn diện” hướng tới lợi ích chung trong dài hạn.

Hiện nay, Chính phủ chủ trương đánh thức tiềm năng dải ven biển và hệ thống đảo ven bờ miền Trung bằng việc phát triển chuỗi đô thị gắn với cảng nước sâu.

Đây là một chủ trương đúng đắn và mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn phát triển của nước ta, phát huy được các bài học về mô hình tổ chức không gian kinh tế ven biển nói trên trong bối cảnh hội nhập và chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuỗi đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu và khu kinh tế với một lộ trình đầu tư hiệu quả sẽ tạo ra “nhu cầu nội vùng” cho miền Trung - một khu vực còn “yếu thế” về khả năng “cung” cho kinh tế biển, kinh tế đảo, nhưng lại có “lợi thế tĩnh” về tiềm năng phát triển cảng biển, gần tuyến hàng hải quốc tế và khu vực.

Phù hợp với xu thế thời đại, để thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2014-2020, trong lĩnh vực biển đảo Việt Nam phải từng bước chuyển từ “kinh tế biển nâu” sang “kinh tế biển xanh” dựa vào bảo tồn thiên nhiên và văn hóa biển, đảo.

Khi ấy, các ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra công ăn việc làm mới cho người dân ven biển, trên các đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế người dân, làm thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân, người dân sẽ bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Cùng với kinh tế biển, phát triển kinh tế đảo nhanh mạnh, hiệu quả và bền vững chính là để khẳng định khả năng làm chủ thực tế và lâu dài trên những vùng biển, đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Đây cũng là cách tốt nhất thực hiện chủ quyền dân sự của Việt Nam trên biển.

Nâng cấp tàu thuyền cho ngư dân tại một cơ sở đóng tàu tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: TTXVN)


- Để “mạnh từ biển, giàu từ biển” như mục tiêu của Chiến lược biển đã đề ra, theo ông chúng ta cần chú trọng những giải pháp gì?

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Muốn trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển, theo tôi, cần phải có định hướng chiến lược và lộ trình kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể như đã nói trên.

Trong đó, con người làm chủ được trình độ khoa học, công nghệ khai thác biển tiên tiến; phải có các phương tiện điều tra-nghiên cứu và khai thác biển hiện đại, thúc đẩy phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả theo hướng công nghiệp và bền vững. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống cơ chế chính sách quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên cơ quan… để thống nhất quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.

Có thể nói, kinh tế biển là những ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù và quản lý biển là lĩnh vực quản lý chuyên ngành, nên cần những con người có trình độ chuyên môn-công nghệ, người hiểu biển và tâm huyết với biển.  

Ngay với đội ngũ ngư dân, chúng ta cũng phải làm tốt công tác đào tạo lao động trên biển. Chúng ta không thể tiến ra biển lớn với một đội ngũ chủ yếu bằng kinh nghiệm như hiện nay.

Chúng ta cũng phải ra biển với tư thế của một đội hình hiện đại. Hiện nay phương tiện đi biển của chúng ta nhiều nhưng chưa hiện đại nên cần phải khắc phục tính lạc hậu và tụt hậu về khoa học công nghệ biển.

Bởi lẽ, như tôi đã nói, chúng ta không thể dùng “thuyền thúng” để ra “biển lớn.”

Thứ ba, chúng ta phải có những “bà đỡ” cho các hoạt động trên biển, có một số ngành phải được tổ chức mạnh để làm cơ sở phát triển các ngành khác như dầu khí, hàng hải. Nghề cá cũng cần được tổ chức ngày càng hiện đại hơn.

Hiện nay, chúng ta mới tổ chức được đánh cá xa bờ, chứ chưa có đánh cá viễn dương. 

Đối với khai thác biển hiện nay, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tổ chức, tăng tính kết nối của đội hình ra biển cũng rất quan trọng để.

Tôi cho rằng, đối với ngư dân phải thực hiện “bốn chữ liên”: liên kết với nhau để ra biển; liên hoàn với nhau khi thực hiện các khâu sản xuất trên biển; liên thông thông tin và liên tục bám biển.

Nếu không có “bốn chữ liên” này, đất nước mình mất đi hẳn một lực lượng làm kinh tế biển và cũng mất đi hẳn một lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển.  

- Trân trọng cảm ơn ông!

Kỳ cuối: Kinh tế biển mạnh, chủ quyền sẽ vững
() “Biển đảo đã ấm lòng hơn”. Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã nhiều lần nhắc đến điều đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư