Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Bài học từ thực tiễn
TS. Phan Hữu Thắng - 28/03/2013 11:37
 
Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức hôm nay (27/3) tại Hà Nội là dịp để phân tích, đánh giá những thành tựu, cũng như yếu kém từ thực tiễn thu hút FDI, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp cho thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN

Thu hút, sử dụng FDI trong các lĩnh vực, trong đó có cảng biển cần gắn với chiến lược chung về phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Toàn

Những tồn tại của khu vực FDI

Tuy còn có ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng đã có một số vấn đề được coi là tồn tại của khu vực FDI thời gian qua.

Một là, chưa tiếp nhận được công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực FDI tuy sử dụng công nghệ cao hơn so với công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, nhưng phần lớn dự án sử dụng công nghệ trung bình và thấp, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, đồ uống... số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít.

Hai là, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam không ổn định, biến động tăng - giảm theo các giai đoạn phụ thuộc vào sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Giai đoạn đầu (1988 – 1996), dòng vốn FDI gia tăng do triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam và nền kinh tế mới mở cửa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 1997-2000, dòng FDI giảm, ngoài việc do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á, chủ yếu do yếu kém của môi trường đầu tư Việt Nam. Giai đoạn 2001 – 2008, mặc dù kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhưng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, đạt đỉnh điểm vào năm 2008. Từ năm 2009 đến nay, do một số hạn chế trong nội tại nền kinh tế, dòng FDI vào Việt Nam chậm lại.

Ba là, FDI vào Việt Nam không theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên đã phá vỡ quy hoạch phát triển một số ngành, nhất là các dự án sản xuất thép.

Bốn là, việc đầu tư vào các KCN, KCX, KKT, đặc biệt là các KKT chưa hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy các khu còn thấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Năm là, bằng các lợi thế riêng, FDI đã có biểu hiện chèn ép đầu tư trong nước, đặc biệt là đối với các thành phần kinh tế tư nhân.

Sáu là, FDI đã có những biểu hiện vi phạm và có thể sẽ để lại các hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Bảy là, FDI đã chiếm dụng, gây lãng phí về đất đai, tài nguyên.

Tám là, FDI gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến nếp sống, suy nghĩ và văn hóa của người Việt Nam.

Chín là, FDI dễ tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, còn có thể liệt kê thêm một số tồn tại khác của khu vực FDI như tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành/lĩnh vực còn thấp; chưa có giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề chuyển giá - trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI...

Bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước

Có thể nói, các tồn tại nêu trên đều có lỗi của quản lý nhà nước, vì chính Nhà nước đã có chủ trương, đã xây dựng luật pháp chính sách, mở cửa để thu hút FDI và có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện và quản lý FDI từ khâu đầu tiên (xúc tiến đầu tư), đến khâu cuối cùng (là kết thúc hoạt động của doanh nghiệp có vốn FDI).

Có thể điểm lại những thiếu sót của công tác quản lý nhà nước về FDI theo quy trình của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ khâu đầu đến khâu cuối như sau:

- Thiếu một chiến lược về FDI, nên chưa có quy hoạch gọi vốn, sử dụng vốn FDI.

- Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia chưa đưa ra được các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; chưa có các dự án trọng điểm có tác động đến phát triển kinh tế trong nước để tập trung vận động đầu tư. Trong khâu tổ chức, thực hiện xúc tiến đầu tư, đã xảy ra hiện tượng ở cùng một thời điểm, có nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của các địa phương và các bộ, ngành.

- Hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư không thống nhất giữa các luật, khác biệt và thiếu nhất quán giữa các giai đoạn phát triển, gây khó khăn cho cả các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực không theo kịp nhu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp có vốn FDI;

- Năng lực và hiệu lực thanh tra, giám sát thấp và thiếu sự phối hợp đồng bộ. Một số vụ việc vi phạm chậm được phát hiện và thiếu giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Một điểm yếu cơ bản nữa của quản lý nhà nước là khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ còn rất chậm, như việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 7/4/2009 của Chính phủ về định hướng, giải pháp và quản lý vốn FDI; Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI, trong đó có nhiều đầu việc đã được giao cho các Bộ, địa phương tổ chức thực hiện nhưng triển khai rất chậm, nhiều việc chưa hoàn thành.

Cần xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng FDI.

Đến nay, sau hơn 25 năm thu hút và sử dụng FDI, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể quốc gia về thu hút và sử dụng có hiệu quả FDI. Thiếu chiến lước dẫn đến thiếu quy hoạch, kế hoạch, chương trình để đạt mục tiêu đặt ra.

Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1991 - 2000; 2001 - 2010 và hiện nay là 2011 – 2020. Mặc dù FDI đã được xác định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng chưa có chiến lược FDI gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt các chủ trương về thu hút FDI của Đảng và Nhà nước, thì việc tổ chức xây dựng một chiến lược về FDI với sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia nghiên cứu về FDI là cần thiết, cần sớm được tiến hành trong năm 2013.

Chiến lược đó phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sâu sắc và toàn diện những thành tựu cũng như những mặt trái, tồn tại trong 25 năm thu hút FDI. Nội dung chiến lược phải trả lời được các câu hỏi, vì sao chúng ta cần thu hút FDI? Thu hút vào những ngành, lĩnh vực nào là phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và với phân công lao động quốc tế, với chuỗi giá trị toàn cầu? Đâu là các công cụ và giải pháp cơ bản để thực hiện được mục tiêu chiến lược đã đề ra?

(Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư