Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Để có màn thuyết trình hiệu quả trước các nhà đầu tư
Đức Thọ - 31/12/2022 08:06
 
Với thời gian gặp gỡ chỉ gói gọn trong 1 tiếng đồng hồ, các nhà sáng lập cần có những kỹ thuật cơ bản để gây ấn tượng trong màn thuyết trình (pitching) trước các nhà đầu tư, tăng tỷ lệ gọi vốn thành công.

Ông Masayoshi Son, Chủ tịch Softbank đã quyết định đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba của Jack Ma chỉ sau cuộc gặp kéo dài 10 phút. Jack Ma không hề chủ động thuyết phục ông đầu tư tiền, cũng chẳng có kế hoạch kinh doanh nào cả, nhưng Jack Ma có “tinh thần chiến đấu mãnh liệt”, niềm đam mê và sự tin tưởng vào việc Internet có thể thay đổi Trung Quốc. “Jack Ma là người duy nhất có đôi mắt sáng và nó đã chiếm trọn trái tim tôi”, ông Son nhớ lại.

Thực tế, không phải nhà sáng lập nào cũng có khả năng hùng biện xuất sắc, nhưng nếu nắm được một số kỹ thuật cơ bản, tỷ lệ thành công của start-up khi đi gọi vốn sẽ cao hơn.

Thông thường, start-up có từ 30 phút đến 1 giờ để thuyết trình và phản biện trong buổi gặp đầu tiên với các nhà đầu tư. Lời khuyên ở đây là hãy tập pitching nhiều lần, nhận phản hồi từ mọi người xung quanh và hoàn thiện để có một màn pitch thật tốt. Tỷ phú Mark Cuban nói rằng: “Không có lối tắt nào ở đây, bạn phải thực hành rất nhiều để đạt được mức độ quen thuộc và thoải mái, điều sẽ dẫn bạn đến một bài thuyết trình hoàn hảo. Và bài thuyết trình hoàn hảo đó có thể khiến bạn kiếm được nhiều tiền”.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm đến tầm nhìn và động lực của đội ngũ sáng lập. Vì vậy, hãy kể một câu chuyện truyền cảm hứng về lý do bạn thành lập công ty, về giá trị bạn mong muốn kiến tạo, tầm nhìn cho doanh nghiệp trong tương lai và quyết tâm cũng như khả năng của doanh nghiệp để đạt được tầm nhìn đó.

Mặc dù một số bản pitching trình bày ý tưởng có cấu trúc khá cứng nhắc, song khi bạn lồng ghép câu chuyện và cảm xúc cá nhân vào quá trình pitching, nhà đầu tư sẽ cảm thấy hành trình của bạn hấp dẫn hơn nhiều so với những tầm nhìn chiến lược viển vông.

Thực tế, kể một câu chuyện hay không phải là cách bù đắp cho việc thiếu hiểu biết về kinh doanh. Đó chính là cách kết nối tình cảm mạnh mẽ với các nhà đầu tư ở mức độ chia sẻ tình cảm giữa người với người. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, sự khác biệt lớn trong kết quả pitching được tạo từ mối liên hệ cảm xúc này.

Cuối cùng, bên cạnh ý tưởng và cách dẫn dắt thuyết phục, doanh số dự tính là điều mà nhà đầu tư chú ý ở một dự án. Người làm kinh doanh bao giờ cũng bị gây ấn tượng bởi những con số thực tế hơn là những dữ kiện viển vông mơ hồ.

Điều quan trọng là phải dự trù chuẩn xác và trung thực doanh số tương lai của bạn. Không nên thổi phồng doanh số để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Thái độ này không chỉ khiến họ mất niềm tin, mà bạn cũng thiếu sự nghiêm túc đối với chính dự án của mình.

Ngoài 3 vấn đề trên, Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures cũng gợi ý rằng, mỗi lần pitch trước nhà đầu tư, bạn hãy quan sát xem thái độ của họ thế nào, đâu là phần họ hứng thú nhất, đâu là phần họ nghi ngờ nhất, rồi rút kinh nghiệm để hoàn thiện phần pitch của mình.

Đặc biệt, cần để ý đến tâm thế khi đi gọi vốn. Hãy luôn tránh tâm thế “cần tiến tới mức tuyệt vọng”. Nên lưu ý rằng, đầu tư không phải là một quá trình chỉ có một chiều giá trị (nhà đầu tư tạo giá trị cho start-up), mà giá trị đến từ cả 2 đầu (start-up cũng mang tới cơ hội thoái vốn cùng lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư). Vậy nên, hãy giữ tâm thế vững vàng khi trò chuyện cùng nhà đầu tư, không để tâm thế “chiếu dưới”.

Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư sẽ muốn hạ định giá công ty để tăng lượng cổ phần mà họ sở hữu. Đây là bài toán thương lượng, nhưng hãy luôn nắm rõ lý do khiến bạn đưa ra mức định giá của mình để bảo vệ giá trị công ty và cả lượng cổ phần của bản thân.

Cơ hội săn start-up công nghệ “đẻ trứng vàng”
Thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang được đánh giá là khá trầm lắng, nhưng trong “nguy” luôn xuất hiện “cơ”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư