Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đề án Chuyển đổi số quốc gia: Chấp nhận mô hình kinh doanh mới
Tú Ân - 04/04/2019 08:36
 
Dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, đã nêu bật quan điểm tích cực chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
Đề án Chuyển đổi số sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề án Chuyển đổi số sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tối đa hóa lợi ích từ công nghệ số

Bản dự thảo đầu tiên của Đề án Chuyển đổi số quốc gia vừa được Cục Tin học (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia. Trong đó, Ban soạn thảo đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực cho sự tăng trưởng”.

Về quan điểm chỉ đạo, Ban soạn thảo đã nêu: “Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Đối với các ngành, các lĩnh vực, nhất thiết phải tối đa hóa lợi ích từ các công nghệ số tiên tiến. Đặc biệt, cần bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả đối tượng khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình”.

Dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành chuyển đổi số. Đặc biệt, Dự thảo rất quan tâm tới quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, vì đây là những lĩnh vực thiết yếu, nền tảng của kinh tế - xã hội quốc gia.

“Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các lĩnh vực trọng điểm của chuyển đổi số, như chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, trong y tế, giáo dục đào tạo, phúc lợi xã hội… Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp là những đối tượng sẽ chịu sự tác động của Đề án, nên họ cần được tham vấn ý kiến ngay từ những bản dự thảo đầu tiên”, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết.

Doanh nghiệp đi trước một bước

Bản Đề án Chuyển đổi số quốc gia được doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin rất quan tâm, thậm chí họ đã “đi trước một bước”.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Tập đoàn FPT đã định hướng xoay trục hoạt động kinh doanh, hướng trọng tâm từ một doanh nghiệp gia công phần mềm sang một công ty tư vấn về chuyển đổi số.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT nhận định, chuyển đổi số đang là xu hướng mới trên thị trường, là điều bắt buộc mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu “không muốn bị bỏ lại phía sau”. Trong một thị trường tiềm năng như vậy, cơ hội cho những người đi đầu là rất lớn.

Theo ông Bình, con đường “hóa rồng” với FPT sẽ là bước chuyển từ một doanh nghiệp gia công phần mềm trở thành một công ty về tư vấn chuyển đổi số. Theo đó, FPT sẽ thực hiện chuyển đổi số ngay trong chính nội bộ công ty và đó sẽ trở thành “bản CV tốt nhất” để FPT giới thiệu với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Còn ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đang bám sát Đề án Chuyển đổi số quốc gia, đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu trong khu vực. Bản thân VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số.

“VNPT đã đóng góp nhiều ý kiến cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam”, ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, trong giai đoạn tới, VNPT tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, chính quyền địa phương hoàn thiện khung kiến trúc số; tập trung xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở trên cơ sở kế thừa, tích hợp, chuẩn hóa và chia sẻ các nguồn dữ liệu đa dạng, phong phú đã được hình thành tại các đơn vị.

Còn Viettel cũng vừa ra tuyên bố, năm 2019 là năm Viettel lĩnh sứ mệnh “kiến tạo xã hội số ở Việt Nam”, chuyển đổi mạnh mẽ từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.

Theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel, Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia để làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai. Sớm ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số. Xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia cũng là một cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công.

"Chuyển đổi số là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp”
Đó là nhận định của Trần Hà Thanh, Giám đốc Khối Công nghệ của Techcom Securities, một đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư