Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Để nông nghiệp miền Trung cất cánh
Minh Tân - 06/05/2019 20:28
 
Nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tại miền Trung. Cùng với những chính sách hỗ trợ và khuyến khích các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, cũng cần nhận diện để xóa bỏ những rào cản, giúp ngành nông nghiệp vươn lên.
Nông dân Quảng Trị sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển trong sản xuất lúa mang lại năng suất gấp đôi, đồng ruộng đầy cá. Ảnh: Việt Hương
Nông dân Quảng Trị sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển trong sản xuất lúa mang lại năng suất gấp đôi, đồng ruộng đầy cá. Ảnh: Việt Hương

Bước ngoặt cho nông nghiệp miền Trung

Hơn 10 năm kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều kết quả đã đạt được, mở ra một thời kỳ mới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, nhưng cũng còn đó không ít thách thức.

Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng “giải cứu” nông sản triền miên từ năm này sang năm khác như một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp. Hay vấn đề đầu ra thường xuyên gặp phải như “mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, “không đáp ứng được chuỗi giá trị khu vực”…

Đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, “gốc rễ” để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp là cần thay đổi hệ thống sản xuất lấy hộ cá thể làm trọng tâm, chuyển sang hệ thống sản xuất lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Tuy nhiên, các cơ chế và chính sách hiện tại còn nhiều rào cản. Chính sách cốt lõi để tạo động lực cho doanh nghiệp nông nghiệp chính là xoá bỏ hạn điền, tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai linh hoạt tùy bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp. Chuyển hướng đầu tàu nông nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân.

Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, thu hút trên 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, cùng những hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX… có kinh nghiệm thực hiện, tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tham dự, đã phân tích khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn để có những giải pháp phát triển nền nông nghiệp phù hợp và bền vững trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36,37 tỷ USD. Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, kết quả ngành nông nghiệp đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những cơ hội do cách mạng khoa học - công nghệ, cùng kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế tạo ra.

Ông Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam, người phát minh ra loại phân bón hữu cơ mang tên Ong Biển, được xem như cứu tinh của ngành nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao chia sẻ, thị trường nông sản hiện nay đang thiếu ổn định, rủi ro cao; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu, nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt doanh nghiệp ở miền Trung chưa thực sự “mặn mà” trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, gắn với cuộc cách mạng 4.0 thì chính nhà lãnh đạo, nhà đầu tư và kể cả nhà nông cần phải giải được bài toán vận dụng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường”, ông Nam nói.

Trong phần chia sẻ kinh nghiệm, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đại diện ngành nông nghiệp Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một đô thị lớn ở miền Trung, không có nhiều đất nông nghiệp so với các địa phương khác, song nhiều năm qua đã chú trọng tạo sự đột phá về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn. Do đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố luôn trong top đầu khu vực miền Trung.

Những địa phương Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên, Ninh Thuận cũng đang chuyển hướng bắt tay vào triển khai từng mô hình ứng dụng công nghệ cao và khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Chương trình OCOP đưa sản phẩm vươn xa

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao. Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao bước đầu giúp hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố.

“Hàng năm, Thành phố thu lợi nhiều từ sản xuất lúa hữu cơ, rau sạch công nghệ cao đạt chuẩn VietGap, trồng hoa lan. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn với đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chú trọng các tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nghĩa cho biết.

Đề án “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Bộ NN&PTNT đưa ra đang là “tấm bài” để các địa phương áp dụng một cách tích cực trong tiến trình xây dựng, thu hút nhà đầu tư và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tìm ra giá trị mang tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước, mà cả quốc tế.

Với tỉnh Quảng Bình, ngành nông nghiệp địa phương này đang từng bước chuyển sản xuất cá thể nhỏ lẻ sang sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ở Quảng Ngãi, việc xây dựng đề án OCOP là niềm vui, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, bởi Quảng ngãi (mà cụ thể là huyện đảo Lý Sơn), lâu nay hành, tỏi là sản phẩm nổi tiếng cả nước. Sau khi xác định lại “sản phẩm địa phương”, tỉnh đã có chiến lược bảo tồn, phát triển đúng hướng, giữ vững niềm tin trong cộng đồng.

Thêm “cú hích” cho chương trình OCOP tại Quảng Ngãi, mới đây, Central Group Việt Nam tổ chức khởi công Dự án Trung tâm thương mại và siêu thị GO!, với tổng diện tích xây dựng hơn 15.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động cuối quý III/2019. Tại sự kiện này, Central Group Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về tiêu thụ sản phẩm giữa Big C miền Trung và các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Bình Sơn.

Còn với Gia Lai, “cơ cấu cây trồng của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, thời gian tới, nông nghiệp Gia Lai tiếp tục hướng đến phát triển, liên kết, kết nối giữa sản xuất với chế biến. Xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương”, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết.

Tỉnh Ninh Thuận cũng có tới 12 sản phẩm đặc thù của địa phương giai đoạn 2018 - 2020, trong đó có tới 6 sản phẩm cây trồng là nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn; 3 sản phẩm vật nuôi đặc thù là tôm giống, cừu, dê đã được gắn thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, giúp tăng giá trị sản phẩm.

Riêng Thừa Thiên Huế, nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành một lĩnh vực mới, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong vài năm trở lại đây. Ngoài Vingroup đang nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn 2 phường Hương Chữ và Hương An (thị xã Hương Trà), thì Tập đoàn FLC cũng đề xuất tiến hành đầu tư Dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền với quy mô khoảng 100 ha. Tỉnh cũng đang tiến hành rà soát để đăng ký sản phẩm đặc thù.

Tại Phú Yên, vài năm nay, rượu tằm là một sản phẩm độc đáo, đang được Hợp tác xã Nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Lâu nay, sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong tỉnh Phú Yên và các địa phương lân cận. Với chương trình OCOP, sản phẩm này sẽ có cơ hội vươn xa. Đồng thời, tỉnh Phú Yên cũng đang chọn những sản phẩm có lợi thế để quảng bá.

Kinh tế miền Trung không thể chỉ dựa vào "lợi thế tĩnh"
() Miền Trung có thể bứt phá nhờ một thể chế có tính đột phá để cho phép sử dụng được những tiềm năng sẵn có. Nếu không, tiềm năng to lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư