Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp bắt nhịp “chuyển đổi số”
Vũ Anh - 04/01/2019 06:52
 
Có nhiều con đường để doanh nghiệp “chuyển đổi số” thành công, nhưng tất cả phải bắt nguồn từ con người.

Những cơn địa chấn

Doanh nghiệp Việt đã trải qua một năm “ăn nằm” với cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation). Nó tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ, nhưng lại gây ra nhiều xáo trộn đối với các ông lớn trong nhiều ngành. Nhiều ông chủ “tóc bạc” còn chán ngấy khi báo chí hỏi về cách mạng công nghiệp 4.0, đơn giản vì họ nghĩ đây như kiểu trào lưu mới của làng kinh doanh.

Nhờ sớm ứng dụng công nghệ hiện đại, Vinamilk đã giảm mạnh được chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Toàn
Nhờ sớm ứng dụng công nghệ hiện đại, Vinamilk đã giảm mạnh được chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Toàn

Nhưng không, với cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn chỉ với một cái “click”. Khách hàng luôn sẵn sàng đến với sản phẩm để tiết kiệm chi phí giao dịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab, Facebook hay Viber đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực nhàn rỗi trong xã hội.

Năm 2012, Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã gây chú ý khi khởi xướng dự án ứng dụng gọi xe qua điện thoại di động MyTeksi tại Malaysia, về sau trở thành Grab và hiện là start-up “kỳ lân tỷ USD” phủ sóng 235 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á. Tháng 3/2018, Grab đã tạo ra một cơn “địa chấn” trong giới khởi nghiệp khi công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á và đang được hậu thuẫn bởi nhiều nhà đầu tư lớn như SoftBank, Didi Chuxing, Toyota, Microsoft, Hyundai...

Thế mạnh công nghệ mới đã giúp các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống như hạ tầng tin học, sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, giao dịch tài chính... Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ Quỹ VinaCapital dự báo, từ năm 2016 đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ tăng 1,7%, nhưng số người sử dụng Internet tăng 10%, số người sử dụng mạng xã hội tăng 25%, số người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động tăng 21%. Điều này cho thấy, tốc độ gia nhập thời đại số của Việt Nam tăng nhanh hơn mức tăng dân số.

Tuy nhiên, nền kinh tế số Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thụt lùi. Theo ông Phúc, cứ 100 USD thu từ xuất khẩu, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 25 USD và họ chỉ đóng góp 40% GDP của cả nước, chủ yếu do các doanh nghiệp vẫn ngần ngại ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Theo khảo sát của Google, có tới 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang lúng túng không biết lên mạng để làm gì.

Ông lớn “bắt nhịp”

Nhìn vào động thái thị trường, có vài ông lớn đã biết tận dụng cơ hội và dấn thân vào công cuộc chuyển đổi số.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT không ít lần khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số. Đó là điều mà hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực viễn thông truyền hình, logistics, công nghệ thông tin, bán lẻ như AIG, SkyPower, GE, AT&T, IBM, MetLife, Walmart, CocaCola, Pepsico của Mỹ đang muốn đầu tư thêm vào Việt Nam.

Riêng FPT, với vị thế đầu ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, cũng sẵn sàng cho sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số.

Sự tăng tốc kinh ngạc của chuyển đổi số ở các nền kinh tế châu Á
Theo Báo cáo Tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương do Microsoft và IDC châu Á - Thái Bình Dương thực hiện, chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 1.160 tỷ USD vào GDP của châu Á - Thái Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng 0,8%/năm. Năm 2017, khoảng 6% GDP của khu vực đến từ các sản phẩm và dịch vụ số, thông qua việc sử dụng các công nghệ số như di động, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Con số này sẽ tăng lên đến 60% vào năm 2021.

Tháng 7/2018, FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Sau thương vụ mua bán này, Intellinet đã ký được 3 hợp đồng trị giá triệu USD để cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể từ khâu tư vấn chiến lược đến thiết kế, triển khai và vận hành cho 3 tập đoàn lớn tại Mỹ trong lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khỏe. Thời gian tới, Intellinet sẽ cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số cho các tập đoàn trong danh sách Fortune Global 500.

Trong khi đó, “ông vua” sữa Việt Nam là Vinamilk đã nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và những lợi ích sẽ đạt được trong tương lai, nên nhanh chóng bắt tay vào công tác chuyển đổi số từ năm 2005 cùng Microsoft. Đó là một quyết định đúng đắn, giúp Vinamilk có được thành công như hôm nay.

Theo ông Nguyễn Nghị, Giám đốc công nghệ của Vinamilk, việc triển khai Office 365 ATP và EMS đã giúp Công ty cắt giảm được gần 80% chi phí vận hành. “Chúng tôi có thể dễ dàng đưa ra những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng, khi việc phân tích dữ liệu và phác thảo xu hướng được thực hiện dễ dàng hơn với công cụ phân tích kinh doanh Power BI”, ông Nghị nói.

Trường hợp khác, TH true Milk cũng lựa chọn đầu tư hàng trăm ngàn USD cho một chiếc máy cắt cỏ tự động, có thể thay thế cho sức làm việc của 800 người… Gần đây, Tập đoàn Trung Nguyên cũng bắt đầu lựa chọn Microsoft để “kết duyên” trong công cuộc chuyển đổi số nhằm trở lại thị trường một cách ngoạn mục hơn.

“Số hóa” từ con người

Việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ không ngừng thôi thúc chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Có tới 84% lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á thừa nhận rằng, cần phải chuyển thành “doanh nghiệp số” để duy trì tăng trưởng.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 6.000 doanh nghiệp Việt có nhu cầu chuyển đổi số. Microsoft và Samsung là tên tuổi đã tiên phong đem đến những sản phẩm, giải pháp thông minh toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận số.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổ số sẽ hưởng gấp đôi các lợi ích so với các doanh nghiệp theo sau và những lợi ích đó sẽ càng rõ nét hơn vào năm 2020.

Theo Microsoft, trong nhiều trường hợp, chuyển đổi số không thuần túy là việc tập hợp nhiều dự án công nghệ thông tin khác nhau, mà là chuỗi dự án nhỏ liên quan tới tất cả phòng, ban trong một doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục và mang tính kết nối nhỏ lẻ. Chúng mang lại những đầu ra kinh doanh tích cực và đóng góp vào một kế hoạch chuyển đổi số lớn hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia trong lĩnh vực số hóa có mặt tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2018 đều cho rằng, công nghệ cũng sẽ sắp xếp lại thị trường lao động trong tương lai. Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn tư vấn chiến lược Kingsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức sẽ có khoảng 800 triệu người mất việc.

Để có thể ứng dụng công nghệ thích hợp, biến đổi số thành công, trước hết, doanh nghiệp phải bắt đầu từ con người. Những con số tăng trưởng ấn tượng về ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam gần đây không phản án nội lực thực sự của Việt Nam, khi mà đội ngũ (kể cả phần cứng hay phần mềm) chủ yếu làm thuê ngoài (outsourcing) với kỹ năng rất đơn giản và giá trị gia tăng thấp, trong khi hạ tầng công nghệ chưa thực sự được chú trọng.

Môi trường kinh doanh cho kinh tế số: Công nghệ có thắng quan hệ?
Những phức tạp trong thủ tục hành chính cùng rào cản kinh doanh khiến doanh nghiệp phân vân trước sự lựa chọn đầu tư cho công nghệ hay quan hệ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư