Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dạy thêm cũng cần được… quản trị
Nhã Nam - 12/09/2014 08:54
 
Chuyện dạy thêm, học thêm cũng cần được quản trị một cách khoa học, chứ không phải chỉ nói cấm hay không cấm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh doanh giáo dục: Cấm dạy thêm hay không?

Chuyện dạy thêm, học thêm tưởng đã cũ, nhưng hóa ra vẫn rất nóng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt ngay sau khi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng hôm Chủ nhật (7/9) vừa qua, với chủ đề “Kinh doanh giáo dục - Cấm dạy thêm”. Chỉ 2 ngày sau khi lên sóng, đã có hơn 300 comment. Điều đó cho thấy, vấn đề dạy thêm hết sức nhạy cảm và nóng bỏng, với nhiều quan điểm trái chiều.

   
 

Bà Nguyễn Đoàn Kim Sơn, Phó tổng giám đốc Bachkhoa Computer là CEO của Chương trình kỳ này (giữa) và hai vị chuyên gia TS. Lê Thẩm Dương (bên trái) và ông Nguyễn Hữu Thái Hòa (bên phải)

 

Các bình luận trên trang facebook của Chương trình có khi còn gay gắt hơn cả cuộc tranh biện giữa CEO của Chương trình là bà Nguyễn Đoàn Kim Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Bách Khoa (Bachkhoa Computer) và các giáo viên. “Quan điểm của cá nhân tôi vẫn là không khuyến khích dạy thêm, học thêm”, bà Kim Sơn nói.

Trong khi đó, quan điểm trái chiều về chuyện dạy thêm, học thêm vẫn rất sôi nổi. Một cách thẳng thắn, bạn Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ quan điểm rằng, cấm dạy thêm là vô lý. “Chỉ những giáo viên có kiến thức và cách giảng dạy tốt mới có thể thu hút học sinh. Quy luật đào thải sẽ giải quyết vấn đề, nên không đến mức phải cấm”, Nguyễn Tuấn Anh viết.

Trong khi đó, “phe” ủng hộ chuyện dạy thêm, học thêm, như bạn Chicky H1 cho rằng, dạy thêm dưới một góc độ nào đó chỉ là chuyện cung - cầu, có cầu mới có cung.

“Không khuyến khích việc giáo viên dạy thêm hay làm thêm, nhưng với điều kiện xã hội hiện nay, không thể cấm hay phê phán, nếu việc dạy thêm là phục vụ nhu cầu bồi dưỡng kiến thức chính đáng của người học và cũng là điều kiện để cải thiện đời sống cho giáo viên”, bạn Võ Hiếu bày tỏ quan điểm.

Không bàn nhiều về chuyện CEO hành xử ra sao trong Chương trình, các bình luận trên facebook của Chương trình lần này tập trung nhấn mạnh những vấn đề bất cập trong ngành giáo dục hiện nay, cũng như đề xuất giải pháp phải làm sao để cải cách toàn diện giáo dục - đào tạo, vấn đề sống còn hiện nay đối với ngành giáo dục.

“Thực tế, nền giáo dục Việt Nam cần có sự thay đổi ở nhiều mặt, từ nội dung sách giáo khoa đến công tác dạy và học…”, bạn Phương Nam Nguyễn viết.

Thậm chí, có cái nhìn vượt xa cả những nội dung trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT cho rằng, chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay là do hệ thống giáo dục Việt Nam sai về cách giảng dạy.

“Theo cách dạy của Việt Nam, giáo viên là người truyền thụ kiến thức. Trong khi đó, ở nước ngoài, họ dùng công nghệ, dùng điện toán để dạy học, giáo viên chỉ là người chuyển tải. Nếu chỉ là người chuyển tải, thì sẽ không ai thuê giáo viên dạy thêm cả”, ông Hòa nói.

Thực tế, vấn đề được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây là chuyện áp dụng “công nghệ giáo dục” trong đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục. GS. Hồ Ngọc Đại là người đi đầu trong việc đưa công nghệ giáo dục vào trường học. Tuy nhiên, khi chuyện lớn của cả ngành giáo dục vẫn đã và đang được thảo luận và chưa thể sớm có những bước đi đột phá, thì ông Hòa cho rằng, trong tình huống của Chương trình, CEO không nên giải quyết vấn đề quá cứng nhắc bằng cách cấm dạy thêm.

“Phải cố gắng tạo sự dung hòa, nếu giáo viên thực sự cần có thêm thu nhập thì cũng có thể tạo điều kiện và hỗ trợ họ”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, vừa dưới góc nhìn của nhà quản lý, vừa là một giáo viên, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, cũng cần phải “quản trị” cả việc dạy thêm. “Phải phân tích nguyên nhân vì sao giáo viên đi dạy thêm và quản trị dạy thêm bằng các hợp đồng lao động với giảng viên. Thậm chí, có thể dùng cả biện pháp mời giáo viên bên ngoài vào dạy trong trường. Xuất hiện cạnh tranh, giáo viên sẽ tự biết cách để vươn lên và họ sẽ không còn thời gian để đi dạy thêm nữa”, ông Dương phân tích.

Quan điểm của ông Dương có lẽ đồng quan điểm với một số bình luận trên facebook của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, khi họ cho rằng, cần có cơ chế quản lý giáo viên vì việc dạy thêm có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy chính thức. Còn chuyện cấm, có lẽ là không nên.

 Nếu ở tình huống tương tự, các CEO sẽ phải làm như thế nào? Có thể học TS. Lê Thẩm Dương cách quản trị việc dạy thêm hay không? Hay làm sao để dung hòa quyền lợi, như ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đã nói.

Đây chính là hai vị chuyên gia sẽ góp ý cho CEO Nguyễn Đoàn Kim Sơn trong Chương trình và có lẽ, cũng sẽ hữu ích cho các trường học trong quản lý việc học thêm, dạy thêm.

Chương trình sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật (ngày 14/9) và phát lại vào 8 giờ sáng Thứ Hai (ngày 15/9). Mời quý doanh nghiệp, doanh nhân xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV. Báo Đầu tư là cơ quan hỗ trợ nội dung và liên kết truyền thông.

TIN LIÊN QUAN
Giải quyết khủng hoảng với khách hàng: Tình hay lý?
Thiếu am hiểu về tài chính là rủi ro đối với CEO
Chi vượt chi phí, không “thiệt” quyền lợi
Thả con săn sắt, bắt con cá rô
Khi nào cổ đông sẵn sàng chi tiền cho truyền thông?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư