Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
DDCI Quảng Ninh năm 2020: Động lực phát triển từ áp lực cạnh tranh
Thu Lê - 24/03/2021 12:25
 
DDCI là một công cụ hữu hiệu để Quảng Ninh, cũng như các sở, ban, ngành và địa phương hiểu cộng đồng doanh nghiệp, hiểu chính mình và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền.
DDCI Quảng Ninh 2020 ghi nhận sự cải thiện trong chất lượng thực thi của chính quyền
DDCI Quảng Ninh 2020 ghi nhận sự cải thiện trong chất lượng thực thi của chính quyền

Sau 6 năm Quảng Ninh thực hiện đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), Bộ chỉ số này đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu đưa những cải cách của tỉnh Quảng Ninh đến tận từng cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành và địa phương.

QEZA vươn lên vị trí dẫn đầu

Bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2020 khối sở, ban, ngành được thực hiện với 21 đơn vị. Điểm trung vị của các chỉ số thành phần năm 2020 của khối này đều lớn hơn 5, điều đó cho thấy đa phần các sở, ban, ngành đều nỗ lực vươn lên và hội tụ ở cận trên. Trong số đó, chỉ số có điểm trung vị cao nhất là chi phí thời gian, với 6,52 điểm. Hầu hết các chỉ số còn lại có điểm trung vị thấp, trong đó đáng lưu ý là vai trò người đứng đầu, thiết chế pháp lý, tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, DDCI là một công cụ hữu hiệu để Quảng Ninh, cũng như các sở, ban, ngành và địa phương hiểu cộng đồng doanh nghiệp, hiểu chính mình và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền. Điều quan trọng là DDCI đã tạo ra động lực cạnh tranh, cải cách giữa các sở, ban, ngành, địa phương của Quảng Ninh để thực hiện mục tiêu chung là tạo ra sự thuận lợi, nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khoảng cách giữa nhóm đứng đầu và đứng cuối lại cho thấy sự chênh lệnh khá lớn về năng lực điều hành của khối sở, ban, ngành, với điểm số của đơn vị dẫn đầu ở mức 83,83 điểm, cao hơn tới 47,53 điểm so với đơn vị đứng cuối (36,33 điểm). Điều này cũng đồng nghĩa với đánh giá của cộng động doanh nghiệp là rất khắt khe và khách quan.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) là đơn vị giữ vị trí quán quân khối sở, ban, ngành, tăng hai bậc xếp hạng và 8,91 điểm so với năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Kết quả này đã phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những cải thiện năng lực điều hành của đơn vị này, nó cũng cho thấy sự quyết liệt của QEZA trong nỗ lực cải cách, sáng tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Phân tích kỹ, các chỉ số thành phần của QEZA đạt được trong Bộ chỉ số DDCI năm 2020 đều nằm trong top 5 dẫn đầu khối, trong đó có 2 chỉ số đứng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí không chính thức.

Nếu so sánh với các chỉ số thành phần của năm 2019 và 2018 thì QEZA còn là đơn vị hiếm hoi trong khối sở, ban, ngành có sự tăng điểm ở hầu hết các chỉ số thành phần. Rõ ràng, QEZA đã rất nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng thực thi chính sách, tạo được niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng ban QEZA chia sẻ: “Là một trong những đơn vị thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình trong việc lan toả hình ảnh Quảng Ninh là một điểm đến an toàn, thân thiện và cởi mở. Do vậy, Ban đã luôn quán triệt và nhanh chóng triển khai các chính sách, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà tỉnh đã đề ra. Trong đó, tư tưởng, phong thái, tác phong làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức của Ban phải thể hiện được sự ân cần, tôn trọng và thông tỏ luôn được ưu tiên hàng đầu”.

Bên cạnh các giải pháp cải cách hành chính, tinh giản các thủ tục giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai dự án, thì việc áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc cũng được QEZA thực hiện rất tốt, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hồ sơ được nhận tiếp nhận qua mạng và trả kết quả qua đường bưu điện. Ngay những ngày đầu năm 2021, khi Covid-19 diễn biến rất căng thẳng tại Quảng Ninh, QEZA vẫn tiến hành hướng dẫn, thẩm định hồ sơ và trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đến từ Singapore để thực hiện Dự án nhà máy Lioncore Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

 

Cẩm Phả quay lại vị trí đầu bảng

Đối với khối địa phương, năm 2020, TP. Cẩm Phả đã quay lại vị trí đầu bảng xếp hạng với 72,1 điểm, chỉ sau một năm rơi xuống vị trí số 7. Trước đó, năm 2017 và 2018, địa phương này đều giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng của khối địa phương.

Điểm đáng chú ý là chỉ số vai trò người đứng đầu được thể hiện rất rõ và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao với 8,7 điểm, dẫn đầu trong 13 địa phương. Nhiều chỉ số quan trọng khác của Cẩm Phả đứng trong top đầu như: tính năng động và hiệu lực của hệ thống chính quyền địa phương xếp thứ 2 với 8,65 điểm, chỉ kém địa phương đứng đầu là TP. Móng Cái 0,03 điểm. Đây cũng là chỉ số mà Cẩm Phả có sự cải thiện lớn nhất, tăng đến 3,64 điểm. Chỉ số chi phí thời gian cũng đứng thứ 2 với 8,01 điểm; cạnh tranh bình đẳng đứng thứ 3 với 7,36 điểm, tăng 2,31 điểm so với năm 2019.

Một ý kiến đánh giá của doanh nghiệp khi gửi phiếu khảo sát DDCI về cho Ban tổ chức đã ghi như sau: “Doanh nghiệp hoàn toàn đồng ý và ủng hộ các chính sách và đường lối phát triển của chính quyền thành phố đề ra. Rất mong chính quyền TP. Cẩm Phả tiếp tục phát huy tốt năng lực điều hành và cải thiện môi trường đầu tư như trong thời gian qua”.

Ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Cẩm Phả khẳng định: “Năm 2020 là một năm rất khó khăn với cộng động doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh nói chung và của Cẩm Phả nói riêng. Nhưng chính trong khó khăn, chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp lại tìm ra được nhiều giải pháp hữu hiệu hơn. Điều này thể hiện sự năng động của người đứng đầu và của chính quyền TP. Cẩm Phả”.

Thẳng thắn nhìn vào những mặt chưa được, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả nhấn mạnh, tuy đã quay lại vị trí dẫn đầu, nhưng Cẩm Phả còn nhiều chỉ số chưa có sự cải thiện tốt, thậm chí là giảm điểm.

“Đây sẽ là dư địa để Cẩm Phả thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và là động lực lớn để xây dựng Cẩm Phả trở thành nơi phát triển năng động, văn minh và hiện đại”, ông Cường nói.

Quay lại vị trí dẫn đầu đồng nghĩa với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào khả năng điều hành của chính quyền địa phương đã quay trở lại. Năng lực này cũng đã được khẳng định bằng kết quả thực tế. Năm 2020, dù chịu tác động của Covid-19, nhưng10/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Cẩm Phả đã hoàn thành và vượt kế hoạch.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng của Cẩm Phả tăng gần 15%; nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định tăng 12%; thương mại - dịch vụ tăng trên 13% so với cùng kỳ. Thu ngân sách phần tỉnh giao đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 33,5% kế hoạch tỉnh, tăng 45% so với cùng kỳ và là địa phương đứng top đầu trong tỉnh về thu ngân sách. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch.

Nhiều dự án động lực về giao thông đi qua Cẩm Phả được triển khai như đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường QL18A, đoạn Hạ Long - Mông Dương được cải tạo mở rộng; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; tuyến đường nối Cẩm Phả - Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã gỡ nút thắt về phát triển kinh tế cho địa phương.

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, Cẩm Phả đã nhanh chóng kêu gọi được các nhà đầu tư để phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Trong 3 năm trở lại đây, Cẩm Phả đã kêu gọi được hơn 10.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực này. Điều này chứng tỏ, Cẩm Phả đã nhận được niềm tin từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp để chuyển mình từ một thành phố công nghiệp, thành một thành phố du lịch, dịch vụ và một thành phố xanh.

Cẩm Phả định hướng trở thành tâm điểm du lịch thứ 2 của Quảng Ninh
Sở hữu tiềm năng du lịch, giá trị về thiên nhiên, văn hoá đặc sắc và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, Cẩm Phả nỗ lực để đến năm 2025 trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư